28/03/2024 - 12:31

Phụ huynh Trung Quốc nặng gánh nuôi con 

Trung Quốc là nước có chi phí nuôi dạy trẻ em gần như cao nhất thế giới, không chỉ về tiền bạc mà những phí tổn này còn bao gồm thời gian và cơ hội của các bậc làm cha mẹ.

Nuôi dạy một đứa trẻ ở Trung Quốc được thừa nhận rất tốn kém. Ảnh: NYT

Theo báo cáo của Viện Nghiên cứu dân số YuWa có trụ sở ở Bắc Kinh, chi phí trung bình để nuôi một đứa trẻ đến năm 18 tuổi ở Trung Quốc là 74.600 USD. Con số này cao gấp khoảng 6,3 lần GDP bình quân đầu người của Trung Quốc và vượt xa Nhật Bản (4,26 lần), Mỹ (4,11 lần), Pháp (2,24 lần) và Úc (2,08 lần). Hàn Quốc đứng đầu với chi phí cao gấp 7,79 lần GDP bình quân đầu người.

Chi tiêu cho giáo dục là yếu tố chủ chốt đẩy phí nuôi con ở Trung Quốc tăng cao, bởi hầu hết người dân coi học tập là con đường chính dẫn tới thành công. Điều này khiến áp lực cạnh tranh giữa các gia đình bắt đầu từ khi trẻ học mẫu giáo. Nếu ở nông thôn, phần lớn phụ huynh sẽ cố gắng cho con theo học trường quận thay vì trường làng hoặc ở thị trấn. Còn với người thành thị, các bậc cha mẹ sẽ tìm cách mua những căn hộ đắt tiền gần khu vực tốt nhất hoặc trả “phí chọn trường” để con được vào cơ sở trọng điểm.

Khi con cái 18 tuổi và có thể vào đại học, gia đình không có nghĩa vụ hỗ trợ tài chính nhưng hầu hết các bậc phụ huynh Trung Quốc đều gánh luôn khoản này. Bởi nhiều người tin tốt nghiệp từ trường đại học danh tiếng sẽ đảm bảo tương lai tươi sáng với tiền tài, địa vị và quyền lực. Trong bối cảnh Trung Quốc đang sụt giảm tỷ lệ sinh, những gia đình ít con càng có xu hướng tập trung nguồn lực vào việc nuôi dạy và giáo dục thế hệ tiếp theo.

Theo Tiến sĩ Zhao Litao tại Đại học Quốc gia Singapore, nuôi một sinh viên đại học làm tăng đáng kể gánh nặng tài chính của các gia đình Trung Quốc. Với một nhà ở nông thôn, chi tiêu cho sinh viên đại học chiếm tới 35% tổng chi tiêu của hộ gia đình. 

“Chi phí” không tên

Ngoài tài chính, báo cáo của Yuwa cho biết quá trình nuôi dạy con cái ở Trung Quốc còn “trả cái giá khá đắt” về thời gian và cơ hội đối với các bậc phụ huynh. Đặc biệt là người mẹ, bởi phụ nữ nước này vẫn đang chịu những bất lợi đáng kể từ phát triển nghề nghiệp đến gánh nặng việc nhà.

Theo khảo sát năm 2017, thiếu người chăm sóc gia đình là một trong 3 lý do hàng đầu khiến phụ nữ Trung Quốc trong độ tuổi sinh đẻ không muốn sinh thêm con. Báo cáo của YuWa còn liệt kê thêm “chi phí” khác mà những gia đình phải bỏ ra khi nuôi con là thời gian (nghỉ thai sản, thời gian trông và đón trẻ cũng như làm việc nhà). Sau khi làm mẹ, số giờ làm việc được trả lương của phụ nữ cũng bị giảm trong khi ở nam giới vẫn không đổi sau khi làm cha. Báo cáo do nền tảng tuyển dụng Zhaopin.com công bố vào đầu tháng 3 còn cho thấy, hơn 70% phụ nữ đi làm phải dành hơn 2 tiếng đồng hồ/ngày cho công việc nhà trong khi chưa đến một nửa nam giới làm như vậy. Ngoài hạn chế thời gian nghỉ ngơi của cả bố và mẹ, lương của phụ nữ cũng giảm khi có con. Theo đó, ở Trung Quốc, mỗi đứa trẻ được sinh ra đồng nghĩa lương của phụ nữ giảm từ 12% đến 17%. Nhiều bà mẹ còn bị buộc rời khỏi thị trường lao động do thiếu cân bằng trong vai trò về giới.

Tóm lại, báo cáo của YuWa xác định có nhu cầu cấp thiết ở cấp quốc gia về các chính sách giúp giảm chi phí sinh con, chẳng hạn như trợ cấp tiền mặt và thuế, cải thiện dịch vụ chăm sóc trẻ em, nghỉ thai sản và sinh con bình đẳng; tiếp cận với bảo mẫu nước ngoài, cho phép làm việc linh hoạt và trao cho phụ nữ độc thân quyền sinh sản giống người đã kết hôn. Trung Quốc cũng nên xét lại khoảng cách vai trò về giới trong môi trường làm việc và ở nhà. Cuối cùng, cần có sự thay đổi quan điểm xã hội về cách xác định thành công của một người với câu hỏi cạnh tranh khắc nghiệt trong giáo dục có đáng giá hay không.

MAI QUYÊN (Theo CNA)

Chia sẻ bài viết