01/04/2018 - 17:58

Đừng tin lời đồn đoán về “thần dược” 

Đó là khuyến cáo của các bác sĩ chuyên khoa về bệnh lý đái tháo đường (dân gian thường gọi là bệnh tiểu đường). Hiểu rõ bệnh và tuân thủ điều trị, bệnh nhân đái tháo đường có thể “chung sống hòa bình” với căn bệnh này suốt đời. 

Cảnh giác với “thần dược”                                     

Gần đây, ở miền Tây rộ tình trạng người dân tìm mua một số loại thuốc viên hoàn cứng nhiều màu sắc được cho là thuốc nam, không rõ nguồn gốc xuất xứ, lại truyền miệng thổi phồng tính năng “thần dược” trị bệnh đái tháo đường. Nhiều người tin dùng, không tuân thủ điều trị theo chỉ dẫn của cán bộ y tế. Cho đến khi các bác sĩ ở nhiều bệnh viện trong khu vực báo động nhiều trường hợp đái tháo đường tử vong có liên quan đến "thần dược", người bệnh mới giật mình, lo lắng.

Cán bộ y tế BV Trường Đại học Y dược Cần Thơ kiểm tra sức khỏe cho bệnh nhân đái tháo đường đang điều trị.
Cán bộ y tế BV Trường Đại học Y dược Cần Thơ kiểm tra sức khỏe cho bệnh nhân đái tháo đường đang điều trị. 

Những người bệnh tử vong với cùng đặc điểm khi nhập viện thường có đường huyết ổn định nhưng suy đa tạng và toan chuyển hóa nặng và đặc biệt, họ đều có thời gian dùng thuốc không rõ nguồn gốc cùng loại. Các bác sĩ nghi vấn những loại thuốc này có chứa thành phần phenphoxmin, một dược chất điều trị bệnh đái tháo đường thế hệ đầu, nhưng đã bị cấm lưu hành từ lâu vì nhiều biến chứng.

Tại địa bàn thành phố Cần Thơ, trong tháng 3-2018, cơ quan chức năng vào cuộc, kiểm tra các cơ sở sản xuất, phân phối đông dược không có giấy phép hành nghề đông dược và tịch thu số lượng lớn các loại đông dược điều trị nhiều loại bệnh, trong đó chủ yếu điều trị bệnh đái tháo đường. Ngành y tế thành phố đã gởi mẫu để kiểm nghiệm thành phần thuốc.

Theo Tiến sĩ – bác sĩ Ngô Văn Truyền, bác sĩ chuyên khoa nội tiết, Trưởng Khoa Y Trường Đại học Y dược Cần Thơ, thuốc dùng cho người bệnh bắt buộc phải rõ ràng về dược chất và phải được cơ quan y tế cấp phép sử dụng. Đối với ngành dược, muốn sản xuất một loại thuốc phải thông qua một quy trình nghiêm ngặt từ cấp phép sản xuất đến việc theo dõi hiệu quả điều trị cho người bệnh. Riêng thuốc điều trị bệnh đái tháo đường, bác sĩ phải kiểm tra tình hình sức khỏe bệnh nhân cùng với kết quả các xét nghiệm chỉ số của cơ thể mới chỉ định dùng loại nào phù hợp, đáp ứng điều trị.

Bác sĩ Truyền cũng cho biết, thực trạng người bệnh dùng đông dược trôi nổi không rõ nguồn gốc khá phổ biến. Những thuốc này không rõ thành phần, không được cơ quan chức năng kiểm nghiệm, nhưng lại lưu hành tràn lan với số lượng lớn, phân bổ rộng rãi trên nhiều địa bàn, tiềm ẩn nhiều nguy cơ đe dọa sức khỏe người bệnh. Vấn đề này cần có những giải pháp quyết liệt hơn để người dân thoát khỏi những mối nguy đe dọa tính mạng.

