01/04/2012 - 16:26

DOANH NGHIỆP NGÀNH CƠ KHÍ Ở ĐBSCL

Từng bước đáp ứng nhu cầu cơ giới hóa

Sản phẩm máy gặt đập liên hợp của Công ty Cổ phần Cơ khí An Giang với tỷ lệ nội địa hóa cao được nông dân đón nhận. Ảnh: TUYẾT TRINH 

Cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp là một nhu cầu tất yếu trong tiến trình xây dựng và phát triển nền sản xuất nông nghiệp theo hướng tập trung, bền vững. Thời gian qua, các doanh nghiệp (DN) ngành cơ khí vùng ĐBSCL luôn nỗ lực, tìm tòi sáng chế ra các loại máy móc, thiết bị phù hợp với đồng đất vùng châu thổ Cửu Long, từng bước đáp ứng nhu cầu cơ giới hóa, hiện đại hóa ngành nông nghiệp, nhất là trong trồng lúa...

DN ngành cơ khí Việt Nam nói chung và ĐBSCL nói riêng, phần lớn còn nhiều hạn chế về vốn, nguồn nhân lực, trình độ kỹ thuật... nên đa số các loại máy móc, thiết bị phục vụ sản xuất nông nghiệp nhập khẩu từ các nước như: Nhật, Thái Lan, Trung Quốc... Ông Bùi Hòa Bình, Giám đốc Công ty Cổ phần Cơ khí An Giang, cho biết: Mặc dù kiểu dáng, tính năng... của máy nông nghiệp của Việt Nam tương đương với các loại máy của Nhật. Tuy nhiên, khi nông dân mua máy hay thuê máy gặt lúa không thích sử dụng máy sản xuất trong nước. Nguyên nhân chủ yếu là một bộ phận người nông dân vẫn còn tâm lý “sính ngoại”.

Tiến sĩ Lê Văn Bảnh, Viện trưởng Viện Lúa ĐBSCL, cho rằng: Các nhà khoa học, các DN ngành cơ khí rất nỗ lực, đưa ra nhiều cải tiến,... để các loại máy phục vụ sản xuất nông nghiệp đạt hiệu quả cao hơn. Tuy nhiên, trình độ cơ khí ở nhiều vùng nông thôn còn thấp; ngành công nghiệp chế tạo cơ khí chưa đáp ứng yêu cầu của sản xuất, công nghệ chế tạo kém, thiết bị còn lạc hậu, thiếu đội ngũ cán bộ kỹ thuật có chuyên môn trình độ cao, nông dân chưa được đào tạo bài bản trình độ sử dụng máy móc công nghệ cao. Ngoài ra, dù nhu cầu mua máy nông nghiệp của người dân rất cao nhưng tiềm lực tài chính còn hạn chế nên ảnh hưởng đến việc đưa cơ giới hóa vào đồng ruộng. Theo Tiến sĩ Lê Văn Bảnh, để các DN sản xuất máy nông nghiệp của Việt Nam chiếm lĩnh thị trường, tăng thêm niềm tin với người tiêu dùng, Nhà nước cần có nhiều giải pháp hỗ trợ thiết thực. Để lấy lại niềm tin của người tiêu dùng đòi hỏi các DN cơ khí Việt Nam phải nỗ lực trong sản xuất, chủ động cải tiến sản phẩm phù hợp thị hiếu người tiêu dùng và phù hợp với đồng đất vùng ĐBSCL.

Theo một số DN ngành cơ khí, ĐBSCL có tiềm năng rất lớn trong phát triển thị trường máy nông nghiệp, thiết bị phục vụ nhu cầu sản xuất nông nghiệp. Vì vậy, các công ty cần mạnh dạn đầu tư lĩnh vực này. Không chỉ giảm lượng máy móc nhập khẩu từ nước ngoài, mà còn giúp người nông dân tiếp cận thiết bị phục vụ nông nghiệp hiện đại, gần gũi và phù hợp với địa giới, khí hậu trong nước. Hơn nữa, máy được sản xuất trong nước nên công việc bảo trì, bảo hành thuận tiện và có đầy đủ phụ tùng thay thế khi cần. Ông Bùi Hòa Bình, Giám đốc Công ty Cổ phần Cơ khí An Giang, cho biết: Công ty luôn quan tâm đào tạo, thu hút nguồn nhân lực có trình độ và tay nghề cao; đầu tư nâng cấp nhà xưởng, mua sắm thiết bị và đổi mới công nghệ để sản xuất ra nhiều loại máy móc, thiết bị đảm bảo chất lượng và có nhiều tính năng vượt trội như: giảm thời gian và công sức lao động, giảm tổn thất và tăng chất lượng lúa thành phẩm, thao tác thuận lợi, máy hoạt động ổn định. Thời gian qua, một số sản phẩm của công ty như: máy đập lúa 1800, máy gặt lúa xếp dãy GX120, máy tách hạt bắp, thiết bị sấy nông sản vỉ ngang - vỉ nghiêng với năng suất từ 2-30 tấn/mẻ... được người tiêu dùng đón nhận. Thành công nổi bật của Công ty Cổ phần Cơ khí An Giang là chế tạo máy gặt đập liên hợp với tỷ lệ nội địa hóa cao, máy hoạt động tốt trên nền đất yếu, ngập nước, cắt được lúa ngã. Máy được sản xuất đồng bộ theo quy trình công nghệ và bản vẽ thiết kế kỹ thuật của công ty, được kiểm tra từng công đoạn nhằm đảm bảo chất lượng...

