06/10/2024 - 07:03

Ðộ “tròn trịa” cơ thể - tiêu chí mới để đánh giá sức khỏe 

Theo các chuyên gia, Chỉ số tròn trịa cơ thể (BRI) đang nổi lên như một thước đo chính xác hơn về rủi ro sức khỏe so với Chỉ số khối cơ thể (BMI). 

Mỡ tích trữ ở vòng eo ảnh hưởng xấu hơn đến sức khỏe so với mỡ tích trữ ở khu vực khác. Ảnh: Shutterstock

Nhiều năm qua, BMI là thước đo được sử dụng rộng rãi để xác định mức độ mỡ cơ thể của một người, được tính bằng số cân nặng (kg) chia cho bình phương chiều cao (mét). BMI thường được dùng để đánh giá tình trạng cơ thể: gầy ốm, cân đối, thừa cân, béo phì và béo phì nghiêm trọng. Khác với BMI, BRI dựa vào chiều cao và chu vi vòng eo để đưa ra đánh giá chính xác hơn về phân bố mỡ cơ thể và rủi ro sức khỏe của một người.

Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng vị trí mỡ trên cơ thể có ảnh hưởng lớn hơn đến sức khỏe tổng thể so với tổng lượng mỡ cơ thể. Theo đó, lượng mỡ tập trung quanh phần giữa cơ thể và các nội tạng quan trọng có liên quan đến nguy cơ mắc bệnh tiểu đường, huyết áp cao và bệnh tim. Còn mỡ tích tụ ngay dưới da, ở các vùng như chân và mông, không liên quan nhiều đến nguy cơ sức khỏe.

Trong nghiên cứu đăng trên Tạp chí Hiệp hội Y khoa Mỹ, các chuyên gia tại Bệnh viện Nhi Bắc Kinh (Trung Quốc) đã đánh giá mức độ dự đoán khả năng tử vong của BRI, bằng cách xem xét dữ liệu từ hơn 320.900 người Mỹ trong thời gian 20 năm. Dựa trên chiều cao, cân nặng và chu vi vòng eo, những người tham gia được phân loại thành 5 nhóm với mức độ tròn trịa giảm dần. Sau khi loại trừ ảnh hưởng của các yếu tố khác, các chuyên gia nhận thấy nhóm có thân hình tròn trịa nhất có khả năng tử vong cao hơn 49% so với nhóm tròn trịa ở mức trung bình. Tương tự, một nghiên cứu khác từ Đại học Y khoa Nam Kinh chỉ ra rằng việc duy trì mức BRI cao liên tục trong 6 năm sẽ làm tăng tới 163% nguy cơ mắc các bệnh tim mạch như đau tim và đột quỵ.

AN NHIÊN (Theo Daily Mail)

Chia sẻ bài viết