“Chung sống hòa bình” với bệnh

Ở nước ta, nếu những năm đầu thập niên 90 của thế kỷ 20, tỷ lệ người bệnh đái tháo đường chiếm khoảng 1% dân số thì hiện nay, tỷ lệ người bệnh chiếm khoảng 5% dân số cả nước. Tốc độ gia tăng bệnh đái tháo đường ở nước ta ngày càng nhanh, chỉ trong khoảng gần 20 năm, tỷ lệ bệnh tăng gần 5 lần. Tiến sĩ – bác sĩ Ngô Văn Truyền, cho biết, theo các nghiên cứu của Trường Đại học Y dược Cần Thơ, tỷ lệ người bệnh ở vùng ĐBSCL cũng tương tự với tỷ lệ chung của cả nước.

Nguyên nhân nào làm gia tăng nhanh tỷ lệ mắc bệnh đái tháo đường? Câu trả lời là cùng với sự phát triển của đất nước, các điều kiện về kinh tế - xã hội được cải thiện, đời sống người dân từng bước được nâng cao nên tuổi thọ người dân cũng tăng dần lên. Người càng cao tuổi thì nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường càng cao. Bên cạnh đó, phải kể thêm các yếu tố nguy cơ khác như chế độ ăn giàu năng lượng, lối sống ít vận động, béo phì… Tuy nhiên, phần lớn các yếu tố nguy cơ trên có thể điều chỉnh được, để hạn chế số người mắc bệnh.

Bệnh đái tháo đường gây suy giảm sức khỏe người bệnh, dẫn đến nhiều biến chứng, không chỉ ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống người bệnh mà còn là gánh nặng kinh tế cho bản thân người bệnh, gia đình và xã hội. Bệnh đái tháo đường diễn tiến âm thầm, nên nhiều người được chẩn đoán muộn, thậm chí đến khi đã có các biến chứng mới được chẩn đoán. Theo thời gian, các biến chứng xuất hiện nhiều và nặng nề hơn. Do đó, bệnh được phát hiện càng sớm thì hiệu quả điều trị càng tốt, bằng việc điều chỉnh lối sống như chế độ ăn uống, sinh hoạt, tập luyện và dùng thuốc phù hợp với tình trạng bệnh. Theo các bác sĩ chuyên khoa, yếu tố quan trọng nhất trong việc điều trị cho bệnh nhân đái tháo đường là người bệnh phải tuân thủ điều trị, kiểm soát tốt các chỉ số của cơ thể để tránh các biến chứng do bệnh gây ra.

Bệnh nhân đái tháo đường nên ăn như thế nào là vấn đề quan tâm của nhiều người bệnh để bệnh diễn tiến chậm, ít biến chứng, đồng thời vẫn đảm bảo chất lượng cuộc sống của người bệnh.
Theo bác sĩ Ngô Văn Truyền, bệnh nhân đái tháo đường, nhất là người bệnh tuýp 2, một số trường hợp chỉ cần ăn uống và tập luyện cũng có thể giữ ổn định đường huyết trong một thời gian, không cần dùng thuốc. Bệnh nhân đái tháo đường cần được cung cấp đầy đủ năng lượng để làm việc, gồm đầy đủ chất dinh dưỡng, khoáng chất, vitamin, ăn nhiều rau và chất xơ. Người bệnh nên chia khẩu phần ăn làm nhiều bữa nhỏ trong ngày. Người bệnh cần lưu ý hạn chế các thực phẩm chứa nhiều đường, nhiều dầu mỡ, nhiều muối; hạn chế sử dụng bia rượu. Tuy nhiên, người bệnh cũng không nên kiêng khem quá mức có thể dẫn đến hậu quả suy giảm sức khỏe. Đặc biệt, người bệnh đái tháo đường cần tuyệt đối tránh hút thuốc lá, vì bệnh nhân hút thuốc sẽ làm tăng các biến chứng tim mạch.

THU SƯƠNG

Chia sẻ bài viết