11/04/2008 - 09:26

Phải hướng tới chuyên nghiệp hóa

Cuối tháng 3 đầu tháng 4-2008, đồng chí Trương Tấn Sang, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Trung ương Đảng, đã có chuyến công tác đến một số tỉnh ĐBSCL để khảo sát về tình hình phát triển kinh tế- xã hội, đặc biệt là tình hình nông nghiệp, nông thôn và nông dân. Trong chuyến công tác này, đề cập đến vấn đề cấp bách đang đặt ra cho nền sản xuất hàng hóa của vùng ĐBSCL, đồng chí Trương Tấn Sang đã nhấn mạnh: “Cần tập trung chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, làm sao để nâng cao hơn nữa lợi nhuận trên cùng diện tích. Phải đẩy mạnh việc ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất để tăng năng suất, giảm giá thành, hướng tới nền sản xuất hàng hóa, chuyên canh, quy mô lớn gắn với chế biến và xuất khẩu”. Vấn đề tập trung hình thành vùng sản xuất lớn theo hướng chuyên canh đang là nhiệm vụ cấp bách được đặt ra hiện nay ở ĐBSCL.

Hàng năm, ĐBSCL cung cấp lượng lúa gạo, thủy sản, trái cây lớn nhất nước và đóng góp khoảng 23% trong GDP cả nước. Thế mà, đến nay, người dân ĐBSCL nói chung, nông dân ĐBSCL nói riêng, vẫn có mức sống thấp hơn so với nhiều vùng kinh tế khác trong nước. Mỗi nông dân thu nhập cao nhất chỉ có 1,3 triệu đồng/tháng, người có thu nhập thấp nhất là 175.000 đồng/tháng. Gặp thiên tai, hoạn nạn, nhiều nông dân dễ lâm vào cảnh khó khăn, thiếu đói.

Nông dân ĐBSCL nhìn chung còn sản xuất nhỏ lẻ, tự phát; chưa có kiến thức kinh doanh; mức độ ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong canh tác còn hạn chế, chất lượng sản phẩm thấp, sản phẩm chưa đa dạng... Theo tiến sĩ Nguyễn Văn Sánh (Viện Nghiên cứu phát triển ĐBSCL), hiện có 65% nông dân nghèo do không theo kịp sự thay đổi của kinh tế -xã hội trong cơ chế thị trường; thiếu vốn, kiến thức kỹ thuật, mất đất (do nhiều nguyên nhân). Trong khi đó, nhiều địa phương lại thiếu sự liên kết để phát triển kinh tế - xã hội toàn vùng. Việc đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng cho ĐBSCL thời gian qua còn bất cập (nhất là ở vùng sâu, vùng xa), chưa tương xứng với tiềm năng và mức đóng góp của ĐBSCL cho cả nước; đầu tư còn dàn đều, chưa đồng bộ, tiến độ thi công nhiều công trình trọng điểm quá chậm, chưa phát huy tốt hiệu quả. Đến nay, đầu tư cho nông nghiệp vẫn còn quá thấp (chỉ chiếm khoảng 4% ngân sách mỗi tỉnh). Nhà nước chưa định hướng được thị trường tiêu thụ nông sản, nông dân vẫn phải tự “bơi” để tìm đầu ra cho nông phẩm... Tình trạng này kéo dài hàng chục năm qua đã làm cho vùng này không theo kịp cả nước nhiều mặt.

Trên thực tế, ĐBSCL chưa có một qui hoạch tổng thể để phát triển có hệ thống với các giải pháp hữu hiệu. Áp lực cao từ hoạt động mưu sinh của hơn 18 triệu dân và yêu cầu chung của cả nước về an ninh lương thực, cộng với những hạn chế về kỹ thuật công nghệ, quản lý, nhất là hạn chế về kiến thức sinh thái học, môi trường học đã đưa nền kinh tế ĐBSCL phát triển nặng về chiều rộng mà thiếu chiều sâu, chạy theo số lượng nên chất lượng, hiệu quả không cao.

Chất lượng sản phẩm lúa gạo, trái cây, thủy sản ở ĐBSCL gần đây tuy có được nâng lên nhưng chưa được kiểm soát, ảnh hưởng đến việc tăng thị phần và giá trị xuất khẩu. Gạo xuất khẩu của ĐBSCL chủ yếu là loại gạo 15 - 25% tấm; gạo 5% tấm không nhiều và gạo thơm thì 2 năm gần đây mỗi năm chỉ xuất được vài trăm ngàn tấn. Lượng trái cây chất lượng cao xuất vào thị trường khó tính như châu Âu gần như bằng không, chỉ một lượng nhỏ được xuất sang một số nước châu Á. Rất nhiều nông dân hiện vẫn còn “chạy theo đuôi thị trường”, cây con gì có giá thì ồ ạt phát triển. Hậu quả là rơi vào khủng hoảng thừa, rớt giá và bị thua lỗ.

Làm gì để nông sản nước ta và ĐBSCL được vững vàng trên thị trường trong và ngoài nước khi Việt Nam đã trở thành thành viên WTO? Nhiều nhà khoa học kiến nghị: Nhà nước cần tập hợp nông dân vào hợp tác xã nhiều hơn nữa; đầu tư mạnh hơn và ưu tiên cho việc cải tiến các chương trình giáo dục, đào tạo cho nông dân, công nhân và nhà quản lý, nhất là kiến thức và kỹ năng phù hợp với xu thế hội nhập kinh tế quốc tế...

Theo đồng chí Trương Tấn Sang: Muốn tăng sức cạnh tranh trong thời kỳ hội nhập phải quy hoạch đất đai thật tốt và có định hướng phù hợp dài hạn đến năm 2020. Đối với xây dựng nông thôn mới, phải gắn với nông dân mang đậm bản sắc văn hóa của vùng sông nước Cửu Long. Đầu tư nông thôn phải hiện đại, đường sá, nhà cửa khang trang; đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho người dân nông thôn.

VĨNH TƯỜNG

Chia sẻ bài viết