Ở Singapore, nơi dân số già hóa nhanh chóng và có văn hóa đề cao lòng hiếu thảo, nhiều người trung niên đang phải gồng gánh trọng trách chăm sóc cha mẹ đau yếu vì họ là con một.
Glenn Poh chuẩn bị đưa mẹ đến lớp học tại trung tâm TouchPoint. Ảnh: KUA CHEE SIONG
Như trường hợp của Glenn Poh, 44 tuổi, người đang chăm sóc người mẹ 74 tuổi Tan Sow Meng. Do mắc chứng sa sút trí tuệ ở người lớn tuổi (bệnh Alzheimer), trí óc bà Meng trở lại như trẻ nhỏ. Vì là con một, Poh phải tự vượt qua mọi khó khăn khi chăm sóc mẹ. “Bất cứ điều gì cần làm thì phải làm. Đó là vì tôi được nuôi dạy như thế”, Poh nói, cho biết thêm cha anh qua đời trước khi mẹ mắc bệnh.
Giống như Poh, cô Gail Lim - một giám đốc nhân sự 33 tuổi - cũng đang gánh vác trọng trách chăm sóc người mẹ hơn 60 tuổi. Từ cuối năm ngoái, mẹ cô đã mất khả năng đi lại và cần người hỗ trợ trong sinh hoạt hằng ngày. Tuy có người giúp việc, nhưng Lim thừa nhận vì bệnh tình của mẹ mà tinh thần cô có lúc không tốt, phải ngừng gặp bạn bè trong gần 5 tháng và căng thẳng hôn nhân với chồng.
Trong khi đó, Heron Khalid Goh, một cố vấn thuế 56 tuổi, đã từ bỏ sự nghiệp ở nước ngoài để trở về chăm sóc song thân. Hồi tháng 1-2021, người cha khi đó 86 tuổi của Goh phải vào phòng chăm sóc đặc biệt sau một cơn viêm phổi nghiêm trọng. Còn mẹ anh mắc chứng mất trí nhớ. Cuộc sống hằng ngày của Goh hiện chủ yếu xoay quanh việc nấu ăn, dọn dẹp và đưa cha mẹ đi khám bệnh.
Dữ liệu mà Straits Times thu thập cho thấy, có ít nhất 128.800 người là con một ở Singapore đang phụng dưỡng mẹ trên 50 tuổi vào năm 2023, cao gấp 3 lần so với con số 39.800 người hồi năm 2003. Các chuyên gia và nhân viên xã hội cảnh báo rằng nhóm này phải đối mặt với tình trạng căng thẳng tinh thần (stress) rất lớn, đồng thời gặp nhiều thách thức về sức khỏe, bao gồm bị kiệt sức.
Sự trợ giúp từ cộng đồng
Để giảm gánh nặng chăm sóc cha mẹ, nhiều người tìm đến sự trợ giúp từ cộng đồng. Trong hoàn cảnh của mình, Poh lựa chọn gửi mẹ đến trung tâm chăm sóc người cao tuổi TouchPoint để tham dự các buổi học “Happy Exercise” thường kéo dài 45 phút. Đây là hoạt động phổ biến hằng tuần tại TouchPoint, trong đó, học viên cao tuổi được cho tập luyện các động tác đơn giản cùng các bài tập nhận thức cơ bản như đếm ngược, nhằm cải thiện trí óc và thể chất. Thời gian mẹ học cũng là lúc Poh tranh thủ chạy việc vặt như mua hàng, giặt giũ hoặc dọn dẹp nhà.
Số khác thì chọn phương án sử dụng dịch vụ chăm sóc ban ngày và điều dưỡng tại nhà để giúp đỡ cha mẹ già yếu của mình. Như trường hợp của Robin Teo, 46 tuổi, người có cha 86 tuổi bị gãy xương hông, đang mắc nhiều bệnh mãn tính và mẹ 85 tuổi mắc chứng mất trí nhớ và phải sử dụng xe lăn để di chuyển. Mỗi sáng, anh thường chờ 2 dịch vụ vận chuyển khác nhau, gồm một dịch vụ đưa cha đến trung tâm St Luke's ElderCare và dịch vụ còn lại đưa mẹ đến Trung tâm Tembusu ở Eunos. Nhờ sự hỗ trợ chăm sóc đó, Teo có thể yên tâm đến công ty làm việc. Cha mẹ anh sau đó được đưa về nhà vào buổi tối để dùng bữa với con.
Không chỉ hỗ trợ chăm sóc cha mẹ đau yếu, nhiều dịch vụ còn hỗ trợ về mặt tinh thần cho chính những người con. Chẳng hạn, Caregivers Alliance Limited (CAL, một tổ chức phi lợi nhuận chuyên hỗ trợ người chăm sóc những bệnh nhân tâm thần), cung cấp chương trình đào tạo kéo dài 3 tháng nhằm giúp học viên rèn luyện các kỹ năng mềm khi chăm sóc người thân đau yếu - bao gồm kỹ năng giải quyết vấn đề sáng tạo và dành thời gian chăm sóc bản thân khi chăm sóc người khác.
NGUYỆT CÁT (Theo Straits Times)