29/04/2008 - 23:08

Tự hào mẹ Đặng Thị Hai !

Một ngày cuối tháng 4-2008, tôi có dịp đến thăm mẹ Đặng Thị Hai (ảnh), Mẹ Việt Nam Anh hùng (VNAH) ở ấp Thanh Điền, xã Hưng Khánh Trung, huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre. Mẹ là niềm tự hào của quê hương Đồng Khởi, đã góp xương máu chồng con cho sự nghiệp giải phóng đất nước. Mẹ tần tảo nuôi con ăn học thành tài để tiếp tục cống hiến cho quê nhà...

 

Đưa tôi đến thăm nhà Mẹ Hai, anh Đức, cán bộ Thương binh - Xã hội xã Hưng Khánh Trung nhắc đến mẹ bằng niềm hãnh diện. Anh nói: “Mẹ Hai là một trong 30 Mẹ VNAH và là một trong 7 mẹ còn sống đến hôm nay ở xã. Mẹ là Mẹ VNAH duy nhất không chỉ ở tỉnh Bến Tre mà cả nước được chọn báo cáo điển hình gia đình hiếu học tiêu biểu toàn quốc ở Hà Nội”.

Nghe tiếng gọi, Mẹ Hai từ bên hông căn nhà tường đã ngả màu cũ theo thời gian đi ra, trên đôi tay mẹ còn cầm mớ cỏ, cây. Mẹ Hai giải thích: “Tụi nhỏ đi vắng suốt ngày. Mẹ ở nhà một mình hay tìm chuyện lặt vặt để làm cho khuây khỏa, đỡ buồn”. Anh Đức nhắc với mẹ, lễ mừng ngày giải phóng miền Nam chắc là năm nay đơn vị đỡ đầu của mẹ ở TP Hồ Chí Minh sẽ về thăm. Mẹ cười, nói: “Đến ngày 30-4 là mẹ rất vui vì con cháu về đoàn tụ cả nhà. Mấy ngày nay, mẹ dọn dẹp nhà cửa cho tươm tất để chờ đón tụi nhỏ”. Rồi mẹ quay sang bàn thờ, nơi di ảnh chồng và con đang được mẹ thờ cúng, nhẹ giọng nói: “Chồng, con mẹ cống hiến cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, mẹ hãnh diện. Tiếc rằng mừng vui ngày giải phóng mẹ không còn gặp họ...”. Nói xong, mẹ bước đến bàn thờ thắp nén nhang cho vong hồn người đã khuất. Nỗi buồn thoáng qua trên khuôn mặt đầy nếp nhăn. Ánh mắt mẹ chợt vui hẳn lên khi lấy tấm bằng tuyên dương gia đình hiếu học và dòng họ khuyến học tiêu biểu toàn quốc lần thứ II tháng 10-2007 tại Hà Nội đưa cho chúng tôi xem. Mẹ nói với vẻ đầy tự hào: “Các con mà mẹ thay thế chồng nuôi nấng giờ đều nên người. Nhiều đứa đã thành đạt và tiếp tục cống hiến cho quê nhà”...

Cuộc đời của Mẹ Hai, là một hình ảnh tiêu biểu cho người phụ nữ Việt Nam đảm đang, vượt qua khó khăn trong mọi hoàn cảnh. Chồng mẹ là liệt sĩ Võ Văn (sinh năm 1921). Mẹ có tất cả 9 mặt con (6 gái, 3 trai). Các con của mẹ đều được sinh ra trong giai đoạn chiến tranh khốc liệt của đất nước. Chồng mẹ theo cách mạng, con trai thứ tư của mẹ là Võ Văn Pha và con trai thứ năm Võ Văn Phiếu khi lớn lên cũng tiếp bước cha theo bộ đội đánh kẻ thù. Chiến tranh, ranh giới giữa sự sống và cái chết thật mong manh, người đi, kẻ ở sẵn sàng đón nhận điều đó vì lý tưởng độc lập tự do. Người con thứ năm của mẹ hy sinh năm 1966. Tin mất con đón nhận chưa lâu, năm 1968 mẹ tiếp tục nhận tin chồng hy sinh khi con trai út chưa được 6 tháng tuổi. Nỗi đau của người mẹ còn chưa nguôi, năm 1972 mẹ tiếp tục nhận tin người con thứ tư ra đi vĩnh viễn không trở về. Ba cái tang lần lượt ập lên đầu người vợ, người mẹ, tưởng chừng mẹ không chống chọi nỗi với cuộc sống chồng chất đau thương, gian khó. Nhưng Mẹ Hai không gục ngã. Mẹ vẫn đứng vững, vượt qua mọi khó khăn để nuôi dạy các con nên người.

