23/09/2011 - 21:22

"Kỹ sư" nấm rơm

Anh Nguyễn Văn Bé Tư thành công với mô hình trồng nấm rơm.

Đó là anh Nguyễn Văn Bé Tư, sinh năm 1978, ngụ xã Định Môn, huyện Thới Lai, TP Cần Thơ. Vốn xuất thân trong gia đình không đất sản xuất, từ một lao động làm thuê, sau nhiều năm lao động cật lực, đến nay, anh Bé Tư đã tạo lập cho mình một nghề với nguồn thu nhập khá vững chắc, đó là trồng và thu mua nấm rơm. Anh là một trong những thanh niên điển hình về ý chí vượt khó, ra sức lao động, từng bước vươn lên thoát nghèo, ổn định đời sống...

“Kỹ sư” nấm rơm

Dáng người cao to và nụ cười hiền luôn nở trên gương mặt rám nắng, đó là một vài nét về chân dung của anh Nguyễn Văn Bé Tư. Tờ mờ sáng, anh Bé Tư đã bắt tay vào công việc. Đôi bàn tay thoăn thoát, với từng động tác thành thục, anh đắp từng dòng nấm, chuẩn bị cho một vụ mùa mới. Hơn 5 năm gắn bó với nghề trồng nấm, anh Bé Tư cho biết: “Nấm rơm có thể trồng quanh năm, nhưng để đạt năng suất cao và thuận lợi thì ngay sau khi thu hoạch vụ lúa đông xuân (tháng 2 dương lịch) đến giữa mùa mưa khi lượng rơm nhiều và giá bán rẻ, nên tiến hành trồng nấm. Rơm trồng nấm phải khô đều, màu vàng. Gom rơm lại, sau đó chất thành đống (nếu ủ đống to quá thì khó cho việc tưới và đảo rơm; còn nếu ủ đống nhỏ thì không tạo ra được nhiệt độ cho rơm chín). Rơm sau khi chất thành đống được tưới đều từ trên xuống, giữ ẩm liên tục cho đến khi thò tay vào thấy nóng rát là được. Sau khi ủ 4-5 ngày phải đảo rơm cho chín đều”.

Tiếp đến là công đoạn cấy meo. Rơm mục được chất thành luống như luống khoai, ngang 50cm, cao 35-40 cm, dài tùy theo mặt bằng. Rải đều meo nấm ở hai bên sườn luống và phủ tiếp một lớp rơm nữa cho kín hết meo. Nấm cần được trồng ở nơi cao ráo, gần sông để thuận tiện cho việc tưới nước và thoát thủy nhanh, tuyệt đối không để nước ngập lên mô nấm. Thời tiết khô thì tưới nước liên tục trong tuần đầu, mỗi ngày một lần để rơm luôn ẩm cho nấm phát triển, nên tưới vào buổi chiều mát. Theo anh Bé Tư, nấm rơm hay bị nhiễm nấm mốc, nấm dại, mốc xanh, mốc cam, mốc thạch cao. Phải xử lý bằng thuốc tím, nặng phải dùng Bennomyl, Zineb, Validacin. Ngoài ra, còn các côn trùng phá nấm như ruồi, mạt gà, bọ nhảy, cuốn chiếu, kiến, gián; dùng thuốc Furadan để diệt. Khi nấm đã tạo hình thì phun các loại thuốc kích thích sinh trưởng như Komix, Mimix, Atonic, Bioted... Sau khi trồng 12-13 ngày, tiến hành kiểm tra kích thước của nấm, nếu đủ cỡ thì thu hoạch. Khi thu hoạch cần dỡ rơm từ từ, không bới lung tung. Nhặt những quả nấm đạt kích thước, nấm nhỏ để lại, phủ rơm như cũ và tưới tiếp để thu hoạch đợt sau.

