12/05/2011 - 21:10

Cần quan tâm điều trị chứng ngủ ngáy

Tập thể dục thường xuyên sẽ hạn chế
việc ngủ ngáy. Ảnh: CTV

Nhiều người thường ví von ngủ ngáy là căn bệnh “dễ xa nhau”, bởi tiếng ngáy thường làm phiền những người xung quanh. Tuy nhiên, xét về mặt y học, ngủ ngáy không chỉ ảnh hưởng người khác, mà còn là căn bệnh gây hại cho sức khỏe...

Hiện tượng ngáy trong lúc ngủ là do không khí đi qua chỗ hẹp của đường hô hấp tạo nên tiếng ngáy. Tiếng ngáy chủ yếu là do vòm khẩu cái mềm và lưỡi gà tạo nên. Chứng ngáy trong lúc ngủ thường gặp nhất ở những người béo phì, do các lớp mỡ dày làm cho vùng họng miệng, hạ họng bị thu hẹp, cản trở không khí lưu thông trong lúc ngủ; hoặc xuất hiện ở những người có khẩu cái mềm và lưỡi gà to. Nguyên nhân cũng có thể do chứng viêm mũi xoang làm nghẹt mũi, khiến người bệnh phải thở bằng miệng; viêm amidan quá phát; do hút thuốc lá nhiều dẫn đến niêm mạc họng bị phù nề, hẹp đường hô hấp; hoặc do uống nhiều rượu bia trước khi ngủ; dùng thuốc ngủ...

Người bị bệnh ngáy trong lúc ngủ thường bị ngưng thở một thời gian khá lâu, do các phần mềm và niêm mạc của vùng họng làm nghẹt khí quản, làm phổi và não bị thiếu dưỡng khí. Khi đó, não của người bệnh sẽ phát ra tín hiệu làm giãn nở cơ vùng họng và khí quản, làm cho quá trình hô hấp trở lại bình thường. Nếu những rối loạn diễn ra liên tục sẽ gây ra chứng ngưng thở khi ngủ, khiến giấc ngủ không ngon và thời kỳ ngủ sâu bị ngắt quãng hay thức giấc nhiều lần do đó dễ ảnh hưởng đến công việc ngày hôm sau. Chứng ngủ ngáy còn gây nên hiện tượng thiếu oxy lâu dài cho não, phổi làm cho não không nghỉ ngơi hoàn toàn sau một ngày hoạt động, khiến người bệnh trở nên bần thần, mệt mỏi. Nghiêm trọng hơn về lâu dài não sẽ bị ảnh hưởng làm người bệnh giảm trí nhớ, giảm năng suất làm việc, mệt mỏi, khó tập trung và ngủ gật ban ngày... Ngủ ngáy còn làm ảnh hưởng đến giấc ngủ của những người xung quanh.

Để điều trị hiệu quả chứng bệnh này, có nhiều phương pháp, tùy theo nguyên nhân gây ra chứng ngáy khi ngủ ở mỗi người, như: Điều trị nội khoa; những người béo phì cần giảm cân, tập thể dục thường xuyên nhằm tăng oxy cho não; giảm hoặc ngưng thuốc lá, tránh dùng các thuốc an thần hoặc thuốc có tác dụng làm giãn cơ; tránh uống rượu bia trước khi đi ngủ...; điều trị các bệnh lý mũi xoang, khi ngủ thì nên nằm nghiêng, đầu kê cao để cho dễ thở. Những trường hợp nặng có bệnh lý kèm theo đòi hỏi khi ngủ cần phải mang máy trợ giúp oxy...

Trường hợp nghiêm trọng phải điều trị phẫu thuật bằng cách cắt amidan khi viêm và quá phát gây hẹp đường thở. Phẫu thuật chỉnh hình màng hầu khẩu cái, chỉnh hình lưỡi gà... Người bệnh có khi phải phẫu thuật bệnh lý mũi xoang một khi điều trị nội khoa thất bại.

Bác sĩ CHÂU CHIÊU HÒA
(Bệnh viện Tai- Mũi họng Cần Thơ)

Chia sẻ bài viết