23/10/2016 - 16:34

Trầm lắng hoạt động chứng khoán ở Cần Thơ

Từng phát triển sôi động theo đà phát triển chung của Thị trường Chứng khoán (TTCK) Việt Nam với hàng loạt doanh nghiệp lên sàn, hàng loạt công ty chứng khoán mở chi nhánh, đại lý giao dịch tại TP Cần Thơ, hàng trăm nhà đầu tư hớn hở lên sàn giao dịch, nhưng thời gian gần đây hoạt động chứng khoán ở Cần Thơ rơi vào trầm lắng hẳn so với giai đoạn 2009-2010. Trong khi hiện nay trên TTCK Việt Nam số lượng doanh nghiệp niêm yết tăng gấp 3 lần và thanh khoản tăng gấp 4 lần so với cách đây 6 năm...

Các doanh nghiệp Tây Đô lên sàn

Thời vàng son của TTCK, giai đoạn 2004 đến 2007, TP Cần Thơ cũng đã xuất hiện nhiều doanh nghiệp tên tuổi lớn niêm yết trên các sàn giao dịch chứng khoán. Cụ thể như các Công ty cổ phần Dược Hậu Giang (DHG), Công ty cổ phần Vật tư kỹ thuật Nông nghiệp Cần Thơ (TSC), Công ty cổ phần Basa (BAS), Công ty cổ phần Thủy sản Mekong (AAM) niêm yết trên sàn chứng khoán thành phố Hồ Chí Minh (HOSE). Các công ty niêm yết trên Sàn giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) gồm có các Công ty cổ phần Sadico Cần Thơ (SDG), Công ty cổ phần Thuốc sát trùng Cần Thơ (CPC), Công ty cổ phần Đầu tư Xây dựng Hồng Phát (HPR), Công ty cổ phần Khoáng sản & Xi măng Cần Thơ (CCM). Còn các doanh nghiệp được IPO sau giai đoạn hoàn kim của thị trường lại chọn con đường lên sàn giao dịch phi chính thức UpCom như Công ty cổ phần Du lịch Cần Thơ (DLC), Công ty cổ phần Bến xe Tàu phà Cần Thơ (HPL), Công ty cổ phần Bia Sài Gòn - Miền Tây (WSB), Công ty cổ phần Cấp thoát nước Cần Thơ (CTW)...

Tuy nhiên, sau vài năm một số doanh nghiệp đã rơi rụng và tắt thanh khoản. Đầu tiên là cổ phiếu BAS của Công ty cổ phần Basa bị hủy niêm yết bắt buộc trên sàn HOSE từ ngày 3-5-2012 vì lỗ 3 năm liên tiếp. Tiếp đó cổ phiếu HPR của Công ty cổ phần Đầu tư Xây dựng Hồng Phát cũng xin hủy niêm yết tự nguyện kể từ ngày 3-5-2013 để hợp nhất công ty. Cổ phiếu HPL của Công ty cổ phần Bến xe Tàu phà Cần Thơ bị hủy niêm yết trên sàn UpCom từ 10-6-2014 do không đủ điều kiện là công ty đại chúng. Tiếp đó là cổ phiếu DLC của Công ty cổ phần Du lịch Cần Thơ cũng đã có văn bản của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước hủy đăng ký công ty đại chúng kể từ ngày 15-8-2016 và tất nhiên là DLC sẽ được hủy niêm yết trên sàn UpCom và không còn phải công bố thông tin bắt buộc theo Luật chứng khoán nữa.

 Anh Trịnh Hữu Phúc (hàng trên, giữa) của Công ty cổ phần Cấp thoát nước Cần Thơ là đại diện duy nhất của Cần Thơ góp mặt trong Sách vàng Sáng tạo Việt Nam 2016. Ảnh: HP

Trên thực tế, các cổ phiếu của các công ty niêm yết còn lại của đất Tây Đô cũng chẳng có giao dịch gì nhiều ngoại trừ hai cổ phiếu DHG của Công ty cổ phần Dược Hậu Giang và cổ phiếu TSC của Công ty cổ phần Vật tư kỹ thuật Nông nghiệp Cần Thơ. Một thư ký của một công ty hiện đang niêm yết ở Cần Thơ cho biết, sở dĩ hiện nay CCM, SDG, CPC, CTW,... ít có thanh khoản là do cơ cấu cổ đông cô đặc, cổ đông nhỏ lẻ không nhiều, phần lớn cổ phiếu do cổ đông lớn nắm giữ và họ chưa có ý định bán ra lúc này.

Các sàn giao dịch chứng khoán trầm lắng

Giai đoạn 2004-2007, một nhóm nhà đầu tư của DHG và TSC đã có ý định thành lập công ty chứng khoán Cần Thơ sau khi TP Hồ Chí Minh, Hà Nội có hàng loạt công ty chứng khoán và đặc biệt là thành phố Đà Nẵng, thành phố Hải Phòng đều đã có công ty chứng khoán riêng cho địa phương và mang tên của các thành phố đó. Nhưng chưa kịp thành lập thì TTCK đã đi xuống do khủng hoảng kinh tế thế giới kéo theo và cho đến ngày nay, Cần Thơ vẫn chưa có công ty chứng khoán nào có trụ sở chính nằm trên địa bàn.

