Xoay quanh sự việc trong những tháng cuối năm 2017, Khoa Hồi sức tích cực chống độc (ICU) Bệnh viện (BV) Đa khoa TP Cần Thơ tiếp nhận nhiều bệnh nhân nguy kịch tính mạng có bệnh cảnh chung là đường huyết ổn định nhưng suy đa tạng và từng uống thuốc đông dược được cho là “thần dược”, phóng viên Báo Cần Thơ tìm hiểu, thấy rằng một số nơi khác trong vùng, nhiều bệnh nhân cũng bị thiệt mạng theo cách tương tự và có liên quan đến việc uống đông dược không rõ nguồn gốc.
* Báo động ở An Giang
Bác sĩ CKII Phạm Ngọc Kiếu, Trưởng khoa ICU BV Đa khoa Trung tâm An Giang cho biết, 3 tháng cuối năm 2017, bệnh nhân mắc bệnh tiểu đường nguy kịch tính mạng nhập viện liên tục. Những bệnh nhân này có đặc điểm chung là đường huyết ổn định nhưng tình trạng toan chuyển hóa nặng, suy đa tạng, ngưng tim, ngưng thở, diễn tiến tử vong nhanh chóng. Mặc dù các bác sĩ nỗ lực cấp cứu nhưng chỉ số ít được cứu sống. Điều đáng quan tâm là người nhà bệnh nhân khi đưa người thân vào viện đều mang theo các loại thuốc đông dược viên hoàn cứng các màu xanh, đỏ, xám, và cho biết người bệnh có uống thuốc này với tác dụng được quảng bá như "thần dược", hạ đường huyết nhanh, đường huyết ổn định, không cần kiêng cử ăn uống.
Các loại đông dược được cho là "thần dược" trị bệnh tiểu đường không rõ nguồn gốc.
Bác sĩ Kiếu cho biết: "Trước tình trạng nhiều người bệnh nhập viện “rộ” như vậy, lúc đầu chúng tôi rất bối rối, không rõ vì sao, nên ghi nhận theo dõi. Chúng tôi trao đổi với đồng nghiệp ở các BV khác để tìm hiểu; đồng thời, được biết BV Đại học Y dược TP Hồ Chí Minh có thời gian tiếp nhận nhiều bệnh nhân có tiền sử uống đông dược không rõ nguồn gốc nên gởi mẫu thuốc xét nghiệm. Kết quả, phát hiện có thành phần phenphoxmin, dược chất có trong thuốc điều trị bệnh tiểu đường thế hệ đầu ở Mỹ, có tác dụng ổn định đường huyết, tuy nhiên gây nhiều biến chứng như nhiễm toan. Mỹ đã cấm sử dụng loại thuốc này từ những năm 1970. BV Đa khoa Trung tâm An Giang đã báo cáo với Sở Y tế tỉnh. Trước mắt, các bác sĩ tích cực tuyên truyền với người bệnh cũng như thân nhân để cảnh giác trước các loại đông dược không rõ nguồn gốc".
Bác sĩ Phạm Ngọc Kiếu nhận định, tình trạng bệnh nhân tiểu đường mất mạng có liên quan đến việc sử dụng đông dược rất đáng báo động. Trong 3 tháng gần đây có hơn 20 ca nhập viện, nhưng chỉ có 5 trường hợp được cứu sống. Một số BV khác của tỉnh An Giang cũng tiếp nhận nhiều trường hợp tương tự. Bác sĩ Nguyễn Thành Tuyên, Trưởng Khoa ICU BV tim mạch tỉnh An Giang, cho biết BV thỉnh thoảng tiếp nhận các trường hợp bệnh nhân tiểu đường nhập viện nguy kịch, tử vong nhanh chóng, với các bệnh cảnh tương tự, có sử dụng đông dược trị tiểu dường. Khai thác bệnh sử của người bệnh, hầu hết người nhà đều đưa ra các bọc thuốc viên xanh, đỏ, xám và cho biết thuốc có tác dụng giúp người bệnh ổn định đường huyết.
Ghi nhận tại cơ sở y tế tư nhân cũng cho thấy hiện tượng tương tự. Trong các tháng cuối năm 2017, BV Đa khoa Hạnh Phúc ở tỉnh An Giang tiếp nhận hơn 10 trường hợp bệnh nhân tử vong có tình trạng bệnh cảnh như đã nêu và người bệnh đều sử dụng đông dược không rõ nguồn gốc. Theo thạc sĩ - bác sĩ Võ Thị Kim Phương, Phó Giám đốc BV Đa khoa Hạnh Phúc – kiêm Trưởng Khoa ICU BV, các bệnh nhân cho biết mua thuốc ở Long Xuyên. Thuốc này có tác dụng ổn định đường huyết thật sự, vì người bệnh trước và sau khi uống đều xét nghiệm đường. Tuy nhiên, họ không biết rằng, ngoài tác dụng hạ đường huyết, thuốc gây độc cho thận và nhiều biến chứng gây suy đa tạng, dẫn đến tình trạng toan chuyển hóa, đe dọa tính mạng người bệnh.
