06/10/2024 - 16:00

Nhật Bản chật vật giải quyết vấn nạn “sói đơn độc” 

Thông tin Nhật Bản lập đơn vị chuyên trách chống khủng bố theo kiểu “sói đơn độc” phản ánh mối đe dọa đáng lo ngại ở đất nước vốn có tỷ lệ tội phạm thấp nhất thế giới. Tuy nhiên, hiệu quả của nỗ lực này vấp phải nghi ngờ khi nhiều chuyên gia cảnh báo bản chất biệt lập của những kẻ tấn công như vậy sẽ khiến việc truy lùng và ngăn chặn cực kỳ khó khăn.

Hiện trường xưởng phim Kyoto Animation bị tấn công năm 2019. Ảnh: SCMP.

Dẫn các nguồn tin, tờ Japan Times cho biết Sở Cảnh sát Thủ đô Tokyo (MPD) sẽ cơ cấu lại Cục An ninh Công cộng, tăng cường khả năng thu thập thông tin để ngăn chặn khủng bố và các tội phạm nghiêm trọng. Ðến tháng 4-2025, MPD sẽ lập bộ phận mới chuyên điều tra và truy lùng những kẻ khủng bố kiểu “sói đơn độc”. Ðơn vị mới ngoài tận dụng các kỹ thuật tiên tiến còn hợp nhất thông tin những cá nhân nghi ngờ cực đoan do Cục Ðiều tra Hình sự, Cục Cảnh sát Cộng đồng và các đơn vị khác thu thập, từ đó nhanh chóng can thiệp trước khi bạo lực xảy ra.

Bất ổn gia tăng “bệnh lý xã hội”

Những năm gần đây, sự gia tăng trở lại của mô hình tấn công có chủ đích do cá nhân không liên quan bất kỳ tổ chức nào thực hiện đã dấy lên tâm lý bất an trong dân chúng Nhật. Một trong những sự kiện gây bàng hoàng hơn hết là cái chết của cựu Thủ tướng Shinzo Abe khi bị ám sát trên đường phố năm 2022. Gần 8 tháng sau, Thủ tướng Fumio Kishida may mắn thoát chết sau khi bị một thanh niên tấn công bằng bom khói. Thủ phạm của 2 vụ tấn công trên đều là người bình thường, không thuộc bất kỳ nhóm cực đoan nào và động cơ cũng không mang tính ý thức hệ.

Tờ Le Monde cho rằng các vụ tấn công nhắm vào nhân vật chính trị cấp cao thực chất là triệu chứng của một bệnh lý xã hội đang trở nên đáng lo ngại ở đất nước có danh tiếng là quốc gia an toàn như Nhật Bản. Trong một phân tích, người sáng lập tổ chức nghiên cứu Criminal Justice Future có trụ sở tại Tokyo, Shinichi Ishizuka cho rằng cá nhân hoặc nhóm khủng bố nơi khác thường có động cơ chính trị hay tôn giáo. Chúng hành động để gửi thông điệp tới chính phủ hoặc xã hội. Trong khi đó, những “con sói đơn độc” ở Nhật là người trẻ tuổi, đang bất mãn thậm chí tuyệt vọng với thế giới mà họ cho là ruồng bỏ mình. Tách biệt khỏi xã hội và luôn cảm thấy cuộc sống vô vọng, những người này coi hành vi bạo lực như hình thức “tự sát kéo dài” và là cách duy nhất thể hiện sự tồn tại.

Ngoài ra, theo nghiên cứu của Viện Nghiên cứu Tội phạm và Tư pháp Liên Hiệp Quốc, đặc điểm chung giữa những kẻ tấn công đơn độc này ở Nhật Bản còn bao gồm lòng tự trọng thấp, xu hướng đổ lỗi cho các yếu tố bên ngoài về những thất bại cá nhân cũng như gặp khó khăn về tài chính. Vụ ám sát cựu Thủ tướng Abe là ví dụ điển hình khi kẻ thủ ác Tetsuya Yamagami khai nhận y ra tay do tức giận về mối quan hệ giữa ông Abe với Giáo hội Thống nhất, một tổ chức mà mẹ y sùng bái và quyên góp rất nhiều tiền khiến gia đình trở nên túng quẫn.

Không riêng chính trị gia, các quan chức Nhật khá đau đầu khi nhiều “con sói đơn độc” nhắm vào những đối tượng dễ tổn thương, chẳng hạn như vụ kẻ tấn công Mamoru Takuma có tiền án về hành vi phạm tội và phản xã hội xông vào Trường Tiểu học Ikeda ở tỉnh Osaka, dùng dao đâm các học sinh khiến 8 trẻ em thiệt mạng và 15 trẻ khác bị thương hồi năm 2001. Năm 2008, Tomohiro Kato, 25 tuổi, đã lái xe tải lao vào đám đông ở quận Akihabara trước khi nhảy ra ngoài và tấn công người qua đường bằng dao. Vụ việc khác nữa là vào năm 2019, Shinji Aoba, 42 tuổi, đã đốt phá xưởng phim Kyoto Animation khiến 36 người thiệt mạng và 34 người bị thương.

Theo nhà nghiên cứu Ishizuka, có những điểm tương đồng giữa các vụ tấn công trên nhưng vẫn khó giải thích được hiện tượng này ở Nhật Bản. Vì vậy, những nỗ lực ngăn chặn gần đây của lực lượng chức năng là rất đáng hoan nghênh nhưng vẫn còn nhiều rào cản. Trước hết, bản chất biệt lập khiến việc kiểm soát các vụ tấn công đơn độc là rất khó. Ngoài ra, quy định hiện hành về quyền riêng tư cũng có thể cản trở sự can thiệp hiệu quả của cơ quan thực thi pháp luật.

MAI QUYÊN (Theo SCMP)

Chia sẻ bài viết