05/06/2012 - 22:00

Tìm giải pháp gỡ khó cho doanh nghiệp

Chế biến cá tra xuất khẩu tại một doanh nghiệp ở Khu Công nghiệp Trà Nóc II, TP Cần Thơ.
 

UBND TP Cần Thơ vừa tổ chức hội thảo “Giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp (DN) trên địa bàn TP Cần Thơ” với sự tham gia của Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ Võ Thành Thống cùng lãnh đạo các sở ngành hữu quan, đại diện các hiệp hội DN, DN và ngân hàng trên địa bàn thành phố. Tại hội thảo này, nhiều DN cho rằng, để có thể vượt qua khó khăn hiện nay, bên cạnh sự tự nỗ lực, các DN rất cần sự hỗ trợ từ Trung ương và các cấp chính quyền địa phương. Đó là: đẩy mạnh thực thi các chính sách hỗ trợ nhằm giúp DN sớm được tiếp cận các gói hỗ trợ về vốn, giảm và giãn thuế, tiền thuê đất… Chính phủ vừa công bố.

Khó trăm bề

Thời gian qua, hoạt động của các DN trên địa bàn thành phố đã gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng từ khó khăn chung của kinh tế thế giới và trong nước. Theo Cục thuế TP Cần Thơ, thời gian qua, cao điểm là năm 2011 đến nay, chỉ số giá cả hàng hóa tăng cao, nhất là giá một số nguyên liệu đầu vào của ngành sản xuất chế biến khiến giá thành tăng, giảm khả năng cạnh tranh của DN. Thêm vào đó, lãi suất tín dụng ngân hàng duy trì ở mức cao trong một thời gian dài, chi phí sử dụng vốn vay tăng cao làm cho tỷ suất lợi nhuận của DN bị giảm mạnh. Gần đây, dù lãi suất ngân hàng đã giảm nhưng khả năng tiếp cận vốn của DN còn nhiều khó khăn. Trong khi đó, tình hình tiêu thụ hàng hóa xuất khẩu và nội địa có chiều hướng giảm dẫn đến tỷ lệ hàng hóa tồn kho tăng cao, vòng quay vốn bị chậm, DN càng thêm khó.

Theo ông Lê Tấn Nẫm, Phó Cục trưởng Cục thuế TP Cần Thơ, báo cáo tài chính năm 2011 của các DN gửi cho cơ quan thuế cho thấy có 220 DN bị lỗ tổng cộng trên 978 tỉ đồng. Đặc biệt, 4 tháng đầu năm 2012, trên địa bàn thành phố đã ghi nhận có 219 DN ngừng hoạt động, giải thể; 162 DN tạm nghỉ kinh doanh; số DN không phát sinh số thuế phải nộp trong 4 tháng cũng trên 238 đơn vị... Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam- Chi nhánh Cần Thơ, tổng dư nợ cho vay đến cuối tháng 4-2012 của các tổ chức tín dụng trên địa bàn thành phố là 40.950 tỉ đồng, tăng 0,57% so với cuối năm 2011. Nợ xấu đến cuối tháng 4-2012 là 1.305 tỉ đồng, chiếm 3,19% trong tổng dư nợ, tăng 525 tỉ đồng so với cuối năm 2011. Điều đáng chú ý là trong tổng dư nợ cho vay đến cuối tháng 4-2012 có 51,77% dư nợ có lãi suất cho vay từ 19% trở lên, 24,71% dư nợ có lãi suất cho vay từ 17-19%, có 14,49% dư nợ lãi suất cho vay từ 15-17% và chỉ có 9,05% dư nợ lãi suất cho vay dưới 15%. Trong đó, lãi suất cho vay bằng VND đối với lĩnh vực sản xuất kinh doanh thông thường phổ biến từ 15-17%, lĩnh vực tiêu dùng phổ biến 16,5-20,0%. Riêng lãi suất cho vay bằng ngoại tệ phổ biến từ 6,5-9%/năm.

Những số liệu trên phần nào thể hiện những khó khăn của DN trên địa bàn thành phố trong việc phải gánh lãi suất tiền vay ngân hàng với mức quá cao. Trong khi đó, những khó khăn chung của nền kinh tế thế giới và trong nước đang ảnh hưởng tiêu cực đến sức sản xuất và tiêu thụ hàng hóa khiến nhiều DN khốn đốn vì lượng hàng tồn kho nhiều dù đã cắt giảm sản xuất. Không chỉ vậy, nhiều DN còn đang gặp khó khi gặp tình trạng nợ khó đòi tăng...

Gỡ khó như thế nào?

Từ tình hình khó khăn chung, Chính phủ và các bộ ngành Trung ương đã có những giải pháp, chính sách nhằm hạ lãi suất vay và có các chính sách về tín dụng, thuế, hỗ trợ về thị trường... tháo gỡ khó khăn cho DN và cho cả sản xuất kinh doanh trong nước. Chỉ trong 1 tháng qua, Ngân hàng Nhà nước đã 2 lần điều chỉnh giảm lãi suất thông qua việc ban hành các Thông tư số 14/2012/TT-NHNN, Thông tư số 17/2012/TT-NHNN... Theo đó, lãi trần cho vay đối với 4 nhóm đối tượng được ưu tiên hiện giảm xuống còn 14%/năm. Đặc biệt, Nghị quyết 13/NQ-CP của Chính phủ “Về một số giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường” được ban hành ngày 10-5-2012 và Thông tư hướng dẫn thực hiện Nghị quyết này (Thông tư số 83/2012/TT-BTC) ban hành ngày 23-5-2012, được coi là “cứu cánh” cho DN. Theo đó, các DN thuộc đối tượng không chỉ được hưởng chính sách gia, giãn, giảm thuế mà còn được gia hạn, giảm 50% tiền sử dụng đất...

