05/10/2024 - 15:12

Hệ thống cống, van ngăn triều đã hạn chế được tình trạng ngập nghẹt đô thị trung tâm khi triều cường 

(CT) - Sáng 5-10, ông Nguyễn Ngọc Hè, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ, Phó trưởng ban Thường trực Ban Chỉ huy Phòng thủ dân sự - Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn (PTDS-PCTT&TKCN) thành phố và các sở, ngành chức năng, UBND các quận Ninh Kiều, Bình Thuỷ kiểm tra thực tế tình hình chống ngập lụt do triều cường và phòng, chống sạt lở trên địa bàn quận Ninh Kiều và quận Bình Thủy.

Công viên Ninh Kiều bị ngập do triều cường sáng 5-10, hạn chế người dân đến sinh hoạt, thể dục.

Khảo sát tại âu thuyền Cái Khế cho thấy hoạt động đóng mở cống ngăn triều được thực hiện nghiêm túc, bảo vệ nội ô quận Ninh Kiều, một phần quận Bình Thuỷ không bị ngập lụt do triều cường. Tình trạng ngập nghẹt ở khu dân cư An Thới (phường An Thới, quận Bình Thuỷ) cũng được hạn chế nhờ chính quyền địa phương và người dân xây dựng tường kè dọc sông Hậu, ngăn triều cường chảy tràn vào khu dân cư… Đoàn cũng đã khảo sát thực tế điểm đê bao cồn Sơn có nguy cơ sạt lở cao trong đợt triều cường này và sắp tới.    

Ông Nguyễn Ngọc Hè (thứ 2 từ trái sang) khảo sát tại khu dân cư An Thới. Tình trạng ngập nơi đây được hạn chế nhờ đã xây dựng tường kè. 

Ông Nguyễn Ngọc Hè đánh giá cao hiệu quả hoạt động của hệ thống cống, van ngăn triều, hạn chế được tình trạng ngập nghẹt đô thị trung tâm. Đồng thời, yêu cầu đơn vị quản lý thường xuyên túc trực, kiểm tra, vận hành có hiệu quả các âu thuyền, cống, van ngăn triều, trạm bơm để tiếp tục bảo vệ vùng lõi Ninh Kiều và một phần quận Bình Thuỷ trong các đợt triều cường sắp tới. Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ cũng thông tin thành phố đang trình Thủ tướng Chính phủ xem xét phê duyệt dự án chống ngập đô thị giai đoạn 2 bảo vệ quận Ninh Kiều và quận Bình Thuỷ an toàn trong các đợt triều cường. Các địa phương cần theo dõi diễn biến mưa, triều cường, thông tin đến các cấp chính quyền, người dân, nhất là vùng thấp, trũng ven sông để chủ động ứng phó; tiếp tục tổ chức trực ban 24/24 giờ trong các ngày triều cường lên cao, nắm chắc mọi tình hình có liên quan đến công tác phòng, chống, cứu hộ trên địa bàn; duy trì lực lượng ứng cứu, hướng dẫn giao thông tại các đoạn đường bị ngập sâu; tăng cường kiểm tra, gia cố đê bao, bờ bao bảo vệ vườn cây ăn trái, các cồn trên sông Hậu… Đối với điểm có nguy cơ sạt lở cao ở cồn Sơn, ông Nguyễn Ngọc Hè yêu cầu quận Bình Thuỷ có báo cáo đề xuất để thành phố hỗ trợ khắc phục, tránh tình trạng xấu xảy ra.

Ông Nguyễn Ngọc Hè (thứ 3 từ trái sang) kiểm tra và chỉ đạo khắc phục nguy cơ sạt lở tại cồn Sơn, quận Bình Thuỷ.

Đoàn công tác kiểm tra hoạt động đóng, mở cống ngăn triều tại âu thuyền Cái Khế, quận Ninh Kiều.

Đoàn công tác kiểm tra, khảo sát tại bộ phận quản lý, vận hành âu thuyền Cái Khế.

 

 

 

Nhờ tường kè được xây dựng, khu dân cư An Thới hạn chế ngập do triều. Những ngày triều cường, người dân vẫn tập thể dục vào buổi sáng như bình thường.

Theo Đài Khí tượng Thuỷ văn TP Cần Thơ, trong 2 ngày qua, mực nước trên các sông, rạch thuộc địa bàn TP Cần Thơ tiếp tục lên cao theo kỳ triều cường đầu tháng 9 âm lịch kết hợp với nước thượng nguồn đổ về. Mực nước cao nhất lúc 7 giờ ngày 5-10-2024 trên sông Hậu tại trạm thủy văn Cần Thơ đạt 2,03m, vượt báo động III là 0,03m. Mực nước đỉnh triều trên các sông rạch TP Cần Thơ còn tiếp tục lên cao và khả năng sẽ đạt đỉnh vào chiều 5-10. Đỉnh triều cao nhất tại trạm Cần Thơ trên sông Hậu trong đợt triều cường này lên cao và đạt mức từ 2,01-2,11m (cao hơn báo động III từ 0,01-0,11m). Thời gian xuất hiện mực nước đỉnh triều hằng ngày vào lúc sáng sớm 6-8 giờ và chiều tối lúc 18-20 giờ. Đây là đợt triều cường có đỉnh triều lên cao vượt mức báo động III, cần chú ý thời tiết xấu do ảnh hưởng của không khí lạnh gió mùa Đông Bắc tràn về, nên trong những ngày triều cường kết hợp với mưa lớn sẽ gây ngập trên diện rộng ở những khu vực trũng thấp, vùng nội ô ven sông của thành phố.

Tin, ảnh: HÀ VĂN

Chia sẻ bài viết