Ngay sau khi Israel triển khai các cuộc không kích nhằm vào Lebanon, Trung Quốc đã nhanh chóng lên án hành động này của Tel Aviv.
Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị (giữa) trong cuộc gặp với 14 phe phái Palestine hồi tháng 7. Ảnh: EPA-EFE
Trong cuộc gặp với người đồng cấp Lebanon Abdallah Bou Habib bên lề cuộc họp Ðại Hội đồng Liên Hiệp Quốc tại thành phố New York (Mỹ), Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị cam kết Bắc Kinh sẽ đứng “về phía công lý và những người anh em Arab, bao gồm Lebanon”. “Chúng tôi luôn quan tâm tới diễn biến của tình hình khu vực, đặc biệt là vụ nổ thiết bị liên lạc gần đây ở Lebanon, và kiên quyết phản đối các cuộc tấn công bừa bãi nhằm vào dân thường” - ông Vương Nghị bày tỏ.
Theo tờ Al Jazeera, tuyên bố của ông Vương Nghị phản ánh những gì mà giới quan sát mong đợi từ Bắc Kinh kể từ khi cuộc chiến ở dải Gaza bắt đầu nổ ra cách đây gần một năm. Từ việc kêu gọi các bên ngừng bắn và thực thi “giải pháp 2 nhà nước” chỉ vài ngày sau khi phong trào Hồi giáo Hamas thực hiện cuộc tấn công nhằm vào Israel ngày 7-10 năm ngoái, Bắc Kinh cho thấy nước này đã “xích lại gần” Palestine nói riêng và thế giới Arab nói chung.
Tuy nhiên, trong bối cảnh các quốc gia như Mỹ, Pháp, Qatar và Ai Cập vừa tham gia các cuộc đàm phán nhằm giải quyết xung đột vừa duy trì mối quan hệ kinh tế sâu rộng với Israel, Trung Quốc còn kiềm chế, không tham gia trực tiếp vào cuộc chiến.
Do đó, giới phân tích cho rằng nỗ lực của Bắc Kinh nhằm đóng vai trò lớn hơn ở Trung Ðông phần lớn vẫn “mang tính biểu tượng” và chỉ ủng hộ các động thái chính sách ít rủi ro. Hana Elshehaby, trợ lý nghiên cứu chương trình chính sách đối ngoại và an ninh tại Hội đồng Trung Ðông về các vấn đề toàn cầu, cho rằng cách tiếp cận của Trung Quốc đối với cuộc xung đột phù hợp với chính sách của Bắc Kinh ở nước ngoài nói chung và Trung Ðông nói riêng. “Trung Quốc sẽ chỉ tham gia trong phạm vi có thể đạt được càng nhiều lợi ích càng tốt, chẳng hạn như củng cố hình ảnh toàn cầu của nước này, mà không phải chịu bất kỳ tổn thất nào trong quá trình đó. Bắc Kinh không muốn tạo ra bất kỳ kẻ thù nào trong khu vực” - bà Elshehaby nói với Al Jazeera.
Tuy nhiên, với sự thận trọng tương đối của mình, không có nghĩa là Trung Quốc không có gì để đóng góp cho khu vực. Bắc Kinh nhập khẩu lượng lớn dầu từ các nước trong khu vực như Saudi Arabia hay Iran, đồng thời vẫn tiếp tục giao dịch với Israel và đầu tư vào lĩnh vực công nghệ của Israel. Chưa kể, Trung Quốc còn có mối quan hệ hữu nghị với cả Thổ Nhĩ Kỳ, Ai Cập cũng như Maroc và Algeria. Chính sự linh hoạt của Trung Quốc đã giúp quốc gia Ðông Á này trở thành trung gian cho một thỏa thuận ngoại giao bất ngờ giữa Iran và Saudi Arabia hồi năm 2023 mặc dù phần lớn mọi thứ đã được Oman, Qatar và Iraq
“dọn đường”.
Ngoài ra, Trung Quốc cũng đã tăng cường sức mạnh kinh tế thông qua sáng kiến “Vành đai, Con đường”, đầu tư hơn 152 tỉ USD vào Trung Ðông và Bắc Phi trong giai đoạn 2013-2021. Và ngay cả khi không có ảnh hưởng của Mỹ tại khu vực, Trung Quốc vẫn có thể tự xoay xở để tạo ra những bước đột phá có khả năng giúp định hình mối quan hệ Israel - Palestine nói riêng và Trung Ðông nói chung trong tương lai. Chỉ trong năm qua, Trung Quốc đã 2 lần tập hợp 14 phe phái Palestine về thủ đô Bắc Kinh, trong đó gồm Fatah (tổ chức điều hành Chính quyền Palestine hiện nay) và phong trào Hồi giáo Hamas. Ðáng chú ý, trong cuộc gặp hồi tháng 7, nhiều phe phái đã ký “Tuyên bố Bắc Kinh”, đồng ý chấm dứt chia rẽ và tăng cường sự đoàn kết của người Palestine.
Gedaliah Afterman, Giám đốc Chương trình Chính sách châu Á tại Viện Abba Eban (Israel) cho rằng dù thỏa thuận trên phần lớn được coi là mang tính biểu tượng nhưng đã giúp Trung Quốc mở rộng ảnh hưởng tại khu vực, cũng như nâng cao hình ảnh của nước này, đồng thời làm suy yếu vị thế của Mỹ ở Trung Ðông.
TRÍ VĂN (Tổng hợp)