Thông tin từ Khoa Hồi sức tích cực chống độc, Bệnh viện Đa khoa TP Cần Thơ, thêm một bệnh nhân có tiền sử bệnh đái tháo đường nhập viện trong tình trạng nguy kịch tính mạng, không qua khỏi mặc dù các bác sĩ nỗ lực cấp cứu. Bệnh nhân này có biểu hiện dùng "thần dược" trị bệnh tiểu đường mà Báo Cần Thơ đã đưa tin.
Một bệnh nhân mắc bệnh tiểu đường sử dụng thuốc gia truyền một thời gian, gây biến chứng suy đa tạng nặng. Ảnh: Hải Tiến
Các bác sĩ tại Khoa Hồi sức tích cực chống độc, Bệnh viện Đa khoa TP Cần Thơ, cho biết bệnh nhân Phùng Thị H. (sinh năm 1937, ở tỉnh Vĩnh Long) bị choáng toan chuyển hóa nặng, được bù toan, đặt nội khí quản, thở máy, lọc máu. Bệnh nhân nhập viện chiều 2-3 trong tình trạng nguy kịch và đến ngày 4-3 đã không qua khỏi.
Theo bác sĩ Phan Thị Phụng, Trưởng Khoa Hồi sức tích cực chống độc, trường hợp bệnh nhân này cũng có đặc điểm chung giống các bệnh nhân thời gian gần đây nhập viện vào khoa, có tiền sử dùng thuốc gia truyền trị bệnh tiểu đường, uống vào thì mức độ đường ổn định nhưng gây nên nhiều biến chứng.
Bác sĩ khai thác bệnh sử bệnh nhân, người nhà bệnh nhân cho biết, bà cụ mắc bệnh tiểu đường nhiều năm nay, gần một năm nay ngưng sử dụng thuốc tây, uống thuốc đông dược gia truyền. Người nhà có mang theo các gói thuốc viên xanh, đỏ, xám giống như “thần dược” trị bệnh tiểu đường bán ở hộ gia đình bà Lâm Kim Xuyến (ở Ô Môn) trước đó Báo Cần Thơ đã đưa tin.
Chiều 5-3, Sở Y tế thành phố Cần Thơ đã có buổi làm việc với các bác sĩ Khoa Hồi sức tích cực chống độc, Bệnh viện Đa khoa TP Cần Thơ, để làm rõ hơn về những thông tin liên quan đến vụ việc.
Trước đó, Đoàn kiểm tra liên ngành của quận Ô Môn đã bắt quả tang, tịch thu hơn 114.000 viên thuốc đông dược thành phẩm được cho là có công dụng đặc trị bệnh tiểu đường và nhiều bệnh lý khác ở hộ gia đình bà Xuyến. Báo Cần Thơ sẽ tiếp tục cập nhật thông tin đến quý độc giả.
Chưa có thuốc chữa khỏi hoàn toàn bệnh tiểu đường
Liên quan đến bệnh lý tiểu đường, bác sĩ Lưu Ngọc Trân, Trưởng Khoa Nội tiết, BV Đa khoa TP Cần Thơ chia sẻ: “Khi bác sĩ chẩn đoán có đái tháo đường (tiểu đường), người bệnh trở nên lo lắng hoang mang về bệnh tật, tương lai, gia đình và công việc của họ. Rất nhiều câu hỏi được đặt ra: Bây giờ tôi phải được điều trị thế nào? Tôi sẽ ăn uống ra sao? Tôi có được ăn những món mình thích nữa không? Liệu đái tháo đường có ảnh hưởng đến công việc và con cháu tôi không? Tôi có bị cưa chân không?... Những thắc mắc này là chính đáng mặc dù có cái đúng có cái không đúng bởi người bệnh chưa có được thông tin chính xác về bệnh đái tháo đường và các bác sĩ hoàn toàn thông cảm chia sẻ với người bệnh về những lo lắng đó".
Mặc dù khoa học hiện nay chưa tìm được phương pháp hoặc thuốc điều trị khỏi hẳn bệnh đái tháo đường mà chỉ giảm nhẹ bệnh ở mức độ chấp nhận được. Việc bệnh nhân nên tuân thủ hướng dẫn điều trị của bác sĩ giúp người bệnh có sức khỏe và có thể làm việc như người không có đái tháo đường, có thể tham gia mọi sinh hoạt xã hội – văn hóa, thi đấu thể dục thể thao. Công việc và mọi sinh hoạt của bệnh nhân nên theo lời khuyên, hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa.
Hiện nay có một số cơ sở tư nhân bán thuốc hạ đường huyết không rõ nguồn gốc, những viên thuốc này có màu xanh, đỏ, hoặc xám mà thành phần là Phenformin hoặc thuốc cặp của Trung Quốc gồm có 2 chai, một chai là Phenformin, còn lại là Glibenclamide. Phenformin là thuốc được dùng trong điều trị đái tháo đường tại Mỹ từ những năm 1950. Nhưng đến thập niên 70, Phenformin bị cấm sản xuất và lưu hành do ghi nhận hàng loạt ca tử vong có liên quan đến nhiễm acid lactic sau khi dùng thuốc.
Tại Việt Nam cũng như nhiều nước khác trên thế giới đã cấm lưu hành Phenformin nhưng các cơ sở sản xuất thuốc đông y vẫn dùng thuốc này trộn vào các viên thuốc đông dược không gắn nhãn mác, thành phần, nơi sản xuất,… và được người bán quảng bá như một loại thần dược trị khỏi bệnh đái tháo đường cũng như nhiều loại bệnh khác.
Bác sĩ Lưu Ngọc Trân – Trưởng Khoa Nội tiết, BV Đa khoa TP Cần Thơ, khuyến cáo: Người bệnh cần cảnh giác trước các lời khoe khoang thuốc này hay thuốc kia chữa khỏi hoàn toàn bệnh đái tháo đường. Điều này hoàn toàn sai và không có cơ sở khoa học. Người bệnh đái tháo đường nên đến các BV có bác sĩ chuyên khoa nội tiết để được tư vấn về chế độ ăn, tập thể dục, điều trị và phòng ngừa các biến chứng của bệnh, tuân thủ theo hướng dẫn của bác sĩ giúp cho việc điều trị đạt kết quả tốt, giảm các biến chứng, giảm gánh nặng kinh tế cho gia đình, xã hội và nâng cao chất lượng cuộc sống.
HẢI TIẾN