20/10/2011 - 15:53

Bác Sanh cần được giúp đỡ

Giờ đây, mọi sinh hoạt của ông Sanh phải nhờ vợ chăm sóc.

Hoàn cảnh gia đình nghèo, hằng ngày bác Lê Văn Sanh, 76 tuổi, ngụ ấp Mỹ Nhơn, xã Mỹ Khánh, huyện Phong Điền, TP Cần Thơ kiếm sống bằng nghề bán vé số dạo. Không may trong lúc đi bộ, bác Sanh bị té phải cưa chân, ngồi một chỗ, không còn làm ra tiền nên gia đình lâm vào cảnh điêu đứng.

Ông Lê Bá Toàn, Trưởng ấp Mỹ Nhơn, xã Mỹ Khánh, cho biết: “Gia đình ông Sanh thuộc diện hộ nghèo, không có đất canh tác. Gần 1 năm nay, ông Sanh không còn bán vé số được nữa nên gia đình vốn đã khó khăn lại càng khó khăn hơn. Vợ chồng ông Sanh có 6 người con nhưng đã có gia đình riêng, sống bằng nghề làm thuê làm mướn, cuộc sống đều khó khăn nên không giúp được gì cho ông ấy...”.

Hằng ngày, bác Sanh bán vé số dạo, thu nhập khoảng 30.000 đồng, gia đình sống đắp đổi qua ngày. Vốn đã nghèo, chạy lo từng bữa ăn, nhưng bác Sanh còn cưu mang thêm cháu ngoại là Lê Văn Đời bị bệnh tâm thần từ nhỏ. Tuy đã 20 tuổi nhưng Đời như một đứa trẻ, không nói cũng không cười với bất kỳ ai. Thấy nhà có khách, Đời với bộ quần áo cũ kỹ, chắp vá tứ tung chạy vào ngồi co ro trong góc nhà. Bác Huỳnh Kim Xuyến - vợ bác Sanh tâm sự: “Không hiểu sao từ nhỏ, Đời không chịu sống với cha mẹ mà chỉ sống với vợ chồng tôi. Vì vậy, tôi chỉ ở nhà lo cơm nước và trông chừng cháu ngoại. Nếu lơ là không trông chừng là Đời bỏ nhà đi lang thang”.

Đang yên ổn bán vé số thì bất hạnh đã đến với bác Sanh. Cuối năm 2010, trong lúc lội bộ bán vé số, bỗng dưng chân phải của bác Sanh bị sụm xuống, làm bác bị ngã và không đứng lên được. Gia đình vội đưa bác đến Bệnh viện Đa khoa huyện Phong Điền, bác sĩ nơi đây nói bác bị chấn thương xương chậu. Hôm sau, bệnh viện chuyển bác Sanh đến bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ điều trị. Bác sĩ phát hiện bác Sanh bị tiểu đường, đồng thời yêu cầu phải phẫu thuật vùng xương chậu. Do chi phí điều trị khoảng 3 triệu đồng, nằm ngoài khả năng của gia đình nên bác Sanh đành về nhà. Sau đó, bác Sanh đến huyện Cờ Đỏ (TP Cần Thơ) hốt thuốc nam uống nhưng không thuyên giảm. Thấy chân phải của bác Sanh ngày một đau nhức và sưng phù nên gia đình lại đưa bác đến Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ điều trị. Nằm viện khoảng 10 ngày thì bác lại xin ra viện. Bác sĩ căn dặn 2 tuần sau quay lại phẫu thuật nhưng bác không đến.

Trở về nhà không lâu, dưới bàn chân phải của bác Sanh xuất hiện mụt ghẻ, dần có vết nứt lan rộng cả bàn chân, dẫn đến hoại tử. Do thấy bác Sanh hàng ngày phải chịu đau nhức, nên cuối tháng 8-2011, gia đình đã đưa bác Sanh đến Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ. Bác sĩ kết luận: bàn chân phải bị hoại tử, phải cưa chân. Điều trị ở bệnh viện được vài ngày thì bác Sanh ra viện, trở về nhà với chiếc xe lăn. Bác Sanh bùi ngùi, nói: “Nhờ có bảo hiểm y tế nên chi phí điều trị tốn khoảng 1 triệu đồng. Số tiền điều trị và chiếc xe lăn là do người thân góp cho chứ tui đâu có khả năng. Từ ngày ra viện, bà con lối xóm và chính quyền địa phương đã tới lui thăm hỏi sức khỏe và tặng 1 triệu đồng, giúp tôi mua thuốc men và bồi bổ sức khỏe”. Nói đến đây, bác Sanh nghẹn lời, đôi mắt nhìn xa xăm nghĩ đến những tháng ngày sau này cuộc sống gia đình sẽ ra sao khi bác không còn bán vé số được nữa... Căn nhà tình thương của bác Sanh được cất từ năm 2005, đã xuống cấp, 2 bên vách ván bị mối mọt ăn gần hết, trời mưa là căn nhà bị ướt sũng. Gia đình phải che chắn tạm bợ bằng những tấm ni lông.

Bác Lê Văn Đạm, hàng xóm của bác Sanh nói: “Bà con lối xóm nơi đây đều quý mến ông Sanh, bởi tính tình hiền lành, không làm mích lòng ai. Họ rất muốn giúp đỡ ông Sanh nhưng do cuộc sống còn nhiều khó khăn nên sự giúp đỡ cũng có chừng mực. Chúng tôi rất mong các nhà hảo tâm cùng chia sẻ nỗi khốn khó, giúp đỡ ông Sanh được trị bệnh, vui sống tuổi già”.

Bài, ảnh: LÊ NGỌC

Chia sẻ bài viết