06/10/2024 - 07:03

Nhức nhối nạn khai thác mỏ trái phép ở châu Phi 

Các hoạt động khai thác vàng bất hợp pháp quy mô nhỏ, còn được gọi là “galamsey”, đang tàn phá môi trường của Ghana và tạo ra những hậu quả nguy hiểm cho hàng triệu người dân, nhất là ở nông thôn. Đáng lo là hành vi này rất phổ biến ở châu Phi.

Một nhóm khai thác vàng trái phép ở Ghana.   Ảnh: News Ghana

Tổng thống Ghana Nana Akufo-Addo từng cam kết chấm dứt nạn “galamsey” khi ông nhậm chức hồi năm 2017. Nhưng bất chấp nhiều sáng kiến ​​của chính phủ, việc thực thi pháp luật vẫn kém hiệu quả. Hoạt động khai thác trái phép vẫn tiếp diễn trên khắp Ghana, làm suy yếu tiềm năng nông nghiệp và sức khỏe cộng đồng vì làm các con sông bị ô nhiễm bởi hóa chất độc hại.

Trước thực trạng nguy hiểm đó, nhiều nhà hoạt động tại các cộng đồng bị ảnh hưởng đang tìm cách hành động khẩn cấp. Giáo sư Paul Poku Sampene Ossei đã lên tiếng ủng hộ lệnh cấm hoàn toàn mọi hình thức “galamsey”. Nghiên cứu của nhóm ông cho thấy những thiệt hại do hoạt động này gây ra đã chuyển từ mức “xấu” thành “xấu hơn”. Như tại quận Bibiani-Anhwiaso-Bekwai, một trung tâm khai thác bất hợp pháp ở phía Tây Ghana, nhóm ông phát hiện sự hiện diện của các kim loại nặng (bao gồm xyanua, asen và thủy ngân) trong nhau thai của phụ nữ mang thai. Đây là tình trạng có thể khiến trẻ sơ sinh bị dị tật bẩm sinh.

Ông Erastus Asare Donko, nhà báo chuyên điều tra về môi trường tại Ghana, cho biết hầu hết các con sông lớn trên khắp nước này đều bị ô nhiễm nghiêm trọng. Dữ liệu của Ủy ban Tài nguyên Nước Ghana cho thấy mức độ đục của nước sông được ghi nhận từ 500-14.000 NTU. Được biết, độ đục cao nghĩa là nước có nhiều hạt màu lơ lửng. Mức độ khuyến nghị cho nước uống không được vượt quá 5 NTU.

Theo một báo cáo của Swissaid (tổ chức phi lợi nhuận tập trung vào viện trợ phát triển của Thụy Sĩ), mỗi năm có 321-474 tấn vàng của châu Phi được sản xuất thông qua khai thác thủ công và quy mô nhỏ không khai báo, với tổng giá trị ước tính từ 24-35 tỉ USD. Phần lớn số vàng được tuồn qua thành phố Dubai ở Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE), trước khi được chuyển sang các nước khác. Số vàng buôn lậu ra khỏi châu Phi đã tăng gấp đôi trong giai đoạn 2012-2022 và vẫn trên đà tăng tiếp.

Theo nhà báo Donko, nguyên nhân đằng sau việc các lực lượng đặc nhiệm chống “galamsey” của Chính phủ Ghana hoạt động không hiệu quả là do những người nắm quyền lực có liên quan đến hoạt động phi pháp này. Ông Donko tiết lộ đã thấy “những nhân vật có ảnh hưởng chính trị và người trong chính phủ” tham gia vào hoạt động khai thác trong các khu bảo tồn rừng. Nên khi quân nhân được triển khai đến những địa điểm này, họ thường bị các viên chức chính phủ chuyển hướng, ngăn cản thực hiện nhiệm vụ.

Chuyên gia phân tích Enoch Randy Aikins tại Viện Nghiên cứu An ninh (ISS) cho biết hoạt động khai thác khoáng sản bất hợp pháp cũng đang lan tràn ở Nam Phi, trong khi người nước ngoài, giới chính trị gia và những người có tầm ảnh hưởng là những người thúc đẩy vấn nạn này.

Trong khi đó, một báo cáo của Tổ chức Cảnh sát Quốc tế (Interpol) về hoạt động khai thác vàng bất hợp pháp ở Trung Phi cho biết bản thân thợ mỏ là những nạn nhân nằm ở dưới cùng của chuỗi phạm tội này. Bởi họ thường là người yếu thế, phải đánh đổi sự an toàn của bản thân để lấy cơ hội mong manh thoát cảnh đói nghèo. Trong số thợ mỏ thủ công châu Phi, phụ nữ chiếm 50% và trẻ em chiếm 10%. Còn kẻ đứng đầu chuỗi này là một số trùm buôn bán lớn, các nhóm tội phạm có tổ chức, các nhân vật chính trị và kinh tế cấp cao, cũng như các nhóm vũ trang phi nhà nước ở các khu vực xung đột.

NGUYỆT CÁT (Theo DW)

 

Chia sẻ bài viết