Trong bối cảnh nhu cầu quốc phòng của châu Âu tăng, Hàn Quốc nổi lên như một nhà cung cấp vũ khí chính, tự khẳng định là đối tác quốc phòng uy tín, đáng tin cậy, sẵn sàng mở rộng hợp tác với các quốc gia ở nhiều khu vực khác nhau và xây dựng thương hiệu K-defense (Công nghiệp quốc phòng Hàn Quốc) độc đáo của nước này.
Xe tăng chiến đấu chủ lực “Báo đen” K2 của Hàn Quốc hiện được nhiều nước săn đón. Ảnh: AFP
Là một phần trong sáng kiến “quốc gia quan trọng toàn cầu” của chính quyền Tổng thống Yoon Suk Yeol, Hàn Quốc đã tăng cường quan hệ ngoại giao, chính trị với các quốc gia ở các khu vực, gồm cả các nước châu Âu. Giữa lúc mối quan hệ đôi bên ngày càng sâu sắc và mở rộng, hợp tác trong lĩnh vực quốc phòng nổi lên như một lĩnh vực chiến lược cho cả hai bên, đặc biệt là sau khi Nga phát động “chiến dịch quân sự đặc biệt” tại Ukraine.
Sau khi xung đột Nga - Ukraine nổ ra, xuất khẩu quốc phòng sang châu Âu tăng đáng kể. Điều đó được thể hiện qua việc châu Âu năm 2022 quyết định tăng ngân sách quốc phòng thêm 62 tỉ USD. Một phần số tiền này “chảy” vào túi các công ty quốc phòng Hàn Quốc như Hanwa Aerospace hay Hyundai Rotem Co.. Và “nhờ” cuộc xung đột mà Hàn Quốc mạo hiểm thâm nhập vào Đông Âu, một thị trường mới ngoài các khu vực truyền thống như châu Á, Trung Đông.
Đến nay, các quốc gia tại khu vực như Ba Lan, Romania và Estonia đã trở thành khách hàng thân thiết của các công ty chế tạo vũ khí Hàn Quốc. Theo ước tính, Hàn Quốc trong năm ngoái xuất khẩu thiết bị quốc phòng trị giá lên tới 13 tỉ USD sang Ba Lan, qua đó thúc đẩy tiềm năng sản xuất quốc phòng của Seoul, thu hút sự chú ý lớn hơn đối với ngành công nghiệp quốc phòng của quốc gia Đông Á này tại khu vực.
Nhờ thỏa thuận mua vũ khí khổng lồ nói trên, Ba Lan tăng cường hơn nữa quan hệ đối tác với Hàn Quốc và có ý định ký kết thêm nhiều thỏa thuận quốc phòng với Seoul. Đổi lại, Hàn Quốc hiện là nhà đầu tư châu Á lớn nhất tại Ba Lan và đang đặt mục tiêu tăng cường quan hệ song phương, mở rộng sang các lĩnh vực mới như năng lượng hạt nhân, pin và phát triển cơ sở hạ tầng. Trong cuộc phỏng vấn gần đây với tờ South Korean Daily, một bộ trưởng của Ba Lan cho biết Warsaw coi “Hàn Quốc là đối tác chính trong việc tăng cường năng lực răn đe và quốc phòng của Ba Lan, đặc biệt là trong các lĩnh vực hiện đại hóa, đồng sản xuất, bảo trì, dịch vụ và sửa chữa”. Tuy nhiên, thành công này của Hàn Quốc chỉ giới hạn ở các nước Đông Âu và một ít quốc gia Trung Âu. Ngược lại, Tây Âu đã chứng tỏ là thị trường đầy khó khăn đối với Seoul do sự hiện diện của các cường quốc công nghiệp quốc phòng như Đức, Pháp.
Ngoài việc xuất khẩu các hệ thống vũ khí quan trọng, Hàn Quốc còn đặt mục tiêu gắn kết chiến lược của nước này vào chuỗi cung ứng sản xuất quốc phòng toàn cầu; định vị mình là đối tác, nhà cung cấp đáng tin cậy và là một bên tham gia chiến lược toàn cầu, nâng cao vị thế trong mắt các đồng minh như Mỹ và các đối tác chiến lược tại châu Âu.
TRÍ VĂN (Tổng hợp)