01/10/2022 - 20:22

Tận dụng tốt các dư địa phục hồi kinh tế 

Bài, ảnh: GIA BẢO

Nhiều nền kinh tế phát triển, đang phát triển vẫn chật vật với bài toán phục hồi kinh tế, chuỗi cung ứng toàn cầu tiếp tục gián đoạn với một số mặt hàng. Các dự báo của các tổ chức, ngân hàng lớn trên thế giới đã xếp Việt Nam vào nhóm quốc gia có tốc độ phục hồi kinh tế ấn tượng. Song, để phục hồi kinh tế vững chắc, Việt Nam cần tiếp tục thực hiện nhiều giải pháp và cần sự đồng bộ trong các chính sách.

DN cần nguồn vốn chi phí thấp. Trong ảnh: May hàng xuất khẩu tại Công ty CP May Meko, TP Cần Thơ.

Những điểm sáng hiếm hoi

Theo Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Ðầu tư), GDP 9 tháng năm 2022 tăng 8,33% so với cùng kỳ năm trước và đây là mức tăng cao nhất 9 tháng của giai đoạn 2011-2022. Ðiều đó cũng chứng minh các hoạt động sản xuất kinh doanh dần lấy lại đà tăng trưởng, chính sách phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội của Chính phủ đề ra đã phát huy hiệu quả tích cực. Cả 3 khu vực kinh tế đều đạt mức tăng trưởng dương cao. Trong đó, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản đóng góp 4,04%; khu vực công nghiệp và xây dựng đóng góp 41,79%; khu vực dịch vụ đóng góp 54,17% vào mức tăng chung của toàn nền kinh tế.

Cùng với đà phục hồi kinh tế mạnh mẽ trong nước, các ngân hàng lớn trên thế giới cũng đánh giá lạc quan về tăng trưởng kinh tế của Việt Nam năm 2022. Mới đây, trong báo cáo cập nhật tình hình kinh tế Ðông Á - Thái Bình Dương, Ngân hàng Thế giới (WB) đưa mức dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam đạt mức 7,2% năm 2022, cao hơn so với dự báo hồi tháng 4-2022 (dự báo chỉ tăng 5,3%). WB cũng nhận định Việt Nam là quốc gia dẫn đầu khu vực Ðông Á - Thái Bình Dương về tăng trưởng kinh tế trong năm nay, dù thế giới và khu vực đang đối mặt với bức tranh kinh tế khá ảm đạm. Bên cạnh đó, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) trong báo cáo cập nhật kinh tế mới nhất gần đây đã giữ nguyên mức tăng trưởng kinh tế của Việt Nam năm 2022 ở mức 6,5%.

Theo các chuyên gia kinh tế, trong bối cảnh thách thức toàn cầu gia tăng, lạm phát tăng và đà phục hồi kinh tế của các quốc gia phát triển đang chậm lại sẽ tác động đến các quốc gia đang phát triển, nghèo. Trường hợp của Việt Nam đạt mức tăng trưởng kinh tế trong bối cảnh ảm đạm này là điểm sáng hiếm hoi trong bối cảnh bất định. TS Trần Hữu Hiệp, Chuyên gia kinh tế, cho rằng, các tổ chức quốc tế đã đưa ra những nhận định lạc quan về kinh tế Việt Nam, nhờ đà phục hồi kinh tế trong nước đạt nhiều kết quả tích cực. Nhưng việc điều chỉnh tăng lãi suất điều hành vừa qua của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) trong bối cảnh các ngân hàng Trung ương các nước lớn đều tăng lãi suất để ứng phó với lạm phát thì chắc chắn sẽ tác động đến tăng trưởng kinh tế của Việt Nam từ nay đến cuối năm. Câu hỏi đặt ra là làm cách nào để kiềm chế lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế khi có quá nhiều tác động bên ngoài và sự tăng trưởng nội tại của một số ngành, lĩnh vực kinh tế trong nước chưa thực sự vững chắc.

Cần thực hiện đồng bộ các chính sách

Vốn ngân hàng là mạch máu của nền kinh tế, việc điều hành chính sách tiền tệ có tác động rất lớn đến kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Theo NHNN, tính đến thời điểm 20-9-2022, tổng phương tiện thanh toán tăng 2,49% so với cuối năm 2021 (cùng thời điểm năm 2021 tăng 4,95%); huy động vốn của các tổ chức tín dụng tăng 4,04% (cùng thời điểm năm 2021 tăng 4,28%); tăng trưởng tín dụng của nền kinh tế đạt 10,54% (cùng thời điểm năm 2021 tăng 7,17%). NHNN đưa ra kế hoạch tăng trưởng tín dụng năm 2022 là 14% linh hoạt tùy điều kiện của nền kinh tế và khả năng hấp thụ vốn của doanh nghiệp (DN). Cũng theo NHNH, thị trường ngoại tệ duy trì ổn định, tỷ giá USD/VND diễn biến linh hoạt và trong tầm kiểm soát, phù hợp với điều kiện thị trường, cân đối kinh tế vĩ mô, tiền tệ. Thanh khoản thị trường về cơ bản vẫn được đảm bảo. Hoạt động thanh toán trong nền kinh tế diễn ra an toàn, hiệu quả.

