04/11/2011 - 09:05

Tôm càng xanh "bén" duyên vùng đất ngập mặn

Từ lâu con tôm sú trên vùng đất ngập mặn của tỉnh Trà Vinh được xem là “mỏ vàng” trong nghề nuôi trồng thủy sản. Thế nhưng, 3 năm gần đây, khi Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Trà Vinh thử nghiệm thành công mô hình nuôi tôm càng xanh trong ao nuôi tôm sú vào mùa mưa để thay thế cho một vụ nuôi tôm sú trong năm đã tạo “cú hích” cho nghề nuôi trồng thủy sản trên vùng đất ngập mặn.

Thu hoạch tôm càng xanh.  

Ở huyện Duyên Hải, tỉnh Trà Vinh, gần 20 năm nay nghề nuôi trồng thủy sản, trong đó nuôi con tôm sú luôn được xác định là đối tượng nuôi chủ lực của địa phương, với trên 80% hộ dân tham gia. Tuy nhiên, trải qua một thời gian dài, nghề nuôi sú gặp lắm nổi thăng trầm, do điều kiện thời tiết, môi trường diễn biến bất lợi, nhiều hộ nuôi tôm sú bị thua lỗ. Nhiều hộ dân từng gắn bó với con tôm sú cũng bắt đầu “nản chí”, tự tìm tòi hướng thay đổi đối tượng nuôi mới. Và con tôm càng xanh được nuôi thử nghiệm hơn 3 năm nay, người “mở đường” là anh Dương Văn Triệu, ở ấp 14, xã Long Hữu, huyện Duyên Hải. Là người gắn bó với nghề nuôi tôm sú rất lâu, nhưng qua nhiều năm nuôi tôm sú bị thua lỗ nên anh Triệu quyết định chuyển qua nuôi thử nghiệm con tôm càng xanh sau khi đã thu hoạch vụ nuôi tôm sú vào tháng 5. Trong vụ đầu tiên, trên diện tích 6.000m2 mặt nước, dù chưa am hiểu hết các kỹ thuật nuôi tôm càng xanh, nhưng anh Triệu đã thu về lợi nhuận vài chục triệu đồng. Sang vụ thứ 2, anh tham gia đề tài nuôi thực nghiệm luân canh tôm càng xanh thương phẩm trong ao nuôi tôm sú do Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Trà Vinh hỗ trợ. Kết quả vụ nuôi thứ 2 lợi nhuận hơn 70 triệu đồng. Đặc biệt, vụ nuôi năm 2009, anh Triệu mạnh dạn thuê đất mở rộng diện tích nuôi tôm càng xanh lên hơn 1ha.

Anh Nguyễn Thanh Tâm, ở ấp Giồng Ổi, xã Long Toàn, huyện Duyên Hải là nông dân sản xuất giỏi cấp huyện trong phong trào nuôi tôm sú, nhưng nuôi tôm sú nhiều rủi ro, nên anh Tâm đã dành một phần diện tích để nuôi thử nghiệm tôm càng xanh. Vụ nuôi năm 2008, con tôm càng xanh đã mang lại lợi nhuận cho gia đình anh Tâm gần 100 triệu đồng. Trong vụ nuôi năm 2009-2010, anh mạnh dạn mở rộng diện tích và thả trên 142.000 con giống, vụ này, anh thu hoạch hơn 3 tấn tôm càng xanh thương phẩm, giá bán cân sô 100.000 đồng/kg, anh thu về 340 triệu đồng. Anh Tâm nói: “Con tôm càng đang là “con cưng” thay thế cho con tôm sú trong mục tiêu đa dạng hóa vật nuôi trên vùng đất ngập mặn Duyên Hải”. Nếu như trong vụ nuôi năm 2008, trên địa bàn huyện Duyên Hải chỉ có gần 20 hộ thả nuôi hơn 700.000 con tôm càng xanh giống trên diện tích hơn 13ha thì đến vụ nuôi năm 2011 này, toàn huyện đã có 177 hộ thả nuôi 7,7 triệu con giống, trên diện tích 207ha. Và phần lớn hộ nuôi tôm càng xanh đều đạt lợi nhuận cao, bình quân 1ha mặt nước, lợi nhuận thu về trên 100 triệu đồng.

Từ thành công của mô hình nuôi tôm càng xanh trong ao tôm sú của huyện Duyên Hải, 3 năm gần đây, con tôm càng xanh đã mở rộng ở các vùng ngập mặn khác trong tỉnh như huyện Trà Cú, Châu Thành. Từ đầu mùa mưa năm 2011, huyện Trà Cú đã có 450 hộ nuôi tôm càng xanh, trên diện tích 418ha, huyện Châu Thành có 679 hộ nuôi tôm càng xanh, trên diện tích 500ha. Hiện nay, nhiều hộ trong tỉnh đã bắt đầu bước vào thu hoạch tỉa thưa, năng suất trên mỗi héc-ta ước đạt hơn 5 tấn tôm thương phẩm. Theo Thạc sĩ Lê Vũ Phương, Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Duyên Hải, huyện đã xác định con tôm càng xanh là con nuôi có hiệu quả kinh tế cao sau vụ nuôi tôm sú. Bởi giá tôm càng thương phẩm nhiều năm qua luôn ở mức cao và thị trường tiêu thụ ổn định. Tuy nhiên, theo nhiều nông dân, dù muốn mở rộng diện tích luân canh tôm càng xanh trên tôm sú nhưng hiện nay đang gặp khó, do nguồn cung con giống trong tỉnh không đáp ứng đủ nhu cầu và chất lượng con giống chưa đảm bảo. Thời gian qua, nông dân mua con giống từ nguồn trôi nổi và một số ít được đánh bắt từ thiên nhiên, nên tỷ lệ nuôi hao hụt chiếm đến 50 - 60%. Vì vậy, nông dân đang rất cần sự hỗ trợ của ngành thủy sản trong việc tìm nguồn và quản lý chất lượng con giống, hướng dẫn kỹ thuật để giúp bà con mở rộng mô hình luân canh con tôm càng xanh với con tôm sú đạt hiệu quả và bền vững hơn.

Bài, ảnh: PHÚC SƠN

Chia sẻ bài viết