27/03/2012 - 21:22

Siêu thị chú trọng đa dạng hóa sản phẩm

Những năm gần đây, siêu thị trở thành kênh mua sắm quen thuộc của người dân TP Cần Thơ. Và để đáp ứng nhu cầu của nhiều đối tượng khách hàng, chiến lược đa dạng hóa sản phẩm theo hướng ưu tiên phát triển hàng Việt được nhiều siêu thị trên địa bàn thành phố tập trung thực hiện...

Mở rộng khách hàng mục tiêu

 Tại các siêu thị trên địa bàn TP Cần Thơ, hàng hóa có nguồn gốc sản xuất trong nước
không chỉ gia tăng mật độ trưng bày mà lượng tiêu thụ cũng tăng lên đáng kể. 

Ông Nguyễn Huy Cường, Giám đốc Siêu thị Vinatex Cần Thơ, cho biết: “Qua những chuyến tham gia “Đưa hàng Việt về nông thôn”, chúng tôi có dịp nhìn nhận lại sức tiêu thụ của thị trường nông thôn và đối tượng khách hàng bình dân. Đây là thị trường rất tiềm năng, lợi thế của siêu thị, khi tập trung vào phân khúc thị trường này là không tốn nhiều chi phí quảng cáo, chỉ cần làm phong phú chủng loại hàng hóa, quy cách đóng gói... là có thể thu hút được khách hàng”. Theo bà Trần Tú Trinh, phường An Lạc, quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ, giá hàng hóa trong siêu thị tuy có nhỉnh hơn so với bên ngoài, nhưng chênh lệch không lớn và đang thu hẹp dần. Hàng hóa sản xuất trong nước luôn nằm trong danh sách hàng bình ổn giá của siêu thị và thường xuyên có những chương trình khuyến mãi đặc biệt, người tiêu dùng tiếp cận dễ dàng với sản phẩm, với giá phải chăng.

Đối với các nhà phân phối, bán lẻ như hệ thống siêu thị, việc mở rộng đối tượng khách hàng và tập trung phát triển phân khúc thị trường bình dân không quá khó. Siêu thị dễ dàng nắm bắt được nhu cầu của người tiêu dùng; đồng thời, tận dụng ưu thế trong việc đàm phán với các nhà cung cấp để có được lượng hàng ổn định, giá cả phù hợp. Theo bà Trầm Thị Mỹ Hòa, Giám đốc Siêu thị Maximark Cần Thơ, để hình thành thói quen mua sắm cho khách hàng, siêu thị đặc biệt chú trọng đến cách trưng bày sản phẩm, niêm yết giá rõ ràng để khách hàng dễ dàng trong việc so sánh, chọn lựa. Ngoài ra, siêu thị cũng thường xuyên vận động, hợp tác với nhà sản xuất đẩy mạnh kích cầu bằng cách giảm giá, thực hiện các chương trình khuyến mãi...

Trong 2 năm qua, tác động của suy thoái kinh tế, lạm phát, người tiêu dùng có xu hướng “thắt lưng buộc bụng” và cân nhắc trong việc chi tiêu. Từ thực tế này, các nhà sản xuất, nhà phân phối, bán lẻ mới thực sự lưu tâm đa dạng hóa sản phẩm, chú ý đến phân khúc thị trường bình dân. Các siêu thị đã cho ra đời các sản phẩm mang nhãn hiệu riêng (hàng nhãn riêng) để đáp ứng nhu cầu mua sắm của nhiều đối tượng khách hàng, đặc biệt là nhóm đối tượng khách hàng có thu nhập thấp. Với lợi thế chuyên về hàng may mặc, Vinatex liên kết với các nhà sản xuất trong nước sản xuất nhiều mặt hàng như: Jeans, kaki, áo khoác, sơ mi, áo thun... với nhãn hiệu độc quyền phân phối tại hệ thống siêu thị Vinatex. Hệ thống siêu thị Co.opMart có khoảng 200 hàng nhãn riêng gồm thời trang SGC, các loại hóa mỹ phẩm, thực phẩm khô, chế biến sẵn... có giá rẻ hơn sản phẩm cùng loại từ 3-20%... Việc mở rộng đối tượng khách hàng thông qua hàng nhãn riêng của hệ thống siêu thị còn tạo điều kiện để người tiêu dùng hiểu và tin dùng hàng Việt.