Trước xu hướng lạm phát các nền kinh tế thế giới tiếp tục tăng ở mức cao, Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) quyết định tăng lãi suất lần thứ năm trong năm nay thêm 0,75% vào ngày 22-9-2022, NHNN Việt Nam đã có quyết định điều chỉnh các mức lãi suất để tiếp tục thực hiện các biện pháp nhằm góp phần kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ phục hồi kinh tế, đảm bảo an toàn hoạt động ngân hàng. Theo đó, từ ngày 23-9-2022, lãi suất tái cấp vốn tăng từ 4%/năm lên 5%/năm; lãi suất tái chiết khấu từ 2,5%/năm lên 3,5%/năm; lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng và cho vay bù đắp thiếu hụt vốn trong thanh toán bù trừ của NHNN Việt Nam đối với tổ chức tín dụng từ 5%/năm lên 6%/năm. Ðồng thời, lãi suất tối đa áp dụng đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng tăng từ 0,2%/năm lên 0,5%/năm; đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng từ 4%/năm lên 5%/năm; riêng lãi suất tối đa đối với tiền gửi bằng đồng Việt Nam tại quỹ tín dụng nhân dân, tổ chức tài chính vi mô từ 4,5%/năm lên 5,5%/năm.

TS Trần Hữu Hiệp cho rằng, việc NHNN quyết định điều chỉnh tăng lãi suất điều hành rất được các nhà đầu tư và DN quan tâm. Trong bối cảnh hầu hết các quốc gia trên thế giới đều chịu sự tác động của lạm phát. Ngay cả nền kinh tế hàng đầu thế giới như Mỹ cũng phải điều chỉnh lãi suất cơ bản tăng thêm 0,75%/năm. Vì vậy, NHNN Việt Nam tăng lãi suất điều hành là tất yếu. Thông qua tăng lãi suất điều hành nhằm kiềm chế lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế vĩ mô. Tăng lãi suất điều hành còn kiềm chế được tốc độ trượt giá của đồng nội tệ (VNÐ), giảm bớt tác động tiêu cực lên các chi tiêu, thu nhập thực tế của người lao động, người làm công ăn lương, sinh kế của người dân… Tuy nhiên, “khi dùng liều thuốc mạnh chữa cho cơ thể đang yếu thì chắc chắn sẽ có tác dụng phụ”, do Việt Nam có nền kinh tế mở cao, chắc chắn sẽ chịu tác động từ các áp lực bên ngoài.

Theo TS Trần Hữu Hiệp, tác động của lạm phát, tỷ giá hối đoái và sự chuyển dịch dòng vốn trong thương mại đầu tư của khu vực cũng như chính sách của các nền kinh tế lớn như Mỹ, EU, Trung Quốc, Nhật Bản sẽ tác động đến sự phục hồi của các quốc gia. Từ nay đến cuối năm, nhu cầu vốn của DN tăng cho các hoạt động sản xuất hàng hóa, mua nguyên liệu, phân phối sản phẩm và kể cả nợ ngân hàng rơi vào kỳ thanh toán cuối năm…, nếu các ngân hàng thương mại (NHTM) tăng lãi suất cho vay sẽ tạo áp lực rất lớn. Trước hết là nhóm NHTM, nếu tăng lãi suất thì các NHTM sẽ gặp thách thức cả trong huy động vốn và cho vay, phát vay khó nếu lãi suất cho vay cao. Vì vậy, cần phân loại nhóm đối tượng bị tác động mạnh nhất để tăng quan tâm và hỗ trợ, có chính sách phù hợp nhằm giảm thiểu ít nhất các tác động tiêu cực có thể xảy ra. Có thể nới room tín dụng cho nông nghiệp, thủy sản, dù đây là ngành nghề tỷ suất lợi nhuận không cao bằng các ngành khác nhưng vốn là nhu cầu bức xúc. Tiếp đó là đẩy nhanh tiến độ giải ngân đầu tư công; quan tâm đến tiền lương, giải quyết việc làm, điều hành tỷ giá,… nhằm giảm tối thiểu tác động tiêu cực lên nền kinh tế.

Chia sẻ bài viết