17/03/2015 - 09:19

Cờ Đỏ

Tạo điều kiện doanh nghiệp bao tiêu lúa cho nông dân

Vụ lúa đông xuân 2014-2015, huyện Cờ Đỏ tiếp tục phát triển diện tích "Cánh đồng lớn" nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất, chất lượng lúa hàng hóa và thu nhập cho người nông dân. Thông qua "Cánh đồng lớn", địa phương cũng đã tạo mọi điều kiện để doanh nghiệp đẩy mạnh bao tiêu sản phẩm cho nông dân, giải quyết đầu ra lúa hàng hóa được thuận lợi hơn...

Cờ Đỏ có diện tích xuống giống lúa đông xuân 2014-2015 đứng đầu thành phố, với 25.376 ha. Đây cũng là địa phương chuyên sản xuất nông nghiệp của thành phố, hàng năm đóng góp một lượng lớn lúa hàng hóa cho xuất khẩu và tiêu thụ nội địa. Xác định đông xuân là vụ lúa chính trong năm, quyết định đến sản lượng lúa cả năm của địa phương và góp phần tích cực vào nâng cao thu nhập cho người nông dân, ngành nông nghiệp huyện Cờ Đỏ luôn xác định triển khai sản xuất vụ lúa đông xuân 2014-2015 phải mang lại hiệu quả, đảm bảo năng suất và sản lượng.

Huyện Cờ Đỏ tiếp tục duy trì diện tích "Cánh đồng lớn" vụ đông xuân năm nay đạt 12.515 ha. Diện tích "Cánh đồng lớn" đều gắn với các doanh nghiệp đầu tư vật tư nông nghiệp (giống, phân, thuốc…) và bao tiêu sản phẩm cho nông dân. Năm nay, có 11 doanh nghiệp tham gia bao tiêu sản phẩm cho nông dân Cờ Đỏ trong vụ đông xuân 2014-2015 gồm: Công ty TNHH Trung An, Công ty Gentraco, Doanh nghiệp tư nhân Trung Thạnh, Doanh nghiệp tư nhân Thắng Lợi 2, Công ty Đại Dương Xanh, Công ty Vinacam Cờ Đỏ, Công ty Lương thực Sông Hậu, Công ty Nông nghiệp Cờ Đỏ, Công ty Tân Thành, Nông trường Sông Hậu và trại giống Cờ Đỏ.

Huyện Cờ Đỏ luôn tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp thu mua lúa nông dân.

Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Cờ Đỏ, đến trung tuần tháng 3-2015, toàn huyện đã thu hoạch được hơn 19.500 ha lúa đông xuân 2014-2015, năng suất bình quân đạt 7,9 tấn/ha, thấp hơn vụ đông xuân 2013-2014 khoảng 200 kg/ha do năm nay lũ thấp lượng phù sa ít, thời tiết bất lợi hơn. Dự kiến, đến đầu tháng 4-2015 nông dân Cờ Đỏ sẽ thu hoạch dứt điểm vụ lúa đông xuân này. Nhìn chung, thu hoạch lúa đông xuân của nông dân năm nay được đảm bảo, trên địa bàn huyện có 139 máy gặt đập liên hợp, chưa kể máy gặt đập liên hợp làm dịch vụ thu hoạch lúa cho nông dân từ các tỉnh lân cận như: An Giang, Đồng Tháp, Kiên Giang, Sóc Trăng… Tuy nhiên, tình hình tiêu thụ lúa cho nông dân còn gặp một số khó khăn như: số lượng thương lái thu mua lúa ít, các phương tiện vận chuyển lúa và lò sấy bị động do năm nay xuống giống và thu hoạch lúa đông xuân đồng loạt… nên tiến độ thu mua chậm. Ngoài ra, giá lúa vụ đông xuân năm nay thấp hơn cùng kỳ năm trước, lúa Jasmine 85 (lúa tươi) chỉ ở mức khoảng 4.800-4.900 đồng/kg. Giá lúa thấp nên mức lợi nhuận của nông dân đã giảm ít nhất khoảng 2-3 triệu đồng/ha so với vụ đông xuân 2013-2014. Lợi nhuận bình quân của nông dân vụ đông xuân 2014-2015 chỉ đạt khoảng 24-25 triệu đồng/ha.