Tăng tỷ lệ hàng nội địa

Trong giai đoạn đầu tiếp cận thị trường, hàng hóa bày bán trong siêu thị chủ yếu là hàng nhập khẩu. Tuy nhiên, cùng với sự phát triển của hệ thống siêu thị ở Việt Nam nói chung và TP Cần Thơ nói riêng, chiến lược kinh doanh của các siêu thị đã chuyển dần theo hướng tăng tỷ trọng hàng chất lượng cao sản xuất tại Việt Nam. Đặc biệt, sau khi Bộ Chính trị phát động cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, hàng hóa nội địa đang dần chinh phục thị trường và tiến dần đến việc thay thế vị trí của hàng ngoại.

Ông Lê Văn Hừng, Phó Giám đốc Sở Công thương TP Cần Thơ, nói: “Hiện tại, các ngành hàng tiêu dùng, thực phẩm, may mặc... có xuất xứ Việt Nam gần như chiếm lĩnh thị trường. Ở siêu thị Co.opMart, Vinatex hàng Việt chiếm khoảng 80-90% tổng lượng hàng hóa. Không chỉ doanh nghiệp bán lẻ trong nước mà nhà bán lẻ từ nước ngoài vào như Metro tỷ lệ hàng Việt cũng chiếm hơn 60%”. Bên cạnh việc đưa hàng hóa có xuất xứ trong nước vào kinh doanh, các siêu thị còn tập trung thay đổi thói quen của người tiêu dùng nội địa.

Theo bà Trầm Thị Mỹ Hòa, Giám đốc Siêu thị Maximark Cần Thơ, trước đây, người tiêu dùng chưa mặn mà với hàng Việt, vì chất lượng sản phẩm chưa cao, mẫu mã không bắt mắt. Nhưng gần đây, doanh nghiệp đã cơ bản khắc phục được nhược điểm này. Các nhà sản xuất còn nắm bắt cơ hội đa dạng hóa sản phẩm, cải tiến bao bì, chất lượng... để đáp ứng nhu cầu của nhiều đối tượng tiêu dùng. Chỉ tính riêng mặt hàng thực phẩm tươi sống, nếu trước đây luôn bị đánh giá là “thiếu và yếu” thì hiện tại các gian hàng rau xanh, thủy hải sản, thịt gia súc, gia cầm... ngày càng được mở rộng diện tích tạo cảm giác tiện lợi, gần gũi và đa dạng như chợ truyền thống.

Chuỗi siêu thị Co.opMart cũng là một trong những đơn vị đi đầu trong chiến lược “nội địa hóa hàng hóa”. Ban đầu, tỷ lệ hàng sản xuất trong nước chỉ đạt mức 20-30%, đến nay tỷ lệ này đã lên đến 80-90%. Siêu thị Vinatex Cần Thơ luôn dành những vị trí tốt nhất cho các sản phẩm nội địa, liên kết với nhà cung cấp Việt Nam thực hiện các chương trình khuyến mãi quảng bá cho hàng Việt. “Hiện tại, sản phẩm có xuất xứ trong nước không chỉ gia tăng mật độ trưng bày mà lượng tiêu thụ cũng tăng lên đáng kể. Điển hình như các mặt hàng: bánh kẹo, rau, trái cây... hầu hết người tiêu dùng đều chọn hàng trong nước, hàng ngoại chiếm tỷ lệ không cao, chủ yếu siêu thị nhập về để khách hàng có thêm nhiều sự lựa chọn”- ông Nguyễn Huy Cường, Giám đốc Siêu thị Vinatex Cần Thơ chia sẻ.

Song, để chiếm lĩnh thị trường nội địa và cạnh tranh với hàng ngoại ngay trên “sân nhà”, nhiều ý kiến cho rằng, doanh nghiệp hàng Việt phải tiếp tục cải tiến về chất lượng, giá cả; đồng thời, đáp ứng các tiêu chí khác như: xây dựng thương hiệu, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, thị hiếu của khách hàng Việt. Nếu sản phẩm Việt hội đủ các yếu tố trên, tin rằng người Việt Nam chắc chắn sẽ ưu tiên dùng hàng Việt Nam.

Bài, ảnh: MỸ THANH

Chia sẻ bài viết