21/08/2012 - 20:32

Mía chưa vào vụ đã thấy khó

Nhiều dự báo, vụ mía năm 2012-2013 sẽ ít nhiều khó khăn đối với nông dân.

Mấy ngày nay, nước lũ đã bắt đầu đổ về thượng nguồn với cường suất ngày một tăng. Theo quy luật hàng năm, còn hơn tháng nữa lũ sẽ ảnh hưởng đến một số vùng nguyên liệu mía các tỉnh Hậu Giang, Sóc Trăng... nên tình trạng đốn mía chạy lũ nhiều khả năng tái diễn...

Ông Dương Quốc Việt, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh Sóc Trăng, cho biết: Theo dự báo, đỉnh lũ năm nay sẽ từ bằng đến cao hơn đỉnh lũ năm 2011. Vì vậy, nhiều khả năng, một số vùng trũng của tỉnh sẽ tái diễn tình trạng ngập úng! Hiện nay, lũ đang đổ về nơi thượng nguồn với cường suất ngày một cao - thực sự là mối đe dọa đối với vùng mía nguyên liệu của huyện Mỹ Tú. Trong khi đó, tại vùng này, hiện vẫn còn nhiều diện tích mía chưa có bờ bao khép kín, hoặc bờ bao chưa đủ cao trình chống lũ. Ông Lê Văn Đáng, Phó Chủ tịch UBND huyện Mỹ Tú, tỉnh Sóc Trăng, băn khoăn: “Nếu lũ năm nay về sớm và đỉnh lũ từ bằng đến cao hơn đỉnh lũ năm 2011, sẽ có khoảng 1.500ha mía của huyện bị ảnh hưởng”. Niên vụ mía đường 2012-2013, huyện Mỹ Tú xuống giống 3.400ha, tức đã giảm 207ha trồng mía nguyên liệu so với niên vụ trước. Theo đánh giá của ngành nông nghiệp huyện Mỹ Tú, sớm nhất cũng phải đến cuối tháng 8 mới bắt đầu vào vụ thu hoạch. Còn vụ thu hoạch rộ thường từ giữa tháng 9 đến đầu tháng 11. Nếu diễn biến lũ như dự đoán, Mỹ Tú sẽ có khoảng 1.500ha mía bắt buộc phải thu hoạch chạy lũ! Đây thật sự là nỗi lo của người trồng mía ở Mỹ Tú bởi thời điểm này, tỉnh bạn Hậu Giang cũng tập trung thu hoạch chạy lũ cho khoảng 9.000ha.

Áp lực trên đối với nông dân và cả nhà máy đường là rất lớn vì nếu không thu hoạch chạy lũ, mía sẽ giảm năng suất, chất lượng và thậm chí thiệt hại hoàn toàn. Đây cũng chính là lý do để 10 nhà máy đường trong khu vực ĐBSCL nhóm họp bất thường cuối tháng 7 vừa qua để tìm giải pháp tiêu thụ mía chạy lũ. Ông Cổ Trí Dũng, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Mía đường tỉnh Sóc Trăng, cho biết: Lượng đường tồn kho chung trong nước đến cuối tháng 7 khoảng 250.000 tấn. Với sức tiêu thụ bình quân 100.000 tấn/tháng, đến cuối tháng 8, cũng còn tồn đến 150.000 tấn. Đó là chưa kể tới lượng đường nhập lậu qua biên giới chỉ với giá 16.000 đồng/kg, cùng với hạn ngạch cho phép nhập khẩu 70.000 tấn sắp tới... Giá đường trong nước hiện nay chỉ vào khoảng 16.200-16.300 đồng/kg, thấp hơn so giá đường năm 2011 là 2.700-2.800 đồng/kg. Như vậy, khi giải quyết tiêu thụ mía chạy lũ, áp lực tiêu thụ đường đối với các nhà máy đường là rất lớn”. Vì vậy, theo Hiệp hội mía đường, trong niên vụ mía 2012-2013 sẽ duy trì giá thành sản xuất khoảng 15 triệu đồng/tấn đường (trước thuế), khó có thể tăng hơn mới có thể hài hòa lợi ích giữa nhà máy đường với người trồng mía.

Theo Bộ phận nông vụ các nhà máy đường ĐBSCL, diện tích mía trong vùng ở niên vụ này khoảng 51.800 ha, năng suất bình quân 90 tấn/ha, sản lượng mía ước tính 3,9 triệu tấn. Việc vào vụ sớm của các nhà máy sẽ gặp không ít khó khăn khi hiện tại mía còn non ngày tuổi, chữ đường thấp; trong khi đường tiêu thụ chậm, giá thấp, lượng đường tồn kho của các nhà máy khá nhiều. Ông Cổ Trí Dũng cho biết thêm: “Các nhà máy đường trong khu vực đã tính toán và thống nhất mức giá thu mua mía loại 10 chữ đường tại ruộng là 1.000 đồng/kg và thời gian khởi động niên vụ mới của các nhà máy dự kiến vào cuối tháng 8-2012. Riêng nhà máy đường Sóc Trăng sẽ khởi động sau đó 10-15 ngày”. Với mức giá thu mua trên, nếu đạt năng suất 100 tấn/ha và 10 chữ đường thì người trồng mía cũng chỉ lãi được khoảng 15 triệu đồng/ha. Bởi theo tính toán, giá thành sản xuất niên vụ này lên đến 850.000 đồng/tấn.

Bài, ảnh: XUÂN TRƯỜNG

Chia sẻ bài viết