13/03/2018 - 15:55

Lần theo dấu vết "thần dược" trị bệnh tiểu đường ở miền Tây 

Trong vai người cần mua “thần dược”, chúng tôi  tiếp cận được nhiều cơ sở bán các loại đông dược không rõ nguồn gốc xuất xứ và thành phần. Đáng lo ngại hơn, nhiều nơi ở miền Tây, bà con loan truyền về một loại “thần dược” trị bệnh tiểu đường có nguồn gốc từ... dược liệu trên núi.

Cơ quan chức năng bắt quả tang cơ sở không phép nghi sản xuất và kinh doanh dông dược không rõ nguồn gốc xuất xứ và thành phần của hộ bà Lê Thị Kim Hoa ở huyện Thới Lai, TP Cần Thơ. 

Hầu hết người dân chỉ nghe truyền miệng mà tin vào cái gọi là "thần dược", không cần biết đến nguồn gốc xuất xứ cũng như thành phần của thuốc hay tác dụng phụ có thể gây biến chứng đe dọa tính mạng.

Bà Trương Thị Thu Thủy (53 tuổi, ở ấp Cần Thới, xã Cần Đăng, huyện Châu Thành, tỉnh An Giang) nghe cháu gái ở Tri Tôn giới thiệu có loại thuốc nam trị bệnh tiểu đường hiệu quả nên gởi mua về uống, mỗi hộp giá 150.000 đồng, uống khoảng 3 – 4 tháng, uống kèm với thuốc trị tiểu đường theo toa bác sĩ. Bà đã uống hết 1 hộp, đang uống tiếp hộp thứ 2.

Cầm lọ thuốc không nhãn mác trên tay, bà Thủy cho biết: "Khi xem chương trình thời sự về các vụ sản xuất, kinh doanh đông dược không rõ nguồn gốc, cũng như bác sĩ nói có nhiều người bệnh tiểu đường chết có liên quan đến sử dụng các loại thuốc như tôi uống, tôi sợ quá!". 

Bác sĩ Võ Thị Kim Phương, Phó Giám đốc BV Đa khoa Hạnh Phúc, tỉnh An Giang kể, nhiều người đến BV hay phòng khám bác sĩ, cầm theo các loại “thuốc nam” dạng viên hoàn cứng hỏi bác sĩ có uống được không, vì nghe người ta truyền tai rằng thuốc hiệu nghiệm ổn định đường huyết.

Bác sĩ Phương còn kể câu chuyện, có hai mẹ con bệnh nhân cùng mắc bệnh tiểu đường, người mẹ điều trị với phác đồ của bác sĩ chuyên khoa, còn người con gái cũng mắc tiểu đường chỉ uống đông dược, mặc dù người mẹ khuyên bảo con nên điều trị với bác sĩ chuyên khoa nhưng con gái không chịu. Sau một thời gian uống thuốc, mới đây, người con gái trở mệt, đưa vào BV cấp cứu rồi tử vong. 

Theo chỉ dẫn của các gia đình có người thân tử vong nghi liên quan đến việc sử dụng đông dược không rõ nguồn gốc, chúng tôi tìm đến các địa chỉ bán thuốc “gia truyền”. Hầu hết các cơ sở có điểm chung là không đăng ký kinh doanh và không có chứng chỉ hành nghề về y học cổ truyền.

Ông Nguyễn Văn Bảo (ở tỉnh Vĩnh Long) - chồng bệnh nhân Phùng Thị Hẹ đã tử vong - kể rằng, từng trao đổi mua bán trên 20 lần với ông Nguyễn Phước Hữu (ở Đồng Tháp), người tự xưng là bán thuốc gia truyền “thần dược” trị tiểu đường, từ nguồn dược liệu trên núi. 

Theo lời kể của ông Bảo, chúng tôi tìm đến cù lao An Hòa, xã An Nhơn, huyện Châu Thành, tỉnh Đồng Tháp. Qua phà sang cù lao, chúng tôi thuê xe ôm chạy quanh co nhiều ngõ ngách, len giữa những vườn cây để tìm nhà ông Hữu. Do trên cù lao có nhiều người tên Hữu và ông Hữu không bán thuốc cho người địa phương vì thế ít ai biết ông, nên sau hai lần tìm nhầm nhà, chúng tôi mới đến đúng địa chỉ. Do đã liên hệ từ trước, ông Hữu nghe gọi bên này sông, bơi xuồng qua rước chúng tôi sang nhà.

Đoàn kiểm tra liên ngành huyện Châu Thành, tỉnh Đồng Tháp lập biên bản, tịch thu số đông dược không rõ nguồn gốc tại nhà ông Nguyễn Phước Hữu.  

Trong câu chuyện chào hàng, ông Hữu kể bản thân mắc bệnh tiểu đường nhiều năm, được người quen chỉ cho thuốc hay, ông uống, thấy khỏe hẳn ra nên mua về bán lại. Ông thường bán thuốc cho người ở tỉnh xa trong cả nước, kể cả bán cho Việt kiều ở nước ngoài. Ai đặt mua thuốc, số lượng bao nhiêu, cứ cho địa chỉ, ông sẽ chuyển thuốc theo dạng hàng hóa thông qua đường bưu điện. Ông Hữu còn cam đoan tác dụng hữu hiệu của thuốc, không cần kiêng cử việc ăn uống. Nếu thuốc không có tác dụng như ông nói, khách hàng không trả tiền cho ông cũng được.

