05/11/2015 - 21:53

CÁC KHU CÔNG NGHIỆP CẦN THƠ

Sẵn sàng đón nhà đầu tư

* NGUYỄN HỮU PHƯỚC
Phó Trưởng Ban Quản lý
các Khu chế xuất và Công nghiệp Cần Thơ

Để TP Cần Thơ trở thành thành phố công nghiệp trước năm 2020 đóng vai trò động lực thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển của toàn vùng ĐBSCL, theo Nghị quyết số 45-NQ/TW ngày 17 tháng 2 năm 2005 của Bộ Chính trị, đòi hỏi TP Cần Thơ cần có những quyết sách chiến lược và khả thi để thu hút đầu tư, phát triển các khu công nghiệp (KCN) một cách hiệu quả nhất.

Hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật

Hiện nay, Các Khu chế xuất và Công nghiệp Cần Thơ có 220 dự án còn hiệu lực. Bao gồm: 208 dự án đang hoạt động, 5 dự án đang xây dựng, 7 dự án chưa triển khai; thuê 296,706ha đất công nghiệp, với tổng vốn đầu tư đăng ký là 1,957 tỉ USD; vốn đầu tư đã thực hiện 894,532 triệu USD, chiếm 45,7% tổng vốn đầu tư đăng ký. Trong đó, 198 dự án đầu tư trong nước (186 dự án đang hoạt động, 5 dự án đang xây dựng, 7 dự án chưa triển khai), với tổng vốn đầu tư đăng ký là 1,738 tỉ USD, vốn đầu tư thực hiện là 711,125 triệu USD, chiếm 40,92% vốn đăng ký; 21 dự án FDI đang hoạt động với tổng vốn đầu tư đăng ký là 198,388 triệu USD, vốn đầu tư thực hiện là 180,691 triệu USD, chiếm 91,08% vốn đăng ký; 1 dự án ODA đang hoạt động, vốn đầu tư 21,13 triệu USD, vốn thực hiện 2,715 triệu USD, chiếm 12,85% vốn đăng ký.

Đầu 1995, TP Cần Thơ chỉ có 1 KCN là Trà Nóc 1 (135ha), đến nay, TP Cần Thơ có 8 KCN, với tổng diện tích 2.272ha. Trong đó, KCN Trà Nóc 1, KCN Trà Nóc 2, KCN Thốt Nốt (giai đoạn 1) cơ bản lấp đầy. Còn lại các KCN khác đang giải tỏa bồi hoàn và tìm kiếm nhà đầu tư và chủ đầu tư dự án hạ tầng kỹ thuật KCN. Thời gian gần đây, kết cấu hạ tầng kỹ thuật trong các KCN Cần Thơ được quan tâm đầu tư hoàn thiện hơn, phục vụ tốt cho DN và nhà đầu tư đang hoạt động sản xuất, kinh doanh trong các KCN cũng như tạo sự hấp dẫn nhà đầu tư vào KCN trên địa bàn.

Một góc KCN Trà Nóc. Ảnh: T. LONG

Tại KCN Thốt Nốt, Tổng Công ty Tân Cảng Sài Gòn làm chủ đầu tư đã xây dựng Cảng Tân Cảng với quy mô gần 23.000m2 đất, bao gồm các hạng mục: cầu cảng 2.000DWT dài 75m và 1 bến sà lan 1.000 tấn, phạm vi khu nước của cảng có chiều dài đường bờ 282,3 m; bãi chứa hàng container và hàng tổng hợp rộng 12.648m2; văn phòng làm việc và các công trình phụ trợ khác, với tổng mức đầu tư gần 142 tỉ đồng (tương đương 6,6 triệu USD). Mục tiêu của dự án là thu gom, tập kết, thông quan hàng hóa của TP Cần Thơ và các tỉnh lân cận, như: An Giang, Kiên Giang, Đồng Tháp… cung cấp dịch vụ logisitics trọn gói cho tuyến đường thủy nối liền ĐBSCL – TP Hồ Chí Minh - Cái Mép (Bà Rịa - Vũng Tàu), góp phần giúp DN tiết kiệm thời gian và chi phí vận chuyển, bốc dỡ hàng hóa khi xuất nhập khẩu. Ngoài ra, Trung tâm Xây dựng Hạ tầng KCN Thốt Nốt đầu tư Hệ thống thoát và xử lý nước thải tập trung tại KCN Thốt Nốt với công suất 5.000m3/ngày - đêm, chia thành 2 giai đoạn, giai đoạn I: 2.500m3/ngày - đêm; tổng vốn đầu tư 44,923 tỉ đồng đã đưa vào hoạt động.