Chỉ trong 3 tháng cuối năm, Khoa Hồi sức tích cực chống độc BV Đa khoa Trung tâm An Giang tiếp nhận hơn 20 bệnh nhân tiểu đường nguy kịch tính mạng, hơn phân nửa tử vong, có liên quan đến việc sử dụng "thần dược".
* Dấu hiệu từ Đồng Tháp
Trong số các bệnh nhân có liên quan đến “thần dược”, bệnh nhân Ngô Hùng Dũng (ở phường Mỹ Hòa, TP Long Xuyên) may mắn thoát chết. Kể lại hành trình từ cõi chết trở về, cái giá phải trả cho sự cả tin, ông Dũng muốn nhắn nhủ mọi người khi bệnh tật chớ vội tin dùng những loại thuốc chữa bệnh truyền tai không rõ nguồn gốc, xuất xứ, biết đâu là độc dược, tiền mất tật mang, thậm chí vong mạng.
Ông Dũng cho biết, ông sống chung với bệnh tiểu đường 26 năm qua, luôn tuân thủ hướng dẫn điều trị của bác sĩ nên tình trạng sức khỏe được duy trì ổn định. Hai năm gần đây, người em họ biết ông bệnh nên mua cho ông thuốc được quảng cáo là "thần dược" trị tiểu đường. Ông Dũng kể: “Mình bệnh tật, nghe thuốc hay thì cũng uống thử, biết đâu lại may thầy phước chủ. Trước đây, uống thuốc tây tôi phải kiêng khem ăn uống nhưng uống thuốc này tôi ăn uống không cần kiêng cử gì hết, chỉ cần uống thuốc là đường ổn định. Hôm đó, tôi thấy mệt, gia đình đưa nhập viện; sau đó, tôi bị hôn mê, tưởng “đi luôn”. Bác sĩ cũng đã kêu gia đình chuẩn bị hậu sự cho tôi. May thay, hôm sau tôi tỉnh lại. Bác sĩ bảo, hàng chục người uống thuốc đông dược giống tôi đã tử vong. Qua lần này, tôi sợ quá rồi...".
Không được may mắn như ông Dũng, bệnh nhân Phùng Thị Hẹ đã tử vong. Ghé thăm nhà ông Nguyễn Văn Bảo (chồng bà Hẹ), ở thị xã Bình Minh, tỉnh Vĩnh Long, gia đình vẫn còn không khí tang thương. Ngậm ngùi nhìn di ảnh người đã khuất trên bàn thờ nghi ngút khói hương, ông Bảo cầm những viên thuốc xanh, xám, đỏ, nói: "Tui đâu có biết thuốc này là độc dược mà mua cho bả uống. Nghe người ta nói phong thanh thuốc hay, ở tận Đồng Tháp nên tui liên hệ tìm mua".
Ông Bảo kể, vợ ông mắc bệnh tiểu đường 18 năm, uống thuốc tây y đều đặn. Cách đây hai năm, trong một lần uống cà phê ở quán, nghe người này người kia bàn tán thuốc trị tiểu đường hay, ông mới xin số điện thoại rồi mua cho người nhà uống. "Khi đưa vợ vào BV, bác sĩ hỏi trực tiếp tui, có phải ở nhà vợ ông có uống thuốc đông dược các loại viên xanh, đỏ, xám không? Nghe bác sĩ nói trúng phóc, tui hoảng hồn. Bác sĩ nói đã nhiều người bệnh tiểu đường nhập viện như vợ tôi, đa số chết hết"- ông Bảo nói. Theo lời ông Bảo, mỗi tháng, ông đặt hàng với người bán thuốc ở Đồng Tháp, người này gửi thuốc qua bưu điện, nhân viên bưu điện giao hàng đến nhà và thu tiền. Mỗi bọc thuốc giá 150.000 đồng, gồm 120 viên nén hoàn cứng, với các màu đỏ, xanh, xám như các loại đông dược không rõ nguồn gốc bị tịch thu ở Cần Thơ.
***
Qua những lời truyền miệng về tác dụng của “thần dược” trị bệnh tiểu đường, người bệnh vô tư mua thuốc về sử dụng trong khi không biết nguồn gốc xuất xứ hay thành phần của thuốc. Có cung ắt có cầu, dịch vụ mua bán, sản xuất “thần dược” diễn ra tràn lan, do những người hoàn toàn không có chứng chỉ hành nghề y dược hay có chuyên môn về y dược cổ truyền thực hiện. Báo Cần Thơ sẽ thông tin tới bạn đọc nội dung này trong các số báo tiếp theo.
Bài, ảnh: HẢI TIẾN