Chi nhánh Công ty Chứng khoán đầu tiên được thành lập ở Cần Thơ có lẽ là của Công ty chứng khoán Ngân hàng Phát triển Nhà Đồng bằng sông Cửu Long (MHBS) nằm trên đường Phan Đình Phùng nhưng do sáp nhập ngân hàng nên ngày 17-6-2015, Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam (VSD) đã có Công văn số 5882/VSD-LK về việc ngừng cung cấp dịch vụ đối với MHBS, qua đó chấm dứt hoạt động của công ty chứng khoán này trên TTCK. Kế đến là Chi nhánh của Công ty Chứng khoán Ngân hàng cổ phần Ngoại thương Việt Nam (VCBS). So với nhiều công ty chứng khoán khác thì VCBS chi nhánh Cần Thơ có lợi thế là có nguồn khách hàng đông đảo đến từ cổ phiếu DHG sau khi cổ phiếu này IPO và niêm yết trên sàn từ rất sớm, năm 2004. VCBS cũng có lợi thế là nhiều cơ quan, công ty trên địa bàn mở tài khoản thanh toán và trả lương qua hệ thống ngân hàng mẹ Vietcombank. Hoạt động tư vấn cổ phần hóa, niêm yết, bảo lãnh phát hành và chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chứng (IPO) của VCBS cũng khá nhộn nhịp so với chi nhánh các công ty chứng khoán khác trên địa bàn Cần Thơ. Tuy nhiên, đến năm 2015 VCBS cũng đã gửi thông báo cho khách hàng là VCBS Cần Thơ chỉ còn là Văn phòng đại diện tại Cần Thơ. Chi nhánh được thành lập và khai trương rầm rộ vào tháng 1-2008 tại Cần Thơ là chi nhánh của Công ty cổ phần Chứng khoán Phương Đông (ORS) với diện tích sàn giao dịch và nhân sự môi giới cũng đông đảo nhất Cần Thơ lúc bấy giờ nhưng do hoạt động yếu kém, ít khách hàng nên chi nhánh này cũng đã đóng cửa vào năm 2012. Tiếp sau đó lần lượt là các Công ty Chứng khoán Phố Wall, Công ty Chứng khoán APEC... cũng không còn thấy xuất hiện trên đường 30-4 và đường Trần Văn Khéo.

Hiện tại, ở Cần Thơ, ngoài Công ty Chứng khoán Á Châu (ACBS) và Công ty cổ phần Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) là có chi nhánh đầy đủ, còn lại đa phần là văn phòng đại diện, đại lý giao dịch hoặc đại lý nhận lệnh trực tuyến cho các công ty chứng khoán có trụ sở ở TP Hồ Chí Minh và Hà Nội.

Nhen nhóm lại TTCK

Ngày 22-9-2015, Câu lạc bộ Chứng khoán Cần Thơ (CSC) được thành lập và có địa chỉ hoạt động thường xuyên tại khách sạn Á Châu trên đường Châu Văn Liêm, quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ. Câu lạc bộ ra đời là nơi quy tụ và tập hợp những người làm nghề chứng khoán, những nhà đầu tư trên địa bàn Cần Thơ để trao đổi với nhau về nghề nghiệp, định hướng đầu tư và tìm kiếm cơ hội hợp tác, đầu tư. Hơn một năm qua CSC đã sinh hoạt được 14 lần và đã có thành viên tham gia đấu giá, mua cổ phần của một số doanh nghiệp trên địa bàn TP Cần Thơ có IPO. Gần đây nhất cũng đã có thành viên của Câu lạc bộ mua thành công cổ phần của Công ty Phát triển nhà Cần Thơ vừa IPO xong.

Anh Huỳnh Quốc Huy phụ trách chi nhánh Cần Thơ của VDSC cho biết, nhiều năm qua chi nhánh ở Cần Thơ của Rồng Việt cũng hoạt động rất trầm lắng, từ đầu năm 2016 đến nay sau khi dời chi nhánh từ tòa nhà Eximbank trên đường Phan Đình Phùng về tòa nhà Sacombank ở đường Võ Văn Tần thì chi nhánh mới hoạt động nhộn nhịp hơn, nhà đầu tư lên sàn cũng ngày càng khá hơn. "Mua có bạn, bán có phường", mới đây nhất, Văn phòng đại diện ở Cần Thơ của Công ty cổ phần Chứng khoán Ngân hàng Quân đội (MBS) cũng đã di dời từ đường Nguyễn An Ninh về tòa nhà MB trên đường Võ Văn Tần để dần dần hình thành một góc "phố wall" thu nhỏ của Cần Thơ gồm các các sàn giao dịch chứng khoán hoạt động sôi động nhất hiện nay ở Cần Thơ như sàn giao dịch VCBS ở số 7 đại lộ Hòa Bình, sàn giao dịch Công ty cổ phần Chứng khoán VnDirect ở đường Võ Văn Tần, sàn VDSC ở đường Võ Văn Tần, sàn MBS ở đường Võ Văn Tần và sàn ACBS ở đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa...

Trần Đăng

Chia sẻ bài viết