06/10/2024 - 09:20

Giá trị của Lễ Tống phong ở Cần Thơ 

Lễ Tống phong hay còn gọi là Tống ôn, Tống gió, là một lễ tục đã có từ rất lâu đời của người dân Cần Thơ nói riêng, Nam Bộ nói chung. Lễ Tống phong được những người đi khai hoang đem theo trong quá trình mở mang bờ cõi về phương Nam, có cải biến ít nhiều cho phù hợp với điều kiện tự nhiên và xã hội nơi đây. Nghi lễ này không chỉ giúp cân bằng tâm lý ở góc nhìn tâm linh, mà còn giúp đoàn kết xóm làng ở góc nhìn xã hội, đồng thời có thể khai thác phát triển du lịch ở góc nhìn kinh tế.

Lễ Tống phong hay còn gọi là Lễ Cầu an hiện vẫn còn được duy trì ở nhiều ngôi miếu tại Cần Thơ. Ảnh: DUY KHÔI

Quá trình hình thành Lễ Tống phong

Lễ Tống phong có từ buổi đầu khai hoang mở cõi về phía Nam của Tổ quốc, lúc mới bắt đầu định hình chợ búa xóm làng. Lúc bấy giờ, sơn lam chướng khí còn nhiều, ao tù nước đọng, muỗi mòng rắn rết khắp nơi, là mầm mống gây bệnh cho con người. Trong khi đó, điều kiện y tế lại chưa phát triển, những bệnh thông thường của ngày nay trước kia cũng có thể gây tử vong. Chẳng những vậy, có những bệnh còn truyền nhiễm trong nhiều người, dẫn đến những trận dịch lớn. Do vậy, con người của thời buổi ấy cảm thấy bất lực trước hoàn cảnh đương thời, họ cho rằng những bệnh tật đó là do ma quỷ, do những người khuất mặt khuất mày… gây ra. Từ thực tế khắc nghiệt của thiên nhiên Nam Bộ ở buổi đầu khai phá, những người khẩn hoang bắt đầu có ý niệm về việc thờ phụng các vị thần để họ được vững tâm trong cuộc sống hằng ngày, theo quan niệm "ở đâu có bất trắc nguy hiểm, ở đó có thờ cúng và thực hành nghi lễ"(1).

Ngoài ra, dân gian tin rằng những người khi chết đi không được tế tự, bị đói lạnh nên thường lang thang trên trần gian gieo rắc mầm mống tai họa. Người Việt khi vào đến Nam Bộ đã chịu ảnh hưởng không ít từ văn hóa Nho giáo, Ðạo giáo và cả Phật giáo. Nho giáo chủ trương quỷ thần kính nhi viễn chi - nên kính nhưng không nên tiếp xúc; Phật giáo chủ trương từ bi - tìm cách để những cô hồn được siêu thoát; Ðạo giáo sử dụng phép thuật để chế ngự. Tất cả những điều này được tích hợp, dung hòa và thể hiện trong Lễ Tống ôn - Tống gió của người Việt ở Nam Bộ. Xuất phát điểm đầu tiên của nghi lễ này có thể bắt nguồn từ tín lý về linh hồn và sự cúng bái quỷ thần của người Việt ở Bắc Bộ. Khi người Việt dừng chân ở đất Thuận - Quảng và mở rộng lãnh thổ cả vùng Nam Trung Bộ, do tiếp xúc với biển và sinh sống bằng nghề biển - nghề luôn gặp những bất trắc, nguy hiểm từ biển - đã hình thành một nghi lễ thờ cúng giúp cộng đồng được an tâm sinh sống và nương nhờ vào biển. […] Người dân ở ÐBSCL tuy đa số không sống gần và nhờ vào biển, nhưng họ thường tụ cư gần sông, rạch hoặc gần nguồn nước để thuận lợi cho việc tưới tiêu. Mỗi năm, họ thường tổ chức cúng đình, hạ điền - đầu năm cầu mong sự thuận lợi và thượng điền cuối năm - tạ ơn thần linh, có lẽ vì thế mà Lễ Tống ôn thường được tổ chức đầu năm để nhằm cầu tống tiễn dịch bệnh, cúng những cô hồn xiêu lạc để họ không quấy phá vụ mùa. Cũng có thể nói, do sự ảnh hưởng của Phật giáo nên trong nghi Lễ Tống ôn - Tống gió ngày nay tích hợp luôn cả nghi lễ cầu an, cầu siêu và thường được tổ chức vào những ngày lễ lớn của Phật giáo như rằm tháng giêng, rằm tháng bảy(2).

Lễ Tống phong ở Cần Thơ

Lễ Tống phong - như đã nói - là nhằm xua đi những tai ương, dịch bệnh, đem lại sự bình an, may mắn cho con người nên lễ tục này được thực hiện ở hầu hết các địa phương trên địa bàn TP Cần Thơ. Theo quyển "Di sản văn hóa phi vật thể ở thành phố Cần Thơ" do Bảo tàng thành phố thực hiện, xuất bản năm 2019, hình thức và thời gian tổ chức lễ Tống phong ở Cần Thơ mỗi nơi có ít nhiều khác nhau; tuy nhiên về cơ bản lễ hội thường diễn ra như sau:

Ngày đầu tiên, dân làng tập trung tại một cơ sở tín ngưỡng dân gian của địa phương như đình hoặc miếu, để chuẩn bị một chiếc bè thủy lục - thường là mô hình chiếc ghe hoặc tàu đặt trên bè chuối; màu sắc, hình thức trang trí, kích thước lớn nhỏ tùy từng nơi. Trước khi làm bè phải cúng ghim lườn như đóng ghe thật để cầu làm được chiếc ghe tốt, có ý nghĩa giống như lễ xin động thổ cất nhà; sau đó trang trí cờ hoa thật tươi sáng, sinh động, bên trong mô hình ghe, tàu có đặt lư hương để cắm nhang, để đủ gạo, muối, bánh ngọt, trái cây, đặc biệt là một con gà luộc, ba chén cháo...; làm bè xong thì cúng an vị. Kể từ đó, các gia đình trong vùng mang gạo, muối (từng gói hoặc túi nhỏ) đến gửi vào trong bè. Vào buổi tối, bà con trong xóm ấp tập trung lại điểm lễ vui chơi, bàn chuyện làm ăn suốt cả đêm. Có nơi còn diễn ra hoạt động múa bóng rỗi (ở miếu thờ Bà Chúa Xứ) hoặc đờn ca tài tử thu hút sự tham gia của nhiều nghệ nhân dân gian và nhân dân trong vùng.

