26/03/2024 - 20:44

Trung Quốc bị tố hoạt động gián điệp mạng 

Trừ Canada, các thành viên còn lại trong Liên minh Tình báo Ngũ nhãn (Five Eyes) gồm Mỹ, Anh, Úc và New Zealand đồng loạt lên án và yêu cầu Trung Quốc chịu trách nhiệm sau cáo buộc về hoạt động mạng độc hại của các nhóm tin tặc được Bắc Kinh hậu thuẫn.

Cục Điều tra Liên bang Mỹ phát lệnh truy nã tin tặc Trung Quốc. Ảnh: NYT

Ngày 26-3, Bộ trưởng Quốc phòng New Zealand Judith Collins cho biết nhóm tin tặc đại lục được phân loại theo mật danh Advanced Persistent Threat 40 (Mối đe dọa thường trực cao cấp 40) hay APT 40 đã xâm nhập mạng máy tính các cơ quan Quốc hội New Zealand vào năm 2021. Ðược cho có liên hệ với Bộ An ninh Quốc gia Trung Quốc, APT chuyên đánh cắp nghiên cứu khoa học về virus Ebola, HIV, MERS cũng như tài liệu ngành công nghiệp hàng hải và nhà thầu hải quân. Nhóm cũng nhắm vào các chính phủ phương Tây, công ty và trường đại học.

Trong vụ việc năm 2021, Bộ trưởng Collins cho biết các cơ quan chức năng đã phát hiện và ngăn chặn kịp thời. Theo bà, những “kiểu hành vi” như Trung Quốc thông qua hình thức tấn công mạng để can thiệp các thể chế và quy trình dân chủ là không thể chấp nhận. Trong một phát biểu, Thủ tướng New Zealand Christopher Luxon đề cao tinh thần đoàn kết giữa những nước có cùng giá trị và chí hướng bảo vệ các nền dân chủ tự do trên thế giới.

Cùng ngày, Ngoại trưởng Úc Penny Wong cũng bày tỏ mối quan ngại về hoạt động mạng độc hại từ “những tác nhân được nhà nước Trung Quốc hậu thuẫn”. Trong tuyên bố chung với Bộ trưởng Nội vụ Clare O’Neil, bà Wong ủng hộ việc yêu cầu Trung Quốc chịu trách nhiệm khi liên tục nhắm mục tiêu vào các thể chế cởi mở và dân chủ.

Mỹ - Anh liên tiếp trừng phạt Trung Quốc

Tuyên bố từ Úc, New Zealand được đưa ra sau khi Mỹ thông báo áp lệnh trừng phạt Công ty Khoa học và Công nghệ Vũ Hán Hiểu Duệ với cáo buộc làm “bình phong” cho hoạt động của nhóm tin tặc APT 31. Nhóm này bị cho là một nhánh của Bộ An ninh Quốc gia Trung Quốc, từng vướng cáo buộc thực hiện tấn công mạng nhằm vào các chiến dịch tranh cử tổng thống Mỹ, cổng thông tin Quốc hội Phần Lan cùng nhiều hệ thống khác.

APT 31 thông qua công ty Hiểu Duệ tiến hành các vụ tấn công mạng để phá hoại một số lĩnh vực cơ sở hạ tầng quan trọng của Mỹ như quốc phòng, hàng không vũ trụ và năng lượng. Công ty còn giám sát nhiều quan chức cấp cao ở Mỹ và trên khắp thế giới cùng các cố vấn, người thân của họ thông qua chiến dịch tấn công mạng bằng cách gửi hơn 10.000 email độc hại. Các email này chứa liên kết theo dõi ẩn cho phép APT 31 truy cập thông tin bao gồm vị trí và địa chỉ IP của mục tiêu. Ngoài ra, Bộ Tư pháp Mỹ còn buộc tội 7 công dân Trung Quốc âm mưu xâm nhập máy tính và lừa đảo chuyển tiền. Ðây là một phần của hoạt động tấn công mạng kéo dài 14 năm nhắm vào các chuyên gia chính sách đối ngoại, các nhà phê bình, học giả, nhà báo, doanh nghiệp, các nhà hoạt động ủng hộ dân chủ và những ý kiến chỉ trích Trung Quốc.

Cùng ngày, Chính phủ Anh tuyên bố áp lệnh trừng phạt đối với các tin tặc liên kết với Chính phủ Trung Quốc bị cáo buộc trong một vụ xâm nhập vào các tổ chức dân chủ và cơ quan bầu cử nước này. Tin tặc rất có thể đã truy cập thông tin của hàng chục triệu cử tri Anh, đồng thời tiến hành hoạt động gián điệp mạng nhắm vào các nhà lập pháp từng chỉ trích Bắc Kinh. Trong một tuyên bố, Thủ tướng Anh Rishi Sunak cũng nhắc lại việc Trung Quốc đang hành xử ngày càng quyết đoán ở nước ngoài và là “mối đe dọa lớn nhất” đối với an ninh kinh tế Anh.

Trước các thông tin trên, Trung Quốc bác bỏ các cáo buộc “không có căn cứ và vô trách nhiệm” về việc Bắc Kinh can thiệp ở nước ngoài thông qua chiến dịch gián điệp mạng. Bộ Ngoại giao Trung Quốc còn nhấn mạnh không nên chính trị hóa vấn đề an ninh mạng, dù Bắc Kinh những năm gần đây cũng nhiều lần lên án hoạt động tấn công mạng của phương Tây. Chẳng hạn như năm ngoái, Bộ An ninh Quốc gia Trung Quốc đã cáo buộc Mỹ liên tục xâm nhập vào hệ thống của gã khổng lồ viễn thông Huawei.

MAI QUYÊN (Theo Nikkei, Guardian)

Chia sẻ bài viết