Công ty Cổ phần Cơ khí Chế tạo máy Long An (Lamico) là DN chuyên cung cấp cho thị trường chế biến gạo nhiều chủng loại máy móc phục vụ các công đoạn chế biến, như: làm sạch, sấy, bóc vỏ, tách trấu, xát trắng, đánh bóng, phân loại hạt... Thị trường của công ty ngày càng phát triển, góp phần thay thế hoàn toàn sản phẩm cùng loại của nước ngoài. Đến nay, sản phẩm của Lamico đã có mặt khắp các địa phương trong cả nước và xuất khẩu sang các nước, như: Campuchia, Indonesia,
Philippines, Thái Lan, các nước thuộc khu vực châu Phi và châu Mỹ La tinh... Niềm tự hào của Lamico đã cung ứng vật tư, thiết bị và thi công lắp đặt hai nhà máy chế biến gạo xuất khẩu lớn nhất Việt Nam: Cái Sắn - An Giang và Tân Dương - Đồng Tháp. Ông Phạm Thanh Long, Phó Giám đốc Lamico, cho biết: Để xây dựng niềm tin cho người tiêu dùng Việt, hàng năm công ty đều tổ chức thăm dò ý kiến khách hàng với các tiêu chí, như: mẫu mã, giá thành, chất lượng, hậu mãi... Trên cơ sở đó, bên cạnh duy trì và phát huy những ưu điểm đạt được, Lamico luôn nghiên cứu, phân tích nguyên nhân những hạn chế, yếu kém trong quá trình sản xuất để cải tiến sản phẩm ngày càng tốt hơn. Theo ông Phạm Thanh Long, tổn thất sau thu hoạch ở ĐBSCL còn cao, nhất là công đoạn sấy. Vì vậy, Lamico không ngừng nghiên cứu, cải tiến hệ thống sấy tối ưu với điều kiện thu hoạch ở ĐBSCL, đặc tính hô hấp của hạt lúa và đảm bảo vệ sinh môi trường. Ngoài ra, Lamico đang kết hợp với các Viện, trường nghiên cứu, sản xuất máy ép củi trấu, máy ép viên trấu tận dụng nguồn phế phẩm trong quá trình chế biến lúa gạo. Theo ông Bùi Phong Lưu, Giám đốc Công ty TNHH Cơ khí Công nông nghiệp Bùi Văn Ngọ, để giữ vững thương hiệu của mình trên thị trường, công ty luôn thực hiện chiến lược cải cách máy móc liên tục, với quy mô lớn hơn, chất lượng ngày càng được nâng cao...

Sự ra đời của các loại máy, thiết bị nông nghiệp mang thương hiệu Việt đã góp phần đa dạng hóa các dòng sản phẩm ngành nông nghiệp, tăng khả năng cạnh tranh cả về chất lượng và mẫu mã của hàng Việt Nam với hàng hóa nhập khẩu cùng loại. Thực tế cho thấy, những năm gần đây, DN Việt đã có bước “chuyển mình” dần chiếm lại thị trường trong nước, không những thế còn có mặt trên thế giới. Điều này minh chứng, máy nông nghiệp thương hiệu Việt ngày càng phát triển tốt trên thị trường và nhận được sự đón nhận từ phía người tiêu dùng. Với sự quan tâm đầu tư của các DN cùng chính sách hỗ trợ từ Nhà nước, nông dân ĐBSCL sẽ có nhiều cơ hội hơn để tiếp cận với các phương tiện máy móc hiện đại, tăng năng suất lao động, đẩy mạnh phát triển sản xuất. Đó là điều kiện và cơ hội để ĐBSCL khẳng định vị thế là vùng nông nghiệp trọng điểm của nước ta.

T.TRINH - T.NHUNG

Sản phẩm máy gặt đập liên hợp của Công ty Cổ phần Cơ khí An Giang với tỷ lệ nội địa hóa cao đư

Chia sẻ bài viết