Tại hội thảo “Giải pháp tháo gỡ khó khăn cho DN trên địa bàn TP Cần Thơ”, nhiều hiệp hội DN và DN rất hoan nghênh các chính sách hỗ trợ của Nhà nước và cho rằng mọi hỗ trợ từ phía Nhà nước vào thời điểm này rất quý báu đối với DN. Tuy nhiên, điều mà nhiều DN còn băn khoăn là làm sao để DN sớm được hưởng các chính sách hỗ trợ đó, nhất là khi DN còn thiếu thông tin và một số chính sách hỗ trợ của Nhà nước còn thiếu các văn bản hướng dẫn cụ thể. Bên cạnh đó, nhiều ý kiến cũng cho rằng dù đã giảm nhưng lãi suất tiền vay và một số loại thuế vẫn còn cao...

Ông Nguyễn Văn Dược, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Bất động sản TP Cần Thơ, cho rằng: “Hiện lãi suất ở nước ta vẫn còn cao so với nhiều nước ở khu vực Đông Nam Á nên đẩy giá đầu vào tăng, sản phẩm khó cạnh tranh. Ngân hàng Nhà nước cần xem xét tiếp tục giảm lãi suất tiền vay về mức hợp lý (còn khoảng 11-12%/năm) trong thời gian tới. Gia hạn nộp thuế giá trị gia tăng lên 1 năm, thuế thu nhập DN từ 25% giảm xuống còn 20% hoặc dưới hơn”. Ông Lưu Thanh Hùng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP Cần Thơ, kiến nghị: “Thành phố và Trung ương cần xem xét giảm thêm thuế và tăng thời gian gia hạn cũng như mở rộng đối tượng DN được hưởng các chính sách giảm, giãn thuế; tiếp tục hạ lãi suất đầu ra xuống mức dưới 12% và có biện pháp để các ngân hàng thương mại thực hiện việc cho vay vốn theo đúng chỉ thị của Ngân hàng Nhà nước. Trong tình hình sức tiêu thụ nhiều loại hàng chậm và chịu cạnh tranh gay gắt bởi hàng nhập khẩu, Nhà nước cũng cần xem xét giảm thuế giá trị gia tăng xuống còn 0% đối với một số mặt hàng cần thiết nhằm kích thích sức mua. Ngoài ra, thành phố cần xem xét thành lập Quỹ bảo lãnh tín dụng cho DN và Quỹ hỗ trợ cho DN với lãi suất ưu đãi nhằm hỗ trợ DN giải quyết khó khăn về vốn”.

Tại hội thảo, nhiều DN cũng kiến nghị các ngành chức năng ở TP Cần Thơ hỗ trợ về thị trường tiêu thụ sản phẩm cho DN thông qua việc đẩy mạnh thực hiện các chương trình đưa hàng Việt về nông thôn, xây dựng và phát triển các chợ truyền thống trở thành chợ văn minh gắn với việc khuyến khích mua bán và sử dụng hàng Việt tại các chợ này. Bên cạnh đó, các ngành hữu quan cần tăng cường công tác kiểm tra, quản lý thị trường, tránh tình trạng hàng giá rẻ kém chất lượng xuất hiện và cạnh tranh thiếu lành mạnh. Trong khi chờ sự hỗ trợ của Nhà nước, DN cũng phải tự cứu lấy mình bằng những việc “trong tầm tay” như: tiết giảm chi phí đầu vào, nhất là giảm chi phí sản xuất thông qua việc quản lý quy trình sản xuất, quản lý về máy móc và con người một cách hợp lý hơn. Trong tình hình hiện nay, để giảm hàng tồn kho, các nhà sản xuất và kinh doanh cần tăng cường phối hợp với nhau trong việc thực hiện các chương trình khuyến mãi, giảm giá bán hàng và nâng cao chất lượng phục vụ nhằm kích cầu tiêu dùng.

Theo Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ Võ Thành Thống, thông qua việc lắng nghe những ý kiến của các bên có liên quan tại hội thảo, nhất là các ý kiến của các chuyên gia kinh tế, các nhà khoa học, nhà quản lý và kinh nghiệm thực tế từ một số DN, các DN trên địa bàn thành phố sẽ tìm ra được các hướng tháo gỡ khó khăn. Qua hội thảo, thành phố cũng nắm bắt được các khó khăn, tâm tư nguyện vọng của DN để tiếp tục có các giải pháp thích hợp giúp gỡ khó cho DN và có kiến nghị kịp thời về Trung ương đối với những vấn đề ngoài thẩm quyền giải quyết của thành phố...

Bài, ảnh: KHÁNH TRUNG

Chia sẻ bài viết