Đối với KCN Trà Nóc (1 và 2), nhà máy xử lý nước thải tập trung với công suất thiết kế là 12.000m3/ngày-đêm, tổng mức vốn đầu tư là 213 tỉ đồng, được xây dựng trên diện tích 20.000m2, trong đó diện tích xây dựng giai đoạn I là 10.400m2, đã hoàn thành giai đoạn I, công suất 6.000m3/ngày - đêm; tổng vốn đầu tư là 141 tỉ đồng, do Công ty cổ phần Xây dựng hạ tầng KCN Cần Thơ làm chủ đầu tư đã hoàn thành giai đoạn I đưa vào hoạt động, giúp việc thu gom, xử lý nước thải cho KCN Trà Nóc 1 và 2 được thuận lợi. Công nghệ xử lý của nhà máy bao gồm tổng hợp công nghệ xử lý sinh học, cơ học và hóa học của các nước công nghiệp phát triển thuộc khối G7; hệ thống thoát nước thải được thiết kế riêng biệt với hệ thống thoát nước mưa, nước thải sản xuất và nước thải sinh hoạt từ các DN trong KCN được xử lý cục bộ trước khi thoát ra hệ thống thu gom của KCN để về nhà máy xử lý. Sau khi xử lý đạt quy chuẩn QCVN 40: 2011, cột A được xả vào rạch Sang Trắng thoát ra sông Hậu.

Nhìn nhận thực lực và khả năng thu hút đầu tư

Thực tế thu hút đầu tư vào các KCN Cần Thơ trong những năm gần đây sụt giảm nghiêm trọng. Các DN kinh doanh hạ tầng KCN không còn được ưu đãi, khó tiếp cận nguồn vốn, nhất là vốn vay trung và dài hạn, nên không có nguồn để giải phóng mặt bằng và đầu tư hạ tầng kỹ thuật để có đất sạch cho thuê. Mặt khác, DN lo ngại trước tình hình khó khăn chung, nếu có đất sạch mà không có nhà đầu tư thuê thì DN không có khả năng tài chính thanh toán lãi vay ngân hàng, nên xảy ra tình trạng DN kinh doanh hạ tầng chờ có nhà đầu tư mới tiến hành giải phóng mặt bằng.

Dù vậy, TP Cần Thơ cũng có nhiều lợi thế trong khả năng thu hút đầu tư. Là thành phố trực thuộc Trung ương, Cần Thơ nằm ở trung tâm của vùng ĐBSCL, giữ đầu mối giao thông quan trọng cả về đường bộ, đường thủy và đường hàng không, thông thương với các tỉnh trong vùng và cả nước. Cần Thơ còn là thành phố giàu tiềm năng, thế mạnh cả về kinh tế - xã hội và an ninh, quốc phòng, là trung tâm động lực phát triển của cả vùng ĐBSCL. Những công trình trọng điểm mang tầm quốc gia đã và đang được Trung ương đầu tư trên địa bàn như: Sân bay Quốc tế Cần Thơ, cầu Cần Thơ, cảng Cái Cui, tuyến đường Nam sông Hậu, Trung tâm Nhiệt điện Ô Môn,… tạo động lực mới cho thành phố Cần Thơ thực sự là trung tâm động lực phát triển cả vùng.

Ngoài những chính sách ưu đãi chung của Chính phủ, như: danh mục công nghệ cao được ưu tiên đầu tư phát triển; danh mục sản phẩm công nghệ được khuyến khích phát triển và chính sách phát triển một số ngành công nghiệp phụ trợ, UBND TP Cần Thơ ban hành Quyết định số 07/2014/QĐ-UBND ngày 5-9-2014 về việc hỗ trợ đầu tư. Theo đó, đối với các dự án được hỗ trợ 20% lãi suất vay vốn đầu tư trung hạn và dài hạn của các tổ chức tín dụng và kinh phí hỗ trợ cho một dự án tối đa không quá 10 tỉ đồng đối với dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng các KCN: Hưng phú I, 2A,2B, Ô Môn và Bắc Ô Môn. Đối với các dự án đầu tư sản xuất kinh doanh trong các KCN thuộc nhóm ngành ưu tiên, nhóm ngành công nghiệp mũi nhọn có tổng vốn đầu tư từ 60 tỉ đồng/dự án trở lên được hỗ trợ 20% lãi suất vay vốn đầu tư trung hạn của tổ chức tín dụng. Kinh phí hỗ trợ cho một dự án không quá 2 tỉ đồng. Ngoài ra, nhà đầu tư còn được hỗ trợ về dịch vụ công, công tác bồi thường hỗ trợ, tái định cư…