Tàu tống phong ở Miếu Bà Xóm Chài (quận Cái Răng) vào đầu năm Giáp Thìn 2024. Ảnh: DUY KHÔI

Vào ngày cuối của lễ hội, gần đến giờ thả bè, ở một số nơi, ban tổ chức cử một nhóm người đi vào các con rạch, ghé từng nhà nhận tượng trưng những nhúm gạo, muối của dân làng gửi gọi là "đi nghinh". Trước lúc đưa bè ra sông, dân làng nổi trống, mõ, đồng thời ban tế lễ thu gom đồ cúng gồm nhang đèn, vàng mã, vàng bạc, giấy tiền, gạo, muối, bánh mứt, trái cây, gà, thịt, cá... mỗi thứ một ít cho vào khoang bè để làm lộ phí và hành trang cho ôn binh và cô hồn các đảng vui vẻ lên đường, đi không trở lại. Sau đó, trai tráng khiêng bè đưa thả trực tiếp bến sông hoặc chuyển xuống ghe lớn đưa ra thả ngoài sông, với ước nguyện dòng nước sẽ mang đi tất cả những cái xấu. Theo tục lệ, những người khiêng bè phải đi thật nhanh đến điểm thả bè hoặc đến ghe lớn, tuyệt đối không dừng, không quay lại. Ðối với những nơi tổ chức đưa bè ra tận sông lớn như sông Hậu (thường gọi sông Cái) thường tổ chức thành đoàn ghe diễu hành trên sông. Trước bè có ghe của đoàn lân múa mở đường, hai bên bè cũng có ghe chở đoàn lân hộ tống, theo sau là ghe của ban tổ chức và hàng chục ghe xuồng của dân làng, đi đến giáp ranh vùng khác thì hội với đoàn ghe của địa phương đó cùng đưa bè ra cửa sông. Không khí lễ hội trên sông thật náo nhiệt bởi tiếng trống lân rộn ràng hòa cùng tiếng reo hò, cổ vũ của dân làng khiến cho mọi người vô cùng phấn khởi. Kết hợp cùng lúc người dân ở hai bên bờ sông lập bàn hương án trước nhà có nhang đèn, bánh mứt, trái cây, gạo, muối để cúng, nhà nào có điều kiện thì cúng thêm gà... Khi cúng đốt thêm một đống lửa bằng củi và lá cây khô sáng rực. Các gia chủ vừa cúng lạy vừa rắc muối, gạo vào lửa, cầu mong những người khuất mặt, người cai quản năm đó về chứng kiến lòng thành của họ rồi mang đi những xui rủi, đem lại những may mắn, bình yên cho xóm làng. Người dân tin tưởng rằng, sau khi thả nếu bè trôi thẳng, trôi nhanh không tắp vào bờ thì đó là hiện tượng cát tường, năm mới làm ăn sẽ phát tài, phát lộc. […] Trải qua thời gian, hiện nay, Lễ Tống phong ở TP Cần Thơ vẫn còn lưu giữ được nhiều yếu tố nguyên gốc cả phần lễ và phần hội. Tuy nhiên, quy mô và hình thức tổ chức lễ hội đã có ít nhiều giản lược so với trước đây hoặc kết hợp với một số nghi thức cúng lễ khác(3).

*

*     *

Có thể nói, Lễ Tống phong ở Cần Thơ được tổ chức quy mô nhất hiện nay là ở Miếu Bà Xóm Chài, thuộc phường Hưng Phú, quận Cái Răng; với nét độc đáo, hấp dẫn, có thể phát triển loại hình du lịch lễ hội. Vấn đề cần làm hiện nay là đẩy mạnh truyền thông mỗi khi lễ hội chuẩn bị diễn ra. Khi lễ hội diễn ra, vấn đề an ninh, trật tự cần được đảm bảo, làm sao cho du khách cảm thấy an tâm, an toàn. Trong quá trình hoạt động hội của Lễ Tống phong, có hoạt động tát nước và chọi sình vào nhau - đây là hoạt động vui nhộn, thú vị. Lễ Tống phong ở Miếu Bà Xóm Chài hiện nay không chỉ có người dân trên địa bàn Cần Thơ tham gia mà còn có sự tham dự của cư dân các tỉnh xung quanh và du khách đến Cần Thơ du lịch. Số lượng du khách đến tham gia lễ hội này mỗi năm mỗi đông. 

-----------------

(1) Trần Diễm Thùy (2019), "Nghi lễ tống ôn - tống gió của người Việt ở Ðồng bằng sông Cửu Long5", Trường Ðại học Ðồng Tháp, Tạp chí Khoa học số 39, tháng 8, tr.63

(2) Trần Diễm Thùy, Tlđd, tr.63-64.

(3) Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch thành phố Cần Thơ, Bảo tàng (2019), "Di sản văn hóa phi vật thể ở thành phố Cần Thơ", tr.12-16.

Trần Kiều Quang

 

Chia sẻ bài viết