13/01/2019 - 09:31

Trung Quốc kín tiếng về chương trình “Nghìn tài năng” 

Chính phủ Trung Quốc mới đây đã lệnh cho giới chức và các nhà tuyển dụng nước này không được thảo luận xung quanh chương trình “Nghìn tài năng” nhằm chiêu mộ những tài năng công nghệ sáng giá từ nước ngoài bằng các khoản ưu đãi lớn, sau khi các nhà điều tra Mỹ “để mắt” đến những nhà khoa học tham gia chương trình, đặc biệt là những người trước đây làm việc ở Mỹ hoặc đã trở về Mỹ sau khi công tác tại Trung Quốc.

Chuyên gia Mỹ làm việc tại một phòng thí nghiệm ở Trung Quốc. Ảnh: FT

Một học giả tại một trường đại học hàng đầu của Trung Quốc còn được yêu cầu rút giải thưởng “Nghìn tài năng” khỏi trang web của trường để tránh sự nghi ngờ từ Mỹ. Trong cuộc chiến tranh thương mại quyết liệt hiện nay giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới, công nghệ được coi là chiến trường chính và do đó, chương trình “Nghìn tài năng” và các mục tiêu tương tự khác của Trung Quốc luôn gây chú ý từ các cơ quan an ninh Mỹ.

Động thái trên của Bắc Kinh được đưa ra sau khi Bill Priestap, trợ lý giám đốc bộ phận phản gián của Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI), hồi tháng 12 năm ngoái cảnh báo rằng các chương trình “tuyển dụng nhân tài” và “tăng thu chất xám” của Trung Quốc khuyến khích đánh cắp tài sản trí tuệ từ các tổ chức xứ cờ hoa. “Chính phủ Trung Quốc đang nỗ lực đạt được hoặc đánh cắp không chỉ kế hoạch và ý định của Chính phủ Mỹ, mà còn đánh cắp cả ý tưởng và sự sáng tạo vốn giúp nền kinh tế của chúng ta thành công vượt bậc” – Priestap nói.

Trước đó, Đại học Công nghệ Texas hồi tháng 9 năm ngoái trong một lá thư đã cảnh báo giới giảng viên của trường rằng Quốc hội Mỹ xem chương trình “Nghìn tài năng” của Trung Quốc như là một phần của chiến lược rộng lớn hơn nhằm tạo ra “ưu thế công nghệ”, trong khi Bộ Ngoại giao Mỹ tin rằng các yếu tố của chương trình “liên minh chặt chẽ với quân đội Trung Quốc”. Bức thư có đoạn viết: “Những người nhận giải thưởng Nghìn tài năng có thể bị loại khỏi các khoản tài trợ của Bộ Quốc phòng và trong tương lai có thể là các khoản tài trợ nghiên cứu liên bang”.

Kế hoạch chiêu mộ nhân tài bắt đầu từ năm 2008 nói trên đến nay vẫn còn hoạt động. Nó được đưa ra nhằm thúc đẩy tiêu chuẩn nghiên cứu của Trung Quốc và là công cụ thu hút một lượng lớn các nhà khoa học sinh ra ở Trung Quốc nhưng lớn lên, học tập hoặc làm việc ở nước ngoài, đặc biệt là trong các lĩnh vực công nghệ cao. 

Đến nay, chương trình “Nghìn tài năng” của Trung Quốc đã thu hút được khoảng 7.000 nhà khoa học và nhà nghiên cứu hàng đầu. Các chuyên gia ban đầu thường nhận khoảng 1 triệu NDT (146.670 USD) để chi tiêu cá nhân, sau đó nhận thêm khoảng 5 triệu NDT tiền trợ cấp nghiên cứu, cùng với những trợ cấp khác về chỗ ở, chi phí học hành của con cái cũng như chăm sóc sức khỏe. Các chuyên gia có thể nhận được nhiều hơn từ chính quyền địa phương cũng như nhận các khoản trợ cấp bổ sung. Theo các phương tiện truyền thông Trung Quốc, một số nhà nghiên cứu nổi bật có thể nhận lên tới 100 triệu NDT.

Tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (SCMP) của Hồng Công cho biết, chính Mỹ là quốc gia bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi chương trình “Nghìn tài năng” của Trung Quốc. Một báo cáo cho thấy khoảng 4.000 nhà nghiên cứu, chuyên gia gốc Hoa đã rời Mỹ trở lại Trung Quốc làm việc thông qua chương trình này.

Chương trình trên đến nay đã giúp các trường đại học Trung Quốc cạnh tranh với các trường quốc tế và đóng vai trò quan trọng trong việc đảo ngược tình trạng chảy máu chất xám mà theo đó nhiều người tài đã rời khỏi Trung Quốc để tìm kiếm vận may ở những nơi khác.

TRÍ VĂN

Chia sẻ bài viết