Mẹ Hai kể: “Lúc gần gũi nhau, ba sắp nhỏ thường khuyên mẹ và các con rằng: ngoài lòng gan dạ, căm thù giặc thì cái chữ mới là phương tiện để giúp chúng ta chiến thắng kẻ thù. Bác Hồ có dạy, giặc đói, giặc dốt, giặc ngoại xâm là 3 thứ giặc nguy hiểm mà nhân dân chúng ta cần phải tiêu diệt. Vì vậy, khi chồng còn sống và sau khi hy sinh mẹ đều khuyên các con tìm mọi cách để học, học tới đâu mẹ lo tới đó dù cực khổ cách mấy”. Nhờ đó, mà các con của Mẹ Hai dù trong hoàn cảnh chiến tranh khắc nghiệt ai cũng được mẹ cho học.

Người con lớn của mẹ là Võ Thị Liệp được mẹ nuôi ăn học (nay 64 tuổi), từng là giáo viên, mở lớp dạy chữ cho con em trong vùng kháng chiến. Người con thứ 6 Võ Thị Hải, con thứ 9 là Võ Thị Chí làm việc ở Sở Lương thực Bến Tre. Con thứ 10 Võ Thị Hướng học Trường sư phạm Bến Tre, con thứ 11 là Võ Thị Huệ học Trường Đại học Y Cần Thơ và đứa con út Võ Văn Phương học Trường Đại học An ninh nhân dân tại Hà Nội. Các con của Mẹ Hai sau khi học xong về tham gia công tác tại quê nhà. Người con thứ 6 và thứ 9 của mẹ sau khi nghỉ công tác tại Sở Lương thực Bến Tre nay là chủ doanh nghiệp tư nhân. Người con thứ 8 tham gia đoàn thể ở địa phương. Người con thứ 10 về dạy học ở huyện, từ năm 1984 đến nay giữ chức vụ Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Vĩnh Thành (xã Cái Mơn, huyện Chợ Lách). Con thứ 11 đang công tác tại Trung tâm Y tế huyện Chợ Lách. Con út đang là trung tá, công tác tại Công an huyện Chợ Lách. Noi gương theo truyền thống gia đình, các con của Mẹ Hai đều nuôi dạy con mình học hành đến nơi đến chốn. Mẹ Hai còn có 2 cháu ngoại đã tốt nghiệp cao học, 3 cháu là giáo viên.

Mẹ Hai nay đã 84 tuổi, vẫn khỏe mạnh và đang sống cùng con trai út. Gia đình mẹ là tấm gương hiếu học để mọi người noi theo. “Mẹ luôn trăn trở là trong điều kiện hiện nay dù đời sống dân mình đã khá lên rất nhiều nhưng vẫn còn nhiều gia đình không đủ điều kiện để cho con cháu học hành tới nơi tới chốn. Đây là sự thiệt thòi cho các cháu, cũng là nguyên nhân không nhỏ dẫn đến tụt hậu sau này. Mẹ mong rằng các cấp chính quyền, Hội Khuyến học có sự quan tâm hơn nữa đến các gia đình nghèo, cũng như các gia đình chưa quan tâm đến việc học của con em để xã hội chúng ta ngày càng phát triển”. Đó là niềm suy tư và mong mỏi của mẹ đối với việc học của các em học sinh nghèo.

Bài, ảnh: CAO DƯƠNG

Chia sẻ bài viết