08/07/2024 - 21:57

Pháp trước viễn cảnh bế tắc chính trị 

Liên minh cánh tả giành được nhiều ghế nhất trong Quốc hội Pháp sau cuộc bầu cử vòng 2, nhưng đất nước hình lục lăng sẽ rơi vào bế tắc chính trị do không có đảng nào giành được đa số tuyệt đối.

Ông Jean - Luc Melenchon (giữa), lãnh đạo đảng cực tả LFI, nói rằng thủ tướng tiếp theo của Pháp phải được lựa chọn từ liên minh NFP. Ảnh: AP

Theo kết quả do Bộ Nội vụ Pháp công bố ngày 8-7, với 182 đại biểu, liên minh cánh tả Mặt trận Bình dân Mới (NFP) đã chiếm vị trí dẫn đầu.

Trong khi đó, liên minh trung dung “Cùng nhau” (Ensemble) của Tổng thống Emmanuel Macron, về nhì khi giành được 163 ghế so với 254 đại biểu trong cơ quan lập pháp cũ.

Mặc dù giành thắng lợi lớn ở vòng 1, nhưng đảng cực hữu Tập hợp Quốc gia (RN) của bà Marine Le Pen và các đồng minh chỉ có 143 ghế, rơi xuống vị trí thứ ba. Thất bại bất ngờ của phe cực hữu cho thấy chiến lược rút lui của “Mặt trận Cộng hòa”, mà nòng cốt chính là phe cánh tả thống nhất và phe của Tổng thống Macron, đã phát huy hiệu quả ngoài mong đợi. Tỷ lệ cử tri đi bầu ở vòng 2 là cao nhất trong hơn 20 năm khi người dân Pháp đến thùng phiếu để cho thấy họ không muốn phe cực hữu nắm quyền.

Kết quả kiểm phiếu khẳng định không có khối chính trị nào giành được ít nhất 289 ghế để tạo thành đa số tuyệt đối tại Quốc hội Pháp. Tuy nhiên, với thắng lợi hoàn toàn bất ngờ, NFP sẽ trở thành lực lượng chính trị lớn nhất trong cơ quan lập pháp khóa mới.

Đáng nói, do không có đa số tuyệt đối tại Quốc hội khóa mới nên Tổng thống Macron sẽ không bị buộc phải từ chức.

Mặc dù không đạt kết quả tốt ở vòng 2 như dự báo, song đây vẫn là một chiến thắng dành cho RN của bà Marine Le Pen khi đảng cực hữu này nhận được nhiều phiếu bầu hơn sau mỗi cuộc bỏ phiếu. RN từng chỉ có 8 ghế vào năm 2017, 89 ghế năm 2022, nhưng nay đã nhảy lên 125 ghế, trở thành đảng đơn lẻ lớn nhất trong Quốc hội Pháp gồm 577 ghế.

Thế nhưng, ông Macron, quốc hội và chính phủ mới tại Pháp được dự báo sẽ đứng trước nguy cơ lớn là không thể dễ dàng làm việc cùng nhau. Đài CNN nhận định nước Pháp sắp bước vào thời kỳ bất ổn kéo dài khi Quốc hội sẽ bị chia thành 3 nhóm chính, gồm cánh tả, trung dung và cánh hữu, với những ý tưởng và chương trình nghị sự đối nghịch.

Sau khi NFP giành đa số ghế tại vòng 2, Thủ tướng Pháp Gabriel Attal đã thông báo quyết định xin từ chức. Động thái từ chức dường như nhằm phản đối quyết định trước đó của ông Macron về việc kêu gọi bầu cử sớm.

Cựu Thủ tướng Pháp Edouard Philippe, đồng minh của ông Macron, cho biết canh bạc của chủ nhân Điện Élysée đã khiến tình hình thêm phức tạp. Ông Philippe cho rằng nước Pháp cần có một thỏa thuận để đảm bảo có được một chính phủ ổn định, đồng thời khẳng định ông sẵn sàng gánh vác trọng trách này và mời những người khác cùng tham gia.

Liên minh NFP đã lập tức bày tỏ mong muốn cầm quyền. Chủ trương của liên minh này là áp trần giá các mặt hàng thiết yếu như thực phẩm, nhiên liệu và nâng lương tối thiểu lên 1.600 euro/tháng, nâng lương cho công chức và áp thuế đối với giới nhà giàu, đồng thời loại bỏ cải cách hưu trí của ông Macron. Pháp đang thâm hụt ngân sách ở mức 5,5% tổng sản phẩm quốc nội (GDP), cao hơn mức cho phép theo quy định của Liên minh châu Âu.

HẠNH NGUYÊN (Tổng hợp)

 

Chia sẻ bài viết