26/04/2012 - 21:53

Ông Lê Ngọc Bảy, Cục trưởng Cục Thống kê, Phó Trưởng ban Chỉ đạo Tổng điều tra cơ sở kinh tế, hành chính, sự nghiệp năm 2012 TP Cần Thơ:
Cần phối hợp nhịp nhàng để cuộc điều tra thành công

 

Cùng với cả nước, TP Cần Thơ đã và đang tập trung cho công tác Tổng điều tra cơ sở kinh tế, hành chính, sự nghiệp (gọi tắt là Tổng điều tra) - thực hiện theo Quyết định số 1271/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 27 –7-2011 về việc tổ chức Tổng điều tra năm 2012. Ông Lê Ngọc Bảy – Cục Trưởng Cục Thống kê TP Cần Thơ, Phó trưởng ban chỉ đạo Tổng điều tra, đã trả lời phỏng vấn Báo Cần Thơ xoay quanh cuộc Tổng điều tra này.

* Xin ông cho biết rõ hơn về mục đích, ý nghĩa của cuộc Tổng điều tra năm 2012, nhất là đối với TP Cần Thơ?

- Mục đích chung của cuộc Tổng điều tra nhằm đánh giá sự phát triển về số lượng cơ sở, lao động, mức độ ứng dụng công nghệ thông tin, cơ cấu và sự phân bổ các cơ sở, lao động theo từng địa phương... đáp ứng nhu cầu về quản lý của Nhà nước nói chung và của từng địa phương nói riêng.

TP Cần Thơ là trung tâm của vùng ĐBSCL, tập trung nhiều cơ sở kinh tế, đơn vị hành chính, sự nghiệp của cả Trung ương, vùng và địa phương; có tốc độ phát triển nhanh cả về quy mô, số lượng, đa dạng về loại hình, ngành kinh tế... Vì thế, kết quả của cuộc Tổng điều tra năm 2012 sẽ phản ánh bức tranh đa dạng về sự phân bố tổng thể các cơ sở kinh tế, hành chính, sự nghiệp, sự phân bổ lực lượng lao động trong các ngành kinh tế của địa phương. Số liệu của cuộc Tổng điều tra sẽ giúp lãnh đạo địa phương có cơ sở để đánh giá kết quả những chính sách quản lý, những mặt tích cực, sự phát triển không ngừng của các loại hình doanh nghiệp, các cơ sở kinh tế tư nhân, cá thể; tình hình thu hút vốn đầu tư; chất lượng nguồn nhân lực trong các thành phần kinh tế của địa phương trong thời gian qua... Từ đó giúp lãnh đạo địa phương có những chính sách trong quản lý, điều hành để xây dựng TP Cần Thơ thực sự trở thành một thành phố động lực của ĐBSCL.

* Công tác chuẩn bị cho cuộc Tổng điều tra năm 2012 này như thế nào, thưa ông?

- Cục Thống kê TP Cần Thơ đã phối hợp với các sở, ngành có liên quan... tiến hành thành lập Ban chỉ đạo (BCĐ), tổ thường trực các cấp đúng thời gian, đúng thành phần nhằm đảm bảo tổ chức, chỉ đạo các bước công việc của cuộc Tổng điều tra tại các địa phương.

Hoạt động sản xuất tại DNTN Cơ khí Sông Hậu. Ảnh: T. LONG 

Đây là cuộc Tổng điều tra quy mô lớn, phức tạp với đối tượng điều tra bao gồm toàn bộ các cơ sở thuộc hai lĩnh vực sản xuất, kinh doanh và hành chính sự nghiệp (trừ các cơ sở thuộc ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản đã tiến hành Tổng điều tra nông thôn, nông nghiệp và thủy sản năm 2011). Vì vậy, ngoài việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền trên hệ thống đài phát thanh địa phương thông qua đĩa CD, tài liệu hỏi đáp, dán pano, áp phích, tờ rơi ở những nơi tập trung các doanh nghiệp như khu công nghiệp, trung tâm thương mại..., TP Cần Thơ đẩy mạnh công tác tập huấn cho các đối tượng có liên quan. Theo đó, thành phố đã hoàn thành lớp tập huấn cấp thành phố triển khai Quyết định số 1271/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ; quán triệt nội dung, kế hoạch Tổng điều tra, tập huấn phương án, các quy trình, nội dung các phiếu điều tra cho BCĐ, tổ thường trực cấp quận, huyện, giám sát viên và điều tra viên cấp thành phố.

Đến ngày 18-4, thành phố hoàn thành toàn bộ các lớp tập huấn tại quận, huyện cho 129 thành viên BCĐ, tổ thường trực cấp quận, huyện; 170 thành viên BCĐ phường, xã, thị trấn, 85 điều tra viên điều tra doanh nghiệp; 18 giám sát viên cấp quận, huyện. Đến ngày 27-4, thành phố hoàn thành các lớp tập huấn cho điều tra viên cấp xã, phường, thị trấn với nội dung: hướng dẫn lập danh sách khối hành chánh sự nghiệp, cá thể, tôn giáo... Ngoài ra, BCĐ thành phố hướng dẫn BCĐ các quận, huyện trưng tập điều tra viên, tổ trưởng để chuẩn bị cho lớp tập huấn thứ 3 trong tháng 6 năm 2012...

* Từ 1-4 đã khởi động thu thập thông tin cho cuộc Tổng điều tra năm 2012. Ông có thể cho biết đến nay, công tác điều tra này đã tiến hành như thế nào?

- Tổng điều tra năm 2012 được triển khai theo hai giai đoạn: Giai đoạn 1 bắt đầu từ ngày 1-4 với đối tượng điều tra là khối doanh nghiệp. Giai đoạn 2 từ ngày 1-7 với khối cơ sở hành chính, sự nghiệp, kinh doanh cá thể và khối tôn giáo, tín ngưỡng.

Ngay sau khi kết thúc lớp tập huấn tại thành phố, BCĐ các quận, huyện đã triển khai ngay công tác điều tra doanh nghiệp, giai đoạn 1. Do thời gian điều tra chỉ có 60 ngày (từ 1-4 đến 31-5) nên phương pháp thu thập chủ yếu là cử điều tra viên trực tiếp tiếp cận doanh nghiệp để phỏng vấn ghi phiếu hoặc hướng dẫn ghi phiếu. Đến ngày 18 - 4, theo báo cáo của các giám sát viên cấp thành phố được phân công tại quận, huyện và báo cáo tiến độ của các Chi cục, các điều tra viên đã tiếp xúc phỏng vấn thu phiếu hoặc gửi phiếu đến hầu hết doanh nghiệp được phân công. Theo báo cáo của các Chi cục, trong quá trình triển khai tại doanh nghiệp đã có những trường hợp không tìm thấy. Số doanh nghiệp này đến thời điểm 31-12-2011 còn hoạt động nhưng đến nay đã ngừng hoạt động, giải thể, phá sản nhưng lại thuộc đối tượng điều tra trong Tổng điều tra. Đây là khó khăn lớn nhất trong quá trình thực hiện giai đoạn 1...

* Giai đoạn điều tra khối cơ sở hành chính sự