So với các loại cây trồng khác, trồng nấm đầu tư ít mà chu kỳ sản xuất lại ngắn, thu hoạch liên tục 10-15 ngày. Người trồng nấm rơm có thể thu hoạch theo ý mình, chia làm nhiều đợt và chủ động được thời vụ. Sau khi trừ chi phí thì người trồng thu lãi trên 50%. Theo tính toán của anh Bé Tư, cứ 1 công rơm người dân thu hoạch từ 30-35kg nấm. Hiện tại, giá bán trên thị trường khoảng 15.000 đồng/kg nấm tươi, bình quân 1 công rơm, người trồng nấm thu từ 450.000-500.000 đồng. Đến ấp Định Khánh A, xã Định Môn, nhiều người dân địa phương thường gọi anh Bé Tư là “kỹ sư” nấm rơm. Bởi, theo anh Nguyễn Thanh Hải (ngụ cùng xóm): Khi người dân có thắc mắc về kỹ thuật trồng nấm, anh Bé Tư không chỉ hướng dẫn tận tình mà còn đến tận nơi để “chẩn đoán” bệnh cho cây nấm có biện pháp phòng trị...

Nỗ lực vượt khó

Qua trò chuyện, điều làm chúng tôi thấy quý anh Bé Tư chính là ý chí, nghị lực vượt khó, ra sức lao động vươn lên trong cuộc sống. Xuất thân trong gia đình đông con, không đất sản xuất, anh là con thứ trong gia đình gồm 6 anh chị em. Ý thức lao động đã hình thành trong anh từ rất sớm. Khi trưởng thành, anh đi làm thuê, làm mướn với đủ các việc như: Làm vạn; đào đất... Trong khoảng thời gian làm thuê ở xã Phong Hòa, (huyện Lai Vung, tỉnh Đồng Tháp), anh đã học được nghề trồng nấm rơm, sau đó, anh trở về địa phương trồng thử nghiệm. Anh Bé Tư cho biết: “Vụ nấm đầu tiên, tôi trồng không đạt năng suất, sau khi trừ chi phí, chỉ còn lời khoảng 500.000 đồng. Quyết không nản lòng, tôi vừa làm, vừa tích lũy kinh nghiệm. Dần dà, tôi đã thành công với nghề trồng nấm rơm”.

Hằng ngày, đôi bàn tay chai sần, rám nắng của anh Bé Tư nhẹ nhàng nâng niu từng quả nấm hay vun phân, tưới nước từng dòng nấm. Từ tờ mờ sớm đến xế chiều, anh thường có mặt tại nơi trồng nấm, làm lụng không hở tay. Nhưng bù lại, nấm rơm đã mang lại nguồn thu nhập đáng kể, giúp anh trang trải chi tiêu trong nhà, từng bước vươn lên khấm khá. Một trong những yếu tố giúp anh thành công là anh tiết kiệm chi phí trong sản xuất, tăng thu nhập. Bên cạnh đó, trong sinh hoạt hàng ngày, anh chi tiêu hợp lý, tích góp được của cải, xây dựng cuộc sống ấm no...

Không chỉ vậy, anh Bé Tư còn tranh thủ đi thu mua nấm rơm của người dân địa phương, về tổ chức sơ chế, rồi giao lại cho thương lái, kiếm thêm thu nhập. Khi hết vụ nấm, anh quay sang đi phụ máy suốt lúa, trung bình mỗi ngày kiếm được khoảng 150.000 đồng. Làm lụng quần quật không nghỉ tay nhưng anh luôn sắp xếp thời gian hợp lý để tham gia các phong trào ở địa phương. Hơn 10 năm, anh là Bí thư Chi đoàn ấp Định Khánh A, đã tập hợp, giúp thanh niên cùng nhau làm kinh tế, nâng cao thu nhập. Mô hình trồng nấm rơm mang lại hiệu quả kinh tế cao nên anh dự tính nhân rộng mô hình này trong lực lượng đoàn viên, thanh niên ở địa phương.

Anh Nguyễn Văn Phú, Bí thư Xã Đoàn Định Môn, cho biết: “Thành quả mà ngày nay anh Nguyễn Văn Bé Tư đạt được là cả quá trình dày công, không ngừng nỗ lực vượt khó. Điều đáng quý ở anh là luôn sẵn lòng chia sẻ kinh nghiệm, kỹ thuật trồng nấm, giúp thanh niên địa phương có công ăn việc làm, nâng cao thu nhập. Anh là một trong những thanh niên điển hình làm kinh tế giỏi được chính quyền địa phương tặng giấy khen nhiều năm liền...”.

Bài, ảnh: CHẤN HƯNG

Chia sẻ bài viết