Thông tin từ Khoa Hồi sức tích cực chống độc (ICU)- Bệnh viện (BV) Đa khoa TP Cần Thơ cho biết, Khoa tiếp nhận khoảng 10 bệnh nhân nguy kịch tính mạng, có đặc điểm chung đều mắc bệnh tiểu đường. Những bệnh nhân này tự ý uống thuốc hạ đường huyết “gia truyền” (thuốc Tàu) trong thời gian dài, gây biến chứng suy đa tạng.
Đoàn kiểm tra liên ngành kiểm tra nhà bà Lâm Kim Xuyến.
Bác sĩ Phan Thị Phụng, Trưởng Khoa ICU cho biết, trong vòng 1 tháng qua, Khoa tiếp nhận nhiều trường hợp bệnh nhân tiểu đường với tình trạng nguy kịch, chỉ cứu sống với tỷ lệ thành công 50%. Bởi bệnh nhân vào viện, tình trạng quá nặng toan chuyển hóa pH: 6,7- 6,8 (bình thường pH 7,35 -7,45), các bác sĩ chưa kịp cấp cứu, bệnh nhân đã ngưng tim. Qua khai thác bệnh sử các bệnh nhân đều có thời gian dài sử dụng một loại thuốc. Thuốc này có tác dụng ổn định đường huyết, bệnh nhân sử dụng một thời gian, khi đến BV xét nghiệm lại cho kết quả đường ổn, nên họ tiếp tục dùng. Tuy nhiên, sử dụng lâu dài thì dẫn đến một số biến chứng như tình trạng toan chuyển hóa nặng, bệnh nhân tuột huyết áp, nguy cơ tử vong cao. Một số bệnh nhân đến viện sớm, còn có cơ hội lọc máu lọc thận để điều trị rối loạn kiềm toan nhưng khả năng điều trị thành công cũng khó tiên lượng, chi phí rất tốn kém. Có một số trường hợp vô viện đã bị ngưng tim hẳn, bác sĩ không thể cứu bệnh nhân được.
Điển hình là trường hợp bệnh nhân Võ Văn B. (49 tuổi, ở quận Ô Môn), nhập viện với tình trạng xuất huyết tiêu hóa, ói ra máu, bệnh nhân có tiền sử đái tháo đường. Sau đó, bệnh nhân diễn biến sang tình trạng toan chuyển hóa nặng, rơi vào cơn ngưng tim. Các bác sĩ phải hồi sức tích cực bù toan, chống sốc, thở máy, lọc máu liên tục, lọc thận… để cứu sống bệnh nhân. Bác sĩ CKI Lê Quốc Việt, Phó Trưởng Khoa nội thận, tiết niệu, lọc máu BV Đa khoa TP Cần Thơ, cho biết: Nếu không cấp cứu kịp thời có thể bệnh nhân B. đã tử vong. Bệnh nhân đang được điều trị nhiễm trùng, điều trị suy thận cấp, lọc thận để xem thận có hồi phục, tình trạng nhiễm trùng có cải thiện, dù còn nặng.
Niêm phong hơn 114.000 viên “thần dược” gây ngộ độc
Chiều 2-3-2018, trước những thông tin phản ánh từ bệnh nhân và của bệnh viện, bác sĩ Lê Công Bình, chuyên viên Phòng Y tế quận Ô Môn, Phó Trưởng đoàn kiểm tra hành nghề y dược của quận cho biết: Đoàn kiểm tra liên ngành gồm cán bộ Phòng Y tế quận, trạm Y tế phường, Công an phường, cán bộ quản lý thị trường vừa đến kiểm tra nhà bà Lâm Kim Xuyến (sinh năm 1946, ở phường Phước Thới, quận Ô Môn), phát hiện và tịch thu hơn 114.000 viên thuốc đông dược thành phẩm không rõ nguồn gốc. Bà Xuyến cho biết, thuốc này trị các bệnh tiểu đường, viêm thấp khớp, gút, đau bao tử, mát gan giải độc, viêm mũi. Đoàn kiểm tra lập biên bản, tịch thu tất cả số thuốc và mời bà Xuyến đến Phòng Y tế làm việc vào thứ 4, ngày 7-3 tới.
Chị Trần Thị S.- vợ anh B. cho biết: “Anh B. mắc bệnh tiểu đường nhiều năm nay. Khi phát hiện bệnh, có điều trị theo chỉ dẫn của bác sĩ ở BV. Sau đó, nghe người chị ruột của ảnh giới thiệu thuốc hạ đường huyết “gia truyền” ở An Giang và có bán tại Cần Thơ, nên mới tìm mua về uống, thấy hiệu quả thật sự. Ảnh uống hơn một năm nay, mỗi lần lấy thuốc trên 100 ngàn, uống được gần 2 tháng. Nhiều người thân, bà con ở Ô Môn bị bệnh cũng sử dụng thuốc này như thần dược. Nhưng đâu có ngờ biến chứng đáng sợ của thuốc”.
Theo bác sĩ Phụng, với những triệu chứng bệnh nhân gặp phải, qua trao đổi với các đồng nghiệp ở An Giang và thành phố Hồ Chí Minh, trước đây có nhiều bệnh nhân ở An Giang cũng gặp phải tình trạng tương tự, nên đã gởi thuốc này đến Viện Pasteur TP Hồ Chí Minh trích xuất thành phần, thì trong thuốc có chứa thành phần là Phenfoxmin. Đây là dược chất điều trị đái tháo đường thế hệ đầu tiên được điều trị bệnh đái tháo đường thập niên 1950 tại Mỹ. Nhưng thuốc này đã bị cấm sản xuất và lưu hành ở Mỹ từ năm 1973 do chứa chất gây nhiễm acid lactic gây toan chuyển hóa nặng, tử vong, chết hàng loạt. Không biết nguyên nhân gì mà thuốc này lại xuất hiện tại An Giang.
Thông tin về nguồn gốc của thần dược, phóng viên Báo Cần Thơ sẽ tiếp tục cập nhật đến bạn đọc.
TIẾN HƯNG
(Còn tiếp)