Thới Hưng là một trong những xã của huyện Cờ Đỏ có diện tích xuống giống lúa đông xuân 2014-2015 lớn. Ông Đặng Hồng Thảo, Phó Chủ tịch UBND xã Thới Hưng, cho biết: Toàn xã xuống giống 4.679 ha lúa đông xuân, tiến độ thu hoạch lúa đông xuân của xã đến ngày 13-3 đã đạt khoảng 80% diện tích. Thời điểm đầu vụ, xã đã phối hợp Nông trường Sông Hậu triển khai bao tiêu lúa cho nông dân mua theo giá thị trường. Tuy nhiên, tỷ lệ nông dân bán lúa cho nông trường chỉ đạt khoảng 50% diện tích. Nguyên nhân do nông trường chỉ thu mua lúa khô (Jasmine giá 6.000 đồng/kg), trong khi nhiều nông dân có nhu cầu bán lúa tươi tiện lợi nên đã bán cho thương lái…

Theo nhiều nông dân Cờ Đỏ, vụ đông xuân năm nay giá lúa trên thị trường thấp, dẫn đến mức lời của nông dân giảm đáng kể. Bà Văn Thị Đẹp, ở xã Thới Hưng, cho biết: Vụ đông xuân năm trước lúa Jasmine (lúa tươi) ở mức 5.300-5.400 đồng/kg, nhưng năm nay thương lái chỉ mua 4.800 đồng/kg. Với 15 tấn lúa đông xuân vụ này mức lời của gia đình đã giảm hơn 7,5 triệu đồng...

Ông Lâm Minh Trí, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Cờ Đỏ, cho biết thêm: Các doanh nghiệp bao tiêu thu mua lúa Jasmine (lúa tươi) từ 4.850-5.000 đồng/kg. Giá cao hơn thị trường nhưng doanh nghiệp thu mua còn chậm, một số người dân bán lúa cho thương lái, một số người thấy giá lúa thấp đã trữ lúa lại chờ giá tăng. Trước tình hình này, ngành nông nghiệp đã tham mưu kịp thời cho UBND huyện có văn bản gửi cho các doanh nghiệp đẩy mạnh thu mua lúa của dân, thực hiện theo đúng hợp đồng với dân, cam kết cao hơn giá thị trường; đồng thời chỉ đạo cho các xã vận động người dân tuân thủ hợp đồng bán lúa cho doanh nghiệp. Đến nay, các doanh nghiệp đã thu mua lúa của dân hơn 24.300 tấn… Cũng theo ông Lâm Minh Trí, thời gian qua, huyện Cờ Đỏ đã tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp xây dựng kết cấu hạ tầng tại vùng nguyên liệu (đầu tư phương tiện vận chuyển, lò sấy…). Ngoài ra, ngành nông nghiệp tham mưu cho UBND huyện tổ chức sơ kết công tác thu mua lúa ở "Cánh đồng lớn" nhằm rút kinh nghiệm và gắn kết với doanh nghiệp triển khai kế hoạch thu mua lúa của dân trong thời gian tới…

Ông Nguyễn Văn Xuân, tổ trưởng Tổ hợp tác ấp Thới Hòa C, xã Thới Xuân, huyện Cờ Đỏ, cho biết: "Cánh đồng lớn" ở Thới Hòa C có hơn 200 ha, trong đó Công ty Tân Thành bao tiêu hơn 40 ha lúa VD20, còn lại là Công ty TNHH Trung An bao tiêu lúa Jasmine. Công ty TNHH Trung An đầu tư giống, phân, thuốc bán chịu cho nông dân. Đến nay, công ty này cũng đã thu mua lúa dứt điểm cho nông dân, giá lúa tươi 5.000 đồng/kg, cao hơn thị trường bên ngoài khoảng 150-200 đồng/kg, công ty thanh toán tiền nhanh nên nông dân phấn khởi, không có ai phá vỡ hợp đồng bán bên ngoài cho thương lái.

Bài, ảnh: HỒNG BẢO

Chia sẻ bài viết