13/06/2018 - 22:39

Thượng đỉnh Mỹ-Triều

Đồng minh mơ hồ về cam kết của ông Trump 

Tuyên bố bất ngờ của Tổng thống Mỹ Donald Trump sau cuộc gặp với lãnh đạo CHDCND Triều Tiên, rằng Washington sẽ ngừng các cuộc tập trận quân sự với Hàn Quốc nhận phản ứng trái chiều tại Washington cũng như các nước đồng minh.

Binh sĩ Mỹ hiện diện tại Hàn Quốc kể từ khi hai miền Triều Tiên ký hiệp định đình chiến năm 1953 và con số đó hiện nay là 28.500 người. Liên minh Mỹ-Hàn cũng đang duy trì các đơn vị có nhiệm vụ chống lại một cuộc tấn công tiềm năng từ Bình Nhưỡng. Ngoài công tác huấn luyện, lực lượng quân sự hai bên còn tiến hành hoạt động chung thường niên bao gồm các cuộc tập trận “Đại bàng non”, “Thần Sấm” và “Người Bảo vệ Tự do Ulchi” với quy mô lớn. Theo các quan chức quốc phòng, đây đều là những hoạt động cần thiết đảm bảo khả năng Mỹ triển khai quân tại Hàn Quốc trong trường hợp bùng nổ xung đột.

Binh sĩ Mỹ đồn trú tại Hàn Quốc. Ảnh: Yonhap

Hôm 12-6, tại buổi họp báo sau khi kết thúc cuộc gặp thượng đỉnh lịch sử với lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un, Tổng thống Trump cho biết Mỹ sẽ dừng các cuộc tập trận “khiêu khích và tốn kém” với Hàn Quốc trong thời gian đàm phán vấn đề hạt nhân với Bình Nhưỡng. Ông chủ Nhà Trắng còn tuyên bố muốn rút binh sĩ Mỹ đang đồn trú ở Hàn Quốc về nước “vào một thời điểm nào đó”.

Quyết định của ông Trump mâu thuẫn với tuyên bố trước đây của Chính phủ Mỹ, rằng các cuộc tập trận với Hàn Quốc mang tính chất phòng thủ và cần thiết nhằm đảm bảo khả năng trực chiến của lực lượng đồng minh. Mặt khác, động thái này khiến giới chức Lầu Năm Góc lo ngại do đi ngược với sách lược của Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis về việc tăng tính sẵn sàng chiến đấu của quân đội Mỹ. Trong thông báo làm rõ ý định của ông Trump, Nhà Trắng sau đó khẳng định quân đội Mỹ vẫn tiếp tục công tác huấn luyện với đối tác Hàn Quốc và tiến hành tập trận chung nhưng không trên quy mô lớn như hiện nay.

Tại Đông Bắc Á, Lực lượng Mỹ đồn trú tại Hàn Quốc (USFK) cho biết chưa nhận được bất kỳ hướng dẫn hay chỉ đạo mới nào về việc thực hiện hoặc chấm dứt các cuộc tập trận, bao gồm “Người Bảo vệ Tự do Ulchi” đã lên lịch vào tháng 8 tới. Cơ quan này cũng chưa nhận chỉ đạo nào về khả năng thay đổi quân số ở Hàn Quốc. “Cùng với đối tác Hàn Quốc, chúng tôi sẽ duy trì tư thế quân sự hiện nay cho đến khi nhận được chỉ đạo mới từ Bộ Quốc phòng Mỹ hoặc Bộ Tư lệnh Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương (INDOPACOM)” – Yonhap trích tuyên bố của USFK. 

Về phía đồng minh, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in hôm 13-6 đã chủ trì cuộc họp Hội đồng An ninh Quốc gia (NSC) để đánh giá kết quả hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều cũng như thảo luận bước đi tiếp theo. Trong một tuyên bố, Nhà Xanh úp mở khả năng hoãn các cuộc tập trận quân sự với Mỹ nhằm hỗ trợ tiến trình đàm phán đang diễn ra với Triều Tiên. Theo Phó Giám đốc Văn phòng An ninh Quốc gia của Phủ Tổng thống Hàn Quốc Nam Gwan-pyo, vấn đề này đòi hỏi có sự tham vấn giữa các đồng minh. Cùng ngày, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Itsunori Onodera khẳng định sự hiện diện của quân đội Mỹ tại Hàn Quốc và các cuộc tập trận quân sự đóng vai trò trọng yếu đối với an ninh khu vực Đông Á. Qua đây, Bộ trưởng Onodera cho biết Tokyo vẫn duy trì hoạt động tập trận chung với Mỹ và kế hoạch tăng cường phòng thủ trước nguy cơ tên lửa đạn đạo từ Triều Tiên trong bối cảnh quốc gia láng giềng chưa có động thái cụ thể nào thực hiện cam kết phi hạt nhân hóa.

Trong khi đó, hãng thông tấn trung ương Triều Tiên KCNA trích lời ông Kim Jong-un nói rằng việc ông Trump có “quyết định táo bạo” ngăn chặn các hành động quân sự khiêu khích và thù địch lẫn nhau là điều cần thiết. Trong giai đoạn tiếp theo của tiến trình đàm phán, Bình Nhưỡng sẽ đáp lại bằng thiện chí nếu Mỹ có những giải pháp chân thành để xây dựng lòng tin. KCNA đặc biệt lưu ý Tổng thống Trump và lãnh đạo Kim đã nhất trí Bình Nhưỡng sẽ áp dụng quá trình giải trừ vũ khí hạt nhân “theo giai đoạn” và “đồng thời” để đổi lấy lợi ích đối ứng từ Washington. Nhà Trắng vẫn chưa lên tiếng về thỏa thuận này. Nhưng nếu được xác nhận, đây sẽ là sự nhượng bộ lớn của ông Trump bởi điều này hoàn toàn trái ngược với yêu cầu trước đây của Mỹ đối với Triều Tiên về tiến trình phi hạt nhân hóa “hoàn toàn, có thể kiểm chứng và không thể đảo ngược”.

MAI QUYÊN (Theo Reuters, SCMP)

Chia sẻ bài viết