Bên cạnh đó, UBND thành phố ban hành Quyết định số 1281/QĐ-UBND ngày 27-4-2015 về việc thành lập Tổ công tác xây dựng cơ chế chính sách đặc thù về thu hút đầu tư trên địa bàn thành phố. Và gần đây, UBND thành phố ban hành Quyết định số 2972/QĐ-UBND ngày 12-10-2015 về việc thành lập Tổ công tác khảo sát, đánh giá giá cho thuê đất tại các KCN trên địa bàn thành phố. Ban quản lý các Khu chế xuất và Công nghiệp Cần Thơ đã đôn đốc các đơn vị kinh doanh hạ tầng KCN tập trung, khẩn trương đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, xây dựng kết cấu hạ tầng KCN, chuẩn bị quỹ "đất sạch" sẵn sàng đón nhà đầu tư. Đồng thời, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các DN và nhà đầu tư về thủ tục hành chính bằng cách rút ngắn thành phần hồ sơ và thời gian đến mức thấp nhất có thể, thông qua cơ chế "một cửa tại chỗ". Cụ thể: cấp và điều chỉnh giấy đăng ký (chứng nhận) đầu tư; cấp, điều chỉnh chứng chỉ qui hoạch; cấp, điều chỉnh giấy phép xây dựng; thẩm định thiết kế cơ sở đối với dự án đầu tư nhóm B, C thuộc diện phải thẩm định; cấp giấy phép lao động cho người nước ngoài, cấp giấy chứng nhận hàng hóa mẫu D, thẩm định, phê duyệt báo cáo tác động môi trường.

Dự án mời gọi đầu tư vào KCN Thốt Nốt

KCN Thốt Nốt có diện tích 600 ha, thuộc địa bàn phường Thới Thuận, quận Thốt Nốt,

1. Vị trí: KCN cách trung tâm TP Cần Thơ 60km, nằm cạnh quốc lộ 91 và đường cao tốc nối liền từ TP HCM qua cầu Vàm Cống đi Kiên Giang, Campuchia, một mặt cặp sông Hậu, thuận tiện về giao thông thủy bộ. Là nơi tiếp giáp giữa các địa phương sản xuất nông nghiệp chủ lực của cả nước và vùng ĐBSCL gồm: An Giang, Đồng Tháp, Kiên Giang.

2. Hạ tầng: có cảng Tân Cảng với quy mô 23.000m2 , bao gồm các hạng mục: cầu cảng 2.000 DWT dài 75m,1 bến sà lan 1.000 tấn, phạm vi khu nước của cảng có chiều dài đường bờ 282,3m; bãi chứa hàng container và hàng tổng hợp rộng 12.648m2; văn phòng làm việc và các công trình phụ trợ khác; tạo mọi điều kiện cho DN tại KCN thu gom, tập kết, thông quan hàng hóa, cung cấp dịch vụ logisitics trọn gói, góp phần giúp DN tiết kiệm thời gian và chi phí vận chuyển, bốc dỡ hàng hóa khi xuất nhập khẩu.

KCN Thốt Nốt đã đầu tư hệ thống xử lý nước thải tập trung với công suất 5000m3/ngày-đêm, chia thành 2 giai đoạn, giai đoạn I= 2.500m3/ngày-đêm, tổng vốn đầu tư 44,923 tỉ đồng đã đưa vào hoạt động.

3. Ưu đãi: khi đầu tư dự án mới vào KCN Thốt Nốt, DN được miễn thuế TNDN 2 năm và giảm 50% số thuế phải nộp trong 4 năm tiếp theo.

Ngoài ra, DN còn được nhiều ưu đãi khác.

Chia sẻ bài viết