Những bọc thuốc của ông Hữu, cũng gồm các viên hoàn cứng nhỏ, màu đỏ, xanh, xám, không hề có chỉ dẫn về nơi sản xuất, thành phần hay giấy phép sản xuất. Ông Hữu có in kèm tờ rơi hướng dẫn cách sử dụng và công dụng thuốc, cùng số điện thoại của chủ cơ sở thuốc gia truyền là ông Nguyễn Phước Hữu.

Nhóm “khách hàng” chúng tôi đã mua 5 gói, với tổng số tiền 700.000 đồng. Sau khi thông tin này được báo đến chính quyền, ngày 9-3, ngành chức năng địa phương đã tiến hành kiểm tra và tịch thu hơn 2,5kg tang vật là thuốc viên hoàn nén đông dược tại nhà ông Hữu. 

Khai nhận với Đoàn kiểm tra, ông Hữu cho biết ông lấy thuốc từ một cơ sở bào chế thuốc gia truyền với hơn 200 nhân công ở huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang. Bác sĩ Nguyễn Văn Chính, Trưởng Phòng Y tế huyện Châu Thành, Phó Đoàn kiểm tra liên ngành hành nghề y dược của huyện cho biết, cơ sở này hoàn toàn không đăng ký kinh doanh hành nghề y dược và các loại thuốc cũng không rõ nguồn gốc xuất xứ. Thuốc có thể có chứa hóa chất độc hại ảnh hưởng sức khỏe, tính mạng, người dân không nên tùy tiện sử dụng.

Về các thuốc đông dược bị tịch thu, ngành chức năng sẽ có biện pháp đề xuất cấp trên kiểm nghiệm thành phần để có hướng xử lý tiếp theo. Bác sĩ Chính cũng cho hay, thời gian qua, ở địa phương có tình trạng một số cơ sở từ thiện phát thuốc đặc trị tiểu đường miễn phí cho người dân với quảng bá thuốc hiệu nghiệm như “thần dược”.

Trước đó, ở Cần Thơ, Đoàn kiểm tra liên ngành quận Ô Môn và huyện Thới Lai cũng phát hiện, lập biên bản và tịch thu tang vật hàng trăm ngàn viên đông dược thành phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ và thành phần dược liệu, nghi có liên quan đến phenphoxmin, có tác dụng ổn định đường huyết ở bệnh nhân tiểu đường nhưng gây ngộ độc, toan chuyển hóa, suy đa tạng, nguy cơ dẫn đến tử vong rất cao. Bà Lâm Kim Xuyến (quận Ô Môn) bán thuốc đông dược không phép đã nhiều năm, cho biết, thuốc mua từ Tri Tôn về bán lại. 

Chờ kết quả kiểm nghiệm  

Hiện cơ quan chức năng đang xét nghiệm các thành phần trong các loại đông dược nói trên. Tuy nhiên, theo nhận định ban đầu của các cán bộ y tế, bệnh cảnh chung của các bệnh nhân tiểu đường nguy kịch tính mạng hoặc tử vong do sử dụng "thần dược" cho thấy các thuốc này có chứa hoạt chất phenphoxmin.

Theo bác sĩ CKII Phan Thị Phụng, Trưởng Khoa ICU BV Đa khoa TP Cần Thơ, cần phải báo động thực trạng này cho người dân ĐBSCL. Nếu tình trạng sử dụng đông dược bừa bãi kéo dài, chắc chắn con số bệnh nhân tử vong sẽ tiếp tục tăng. "Với bệnh tiểu đường, là bệnh mạn tính, những người đã tuân thủ theo tây y còn gặp biến chứng, nếu bỏ ngang mà chỉ uống đông dược thì bệnh càng nặng nề thêm, chưa kể thành phần thuốc có chứa phenphoxmin"- bác sĩ Phụng nói. 

Bác sĩ CKII Bùi Văn Đời, Trưởng Phòng Kế hoạch tổng hợp của BV Đa khoa TP Cần Thơ, cũng bày tỏ quan điểm: “BV mong muốn đơn vị chức năng đưa mẫu thuốc để kiểm tra thành phần, có cơ sở để khuyến cáo bệnh nhân dùng thuốc đúng, tránh mối nguy tiền mất, tật mang, tính mạng người bệnh bị đe dọa”.

Theo bác sĩ Phạm Phú Trường Giang, Chánh thanh tra Sở Y tế TP Cần Thơ, tình trạng sử dụng thuốc đông dược tràn lan rất đáng báo động. Sở Y tế thành phố đang chờ kết quả kiểm nghiệm mẫu thuốc thu giữ được của cơ sở sản xuất đông dược không giấy phép hành nghề trên địa bàn để có hướng xử lý tiếp theo.

Bài, ảnh: HẢI TIẾN

Chia sẻ bài viết