06/10/2024 - 09:20

Chính trường Nhật Bản khởi động kỷ nguyên cải cách 

Với quyền lực không phe đối lập nào vượt qua, đảng Dân chủ Tự do (LDP) lãnh đạo Nhật Bản gần như liên tục trong 69 năm qua. Nhưng chính sự thống trị kéo dài đã góp phần vào thái độ thờ ơ của cử tri hiện nay khi nhiều người tự hỏi liệu nhóm tinh hoa chiếm 1% dân số có thực sự mang tính đại diện hay không, cũng từ đó thúc đẩy yêu cầu “thanh lọc” LDP và khởi động kỷ nguyên cải cách chính trị mới.

Tân Thủ tướng Ishiba.Ảnh: News.az

Chiến thắng kịch tính của cựu Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Shigeru Ishiba trong cuộc bỏ phiếu bầu lãnh đạo LDP vừa qua cho thấy đảng này đang bị chia rẽ sâu sắc nhất trong gần 7 thập niên cầm quyền. Là một trong những chính trị gia được yêu thích ở Nhật Bản, "người ngoài cuộc" như ông Ishiba được đánh giá có vị thế tốt nhất để thuyết phục công chúng, giúp LDP lấy lại lòng tin của cử tri. "Tôi muốn LDP trở thành một đảng tuân thủ các quy tắc, là lực lượng chính trị bảo vệ đất nước và người dân Nhật Bản" - ông Ishiba phát biểu. Nhiều người còn kỳ vọng nhiệm kỳ của tân Thủ tướng Ishiba sẽ mở ra kỷ nguyên mới cho đảng cầm quyền. Nhưng xét tới bất ổn chính trị kéo dài từ đấu đá nội bộ, giới phân tích cảnh báo sẽ không có thay đổi lớn nào, đặc biệt khi ông Ishiba cũng là chính trị gia LDP "thế hệ thứ 2" giống người tiền nhiệm Fumio Kishida.

Đa quan điểm và sự thờ ơ của cử tri

Năm 1955, nhiều phe phái bảo thủ Nhật Bản đã sáp nhập và lập ra LDP nhằm ngăn sự trỗi dậy của đảng Xã hội chủ nghĩa được cho thân thiết với Liên Xô. Từ sự hậu thuẫn của Mỹ, LDP lên nắm quyền và được ví như "lá chắn" trước ảnh hưởng của Liên Xô ở châu Á trong Chiến tranh Lạnh. Ngay từ khi thành lập, LDP đã ủng hộ sửa đổi điều khoản trong Hiến pháp hòa bình sau Chiến tranh Thế giới thứ 2. Kể từ đó, đảng này lớn dần đến nay với sự hiện diện của nhiều hệ tư tưởng khác nhau, từ chủ nghĩa an ninh diều hâu, dân tộc cánh hữu cho tới bảo thủ ôn hòa. Nhưng tựu chung lại vẫn là niềm tin vào nền quốc phòng mạnh mẽ và chủ nghĩa bảo thủ xã hội.

Theo Giáo sư Yu Uchiyama thuộc Đại học Tokyo, đa dạng quan điểm khiến gắn kết trong đảng có phần lỏng lẻo nhưng cũng linh hoạt tạo ra không gian cho các thành viên bày tỏ ý kiến bất đồng. Vấn đề lâu nay của LDP là thiếu đa dạng về giới, khi phụ nữ chiếm chưa tới 10% trong số các nhà lập pháp. Ngoài ra, xuất thân từ các gia đình chính trị giàu có khiến nhiều lãnh đạo khó nắm bắt tình trạng chênh lệch gia tăng trong xã hội, cũng như không thấu hiểu những chật vật mà người dân đối mặt. Ở nhóm cử tri trẻ tuổi, những người vốn quan tâm các vấn đề tiến bộ như nhân quyền, bình đẳng giới hoặc quyền của cộng đồng người đồng tính (LGBTQ), họ hầu như không cảm nhận được lợi ích của mình trong đội ngũ lãnh đạo của đảng cầm quyền.

Cho nên, sau hàng loạt vụ bê bối gây quỹ chính trị, rất nhiều người không hài lòng với LDP càng thêm khao khát sự thay đổi. Dù vậy, chuyên gia chính trị Shiro Sakaiya cho rằng ngờ vực này không đồng nghĩa người dân tin tưởng và coi các đảng đối lập là giải pháp thay thế. Thực tế trên đã được chứng minh khi LDP bị đảng Dân chủ Nhật Bản (DPJ) đánh bại vào năm 1993 và trong giai đoạn 2009-2012. Dù được kỳ vọng cao, chính phủ do DPJ lãnh đạo không có thành tích ấn tượng nào, đặc biệt sau những khó khăn về kinh tế và cách xử lý sai lầm sau trận động đất và sóng thần năm 2011.

Thách thức cho nỗ lực cải cách chính trị

Chính trường Nhật Bản có thể chứng kiến ​​sự thay đổi trong nhiệm kỳ của Thủ tướng Ishiba khi ông từng lên tiếng chỉ trích chính sách kinh tế dưới thời cố Thủ tướng Shinzo Abe, đồng thời 2 lần thách thức ông Abe trong tranh cử lãnh đạo LDP. Các cuộc khảo sát gần đây cũng cho thấy người dân rất lạc quan vào chính phủ mới của Thủ tướng Ishiba, đặc biệt khi nội các được xây dựng với phần lớn những gương mặt không bị ảnh hưởng bởi bê bối quỹ chính trị.

Theo giới quan sát đánh giá, tân Thủ tướng Nhật Bản sẽ không có "kỳ trăng mật" khi ông cần gấp rút ổn định nội bộ đang chia rẽ trước cuộc tổng tuyển cử ngày 27-10. Trước mắt, để củng cố lòng tin của cử tri, Thủ tướng Ishiba đã loại bỏ cựu Thủ tướng Taro Aso vốn có phe nhóm liên quan vụ bê bối quỹ đen khỏi ghế Phó Chủ tịch đảng. Mặt khác, ông bổ nhiệm một số đồng minh và nhà lập pháp có kinh nghiệm làm việc trong chính phủ trước đây, bao gồm nhân vật thân tín với cựu Thủ tướng Fumio Kishida và cựu Thủ tướng Yoshihide Suga. Trong số những lựa chọn này là cựu Bộ trưởng Quốc phòng Takeshi Iwaya và Chánh văn phòng Nội các Yoshimasa Hayashi. Gây bất ngờ hơn là quyết định bổ nhiệm một trong 8 đối thủ trong cuộc đua lãnh đạo LDP, ông Katsunobu Kato làm Bộ trưởng Tài chính khi chính phủ mới nỗ lực ban hành các biện pháp kinh tế nhanh nhất có thể để giải quyết tình trạng giá cả tăng cao.

Nội các mới của Nhật Bản. Ảnh: Jiji

Đáng chú ý, Thủ tướng Ishiba đề nghị đưa bà Sanae Takaichi, thân tín của cố Thủ tướng Abe vào vị trí cấp cao trong đảng nhưng bị từ chối. Diễn biến này cho thấy bất đồng nội bộ chưa thể hóa giải và có thể gây khó khăn cho chính phủ mới trong cuộc chiến "giành linh hồn" của LDP sau hơn 2 năm ông Abe bị ám sát. Hiện tại, những người bảo thủ muốn tiếp tục theo đuổi kế hoạch "tăng cường sức mạnh quốc gia toàn diện" của ông Abe thông qua nhiệm vụ tái thiết nền kinh tế, hỗ trợ các ngành công nghiệp chiến lược và củng cố năng lực quốc phòng. Trong khi đó, ông Ishiba muốn LDP tính toán sòng phẳng hơn về "di sản" của cố Thủ tướng Abe, bao gồm tình trạng bất bình đẳng và sự thống trị làm suy yếu niềm tin của công chúng vào nền dân chủ Nhật Bản. Tân Thủ tướng Ishiba tin rằng những điều trên khiến chính phủ khó hoàn thành các sáng kiến ​​cải cách đảng, quản lý thâm hụt ngân sách và cải thiện ngoại giao với các nước láng giềng.

Trong tình thế bị kìm kẹp ở mọi phía, ông Ishiba không chỉ đối phó với phe cánh hữu trong chính LDP mà còn đối mặt với cánh đối lập dần lớn mạnh do cựu Thủ tướng Yoshihiko Noda lãnh đạo. Trước những thách thức này, "vũ khí" lớn nhất của Thủ tướng Ishiba là sự ủng hộ của công chúng đối với tầm nhìn lý tưởng xây dựng chính phủ vì mục tiêu cải thiện cuộc sống người dân. Để thành công, giới chuyên môn cho rằng chính trị gia 67 tuổi phải vận dụng mọi nguồn lực và khả năng để huy động dư luận, kể cả những kinh nghiệm từ sách lược "phẫu thuật nước Nhật" của cựu Thủ tướng Junichiro Koizumi. Ông tin rằng giao tiếp cởi mở và trung thực là điều kiện để người dân Nhật đứng về phía mình, thậm chí giải quyết các cuộc đấu đá nội bộ và thách thức từ đối thủ phe đối lập.

Bản chất chính trị ở Nhật Bản

Ðảng Công Minh  theo truyền thống là đồng minh với LDP. Vì thế, hệ thống chính trị Nhật Bản thực chất được xem là hệ thống một đảng chiếm ưu thế. Sự thống trị lâu dài của LDP trong hệ thống chính trị đã định hình sâu sắc bản chất chính trị ở Nhật Bản. Một hệ thống phe phái rất phức tạp hình thành trong nội bộ LDP, các cuộc xung đột, thường rất gay gắt đã xảy ra chủ yếu trong LDP hơn là giữa các đảng chính trị khác. Ðiều này ảnh hưởng đến hoạt động của cả Quốc hội Nhật Bản. Các phe phái trong LDP dựa trên các cá nhân có thế lực, thường là thành viên kỳ cựu của LDP, nhiều người trong số họ là cựu thủ tướng hoặc là người có khả năng trở thành thủ tướng trong tương lai. Số lượng và quy mô của các phe phái liên tục thay đổi. Các chuyên gia Nhật Bản cho rằng phe phái đang trở thành một hình thức kiểm soát quyền lực của đảng cầm quyền, xuất hiện từ ngay trong nội bộ đảng.

Trong khi đó hiện nay, đảng đối lập chính tại Nhật Bản là đảng Dân chủ Lập hiến, một đảng tự do và tiến bộ về mặt xã hội. Ðảng này được thành lập vào cuối năm 2017 từ các thành viên thiên tả của đảng Dân chủ, trước đây là đảng lớn thứ hai của Nhật Bản, đã bị giải thể. Lãnh đạo của đảng này là ông Yoshihiko Noda, từng làm Thủ tướng giai đoạn 2011-2012. 

MAI QUYÊN (Theo Nikkei, Japan Times)

Chia sẻ bài viết