11/02/2012 - 20:36

Xây dựng Đồ án điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng TP Cần Thơ đến năm 2030 và tầm nhìn 2050

Phát triển đô thị bền vững, khẳng định vị thế trung tâm vùng

Khu dân cư ở Nam Cần Thơ. Ảnh: T. KHIÊM 

Quy hoạch (QH) chung xây dựng TP Cần Thơ đã được Thủ Tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 207/2006/QĐ-TTg ngày 7/9/2006. Ngày 7-2-2012, các đồng chí lãnh đạo thành phố, các vị khách mời, các chuyên gian nước ngoài tham gia hội nghị báo cáo (lần thứ 4) đồ án điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng TP Cần Thơ đến năm 2030 và tầm nhìn 2050 do Phân viện QH đô thị Nông thôn Miền Nam (Bộ Xây dựng) phối hợp với chuyên gia QH Vương quốc Bỉ thực hiện. Tại hội nghị này, phóng viên Báo Cần Thơ đã ghi lại một số ý kiến của các đại biểu tham dự.

* Đồng chí Trần Thanh Mẫn, Bí thư Thành ủy TP Cần Thơ:
QH phát triển đồng bộ, xứng tầm đô thị trung tâm vùng ĐBSCL

- Trong điều chỉnh QH lần này, TP Cần Thơ là địa phương đầu tiên của ĐBSCL thuê chuyên gia tư vấn nước ngoài lập đồ án QH và phản biện với mục tiêu chọn tư vấn có kinh nghiệm - vừa tiếp cận được tri thức trong và ngoài nước. Với đồ án được nghiên cứu công phu này sẽ hạn chế tối đa việc điều chỉnh (thay đổi) trong tương lai và có giá trị sử dụng lâu dài. Tuy nhiên, đây là QH có định hướng lâu dài, có tính chất chủ động và cần có thời gian để phân kỳ đầu tư. Đồ án QH sẽ là cơ sở căn cứ triển khai thực hiện qua các thời kỳ, hạn chế tối đa chỉnh sửa. Đồ án sẽ thể hiện sự văn minh - hiện đại và đảm bảo tính phát triển bền vững. Đồ án QH phải khẳng định TP Cần Thơ là đô thị loại 1 trực thuộc Trung ương, trung tâm công nghiệp - thương mại - dịch vụ - du lịch - nông nghiệp chất lượng cao, trung tâm giáo dục, y tế, khoa học công nghệ, văn hóa thể thao. Trong đó, hệ thống giao thông là yếu tố quyết định bởi TP Cần Thơ là đầu mối giao thông quan trọng của vùng và quốc tế, là cửa ngõ đô thị để phát triển vùng sông Mê Công. Nghị quyết Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ 4 khóa XI khẳng định 5 sân bay quốc tế là: Đà Nẵng, Cần Thơ, Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và Khánh Hòa. Hiện tại sân bay quốc tế của Cần Thơ đón 3 triệu lượt khách/năm hướng tới 6 triệu lượt khách/năm. Năm 2050 sẽ QH mở rộng sân bay để phục vụ khi nhu cầu tăng lên. QH thành phố bên cạnh đảm bảo phát triển kinh tế - xã hội phải gắn liền với 2 nhiệm vụ xây dựng bảo vệ Tổ quốc và đảm bảo quốc phòng - an ninh. Các khu đô thị mới gần khu đô thị cũ, qua đó xác định khu tam giác để phát triển tốt đô thị. Cần xác định mô hình phát triển Cần Thơ đảm bảo đặc trưng đô thị sông nước vùng ĐBSCL, thành phố cây xanh, thành phố hạn chế bêtông cốt thép... Nghiên cứu đô thị mới bao gồm các trung tâm: tài chính, công nghệ sinh học, nông nghiệp... Ngoài ra, công tác quản lý xây dựng phải thực hiện nghiêm ngặt, chặt chẽ ở các khu đô thị mới, dựa vào QH để triển khai thực hiện đảm bảo mỹ quan đô thị - đô thị mới thật sự mới. Song song đó, cải tạo, chỉnh trang đô thị cũ hài hòa với các khu đô thị mới...

Tổng quan thành phố Cần Thơ.

* Ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Giám đốc Sở Quy hoạch Kiến trúc TP Hồ Chí Minh:
Khai thác đặc trưng và thế mạnh, phát triển đô thị bền vững

- So với đồ án QH chung TP Cần Thơ trước đây, đồ án chỉnh sửa lần này có nhiều điểm khác biệt. Điều này thể hiện bước đột phá tạo nên nét đặc trưng đô thị vùng sông nước mà ở các đô thị khác không có được. Trong đó, hệ thống chuỗi đô thị phù hợp với xu thế phát triển kinh tế - xã hội của thành phố. Yếu tố biến đổi khí hậu được đề cập và tính toán một cách khoa học trong đồ án góp phần phát triển đô thị theo hướng bền vững. Đồ án cũng thể hiện rõ nét việc hình thành trung tâm đô thị vùng phù hợp xu thế phát triển chung của cụm đô thị vùng ĐBSCL và phát triển tam giác TP Hồ Chí Minh - Cần Thơ - Phnom Penh.

Đề xuất “kéo” gần Ô Môn và Ninh Kiều - đô thị mới và trung tâm đô thị cũ

- Nên thiết lập một đô thị mới cách đô thị cũ 15km, sẽ bảo tồn hình thức QH bao quát với các “đô thị xâu chuỗi’’ nhưng được bổ sung với một tương quan đặc quyền ưu tiên giữa đô thị mới Ô Môn và trung tâm lịch sử Ninh Kiều.

Đề xuất kéo gần khu đô thị mới Ô Môn cách Ninh Kiều 15km và trong phạm vi ga tàu mới Ô Môn - Trà Nóc (theo đề xuất trong QH). Thuận lợi chính của phương án này: Ga mới gần Ninh Kiều; Nhà ga liên kết Trục đô thị chính và hệ thống kênh rạch. Đô thị mới Ô Môn ít cần phải bồi đắp (cao độ) hơn và không nằm trong khu vực không lưu. Các khu vực vườn cây được bảo tồn. Việc thiết lập Ô Môn thành đô thị hành chính và công thương cách trung tâm lịch sử Ninh Kiều 15km cho phép tạo ra một quan hệ chặt chẽ hơn giữa hai đô thị.

(Nhóm chuyên gia tư vấn phản biện thuộc Viện QH Lyon và Công ty DECO - Cộng hòa Pháp)

Để đem lại kết quả tốt nhất, theo kinh nghiệm làm QH của TP Hồ Chí Minh đã được Thủ tướng phê duyệt, khi làm QH đô thị phải tính toán dân số và tài chính hợp lý; trong đó, kinh tế đô thị cần được quan tâm. Việc đánh giá tác động môi trường, tìm ra các giải pháp ứng phó với biến đổi khí hậu là một công việc rất khó cần được thực hiện kỹ và làm rõ. Hệ thống giao thông đường bộ, đường sắt, đường hàng không, đường thủy thể hiện trong đồ án chỉnh sửa, tuy nhiên mối liên kết giữa các phương tiện giao thông này chưa được làm rõ. Đặc biệt, TP Cần Thơ cần quan tâm đến giao thông thủy, mô tả sâu và triệt để vừa tạo nét đặc trưng cho đô thị sông nước của thành phố vừa tạo điểm nhấn thu hút cho đô thị. Bởi TP Cần Thơ với đặc điểm địa hình sông nước, tiềm năng du lịch rất lớn. Bên cạnh đó, khi lập QH cần mô tả kỹ thực trạng hiện có và dự báo khả năng cho tương lai. Thông qua đánh giá, phân tích hiện trạng nêu bật những đặc trưng và thế mạnh của thành phố góp phần định hướng đô thị phát triển bền vững. Song song đó, công tác hoạch định chính sách, chiến lược phát triển, quy trình phát triển đô thị thể hiện chặt chẽ. Không nên phát triển nhiều dự án nhỏ lẻ ảnh hưởng đến sự phát triển đồng bộ của đô thị và chỉnh sửa QH nhiều lần.

T. TRINH -T. KHIÊM (thực hiện)

(Nhóm chuyên gia tư vấn phản biện thuộc Viện QH Lyon và Công ty DECO - Cộng hòa Pháp)

Chia sẻ bài viết