27/04/2024 - 09:02

Tòa án Pháp xét xử vụ kiện chất độc da cam của bà Trần Tố Nga vào đầu tháng 5 

Theo phóng viên TTXVN tại Pháp, ngày 7-5 tới, Tòa án phúc thẩm Paris sẽ mở phiên điều trần liên quan đến vụ kiện dân sự giữa bà Trần Tố Nga, công dân Pháp gốc Việt, và các tập đoàn hóa chất Mỹ đã cung cấp cho quân đội nước này chất độc da cam/dioxine để sử dụng trong chiến tranh Việt Nam.

Bà Trần Tố Nga cùng các luật sư và đại diện các hội đoàn ủng hộ cuộc chiến pháp lý của bà tại họp báo. Ảnh: TTXVN

Trong cuộc họp báo ngày 25-4 được tổ chức trực tiếp kết hợp với trực tuyến tại trụ sở Hội người Việt Nam tại Pháp ở Paris, bà Trần Tố Nga cùng các luật sư và các hội đoàn ủng hộ cuộc chiến pháp lý của bà đã thông báo sự kiện này trước đông đảo đại diện báo chí quốc tế, trong đó có Pháp và Việt Nam.

Chia sẻ với báo giới, bà Trần Tố Nga cho biết quyết tâm theo đuổi vụ kiện vì thấy có quá nhiều nạn nhân chiến tranh. Bà nói: “Khi bắt đầu khởi kiện, ở Việt Nam đã có hơn 3 triệu nạn nhân chất độc da cam. Chính con số này khiến trái tim tôi đau đớn và thúc đẩy tôi dấn thân vào vụ kiện. Sau 12 năm theo đuổi hành trình công lý, tôi nhận thấy con số này đã không dừng ở đó, mà lên đến hơn 4 triệu nạn nhân và di truyền đến thế hệ thứ 4”.

Sinh năm 1942 tại tỉnh Sóc Trăng, bà Trần Tố Nga từng là phóng viên Thông tấn xã Giải phóng và bị nhiễm chất độc dioxin trong thời kỳ chiến tranh. Theo kết quả giám định y tế, nồng độ dioxine trong máu của bà cao hơn tiêu chuẩn quy định dẫn đến những ảnh hưởng nghiêm trọng về mặt sức khỏe. Bà mắc 5 trong số 17 bệnh lý đã được Mỹ công nhận và liệt kê trong danh sách các bệnh do chất độc da cam gây ra. Không chỉ bản thân bà mà các con của bà đều bị dị tật tim và xương. Người con đầu đã qua đời khi mới 17 tháng tuổi do dị tật tim bẩm sinh.

Trong chiến tranh xâm lược Việt Nam, từ 1961 đến 1971, quân đội Mỹ đã rải hơn 80 triệu lít chất diệt cỏ, phần lớn là chất da cam/dioxin (chất độc nhất mà con người biết được từ trước đến nay) xuống 1/4 diện tích đất tự nhiên ở miền Trung và miền Nam Việt Nam. Cuộc chiến tranh hóa học lớn nhất trong lịch sử này đã gây ra một thảm họa nhân đạo, sức khỏe và môi trường với những hệ quả vô cùng nặng nề và lâu dài: hơn 3 triệu người Việt Nam vẫn đang phải gánh chịu hậu quả vì ung thư và các bệnh do chất độc dioxine gây ra; khoảng 150.000 trẻ em, qua bốn thế hệ kể từ năm 1975 đến nay đã sinh ra với dị tật hoặc khuyết tật nghiêm trọng (không có chân tay, mù, điếc,..); 1 triệu ha rừng nhiệt đới bị tàn phá cùng sự biến mất của nhiều loài động vật hoang dã, 400.000 ha đất nông nghiệp bị ô nhiễm và cho đến nửa thế kỷ sau, di chứng của chất độc da cam vẫn còn tồn tại và gây nên những nỗi đau.

NGUYỄN THU HÀ

Chia sẻ bài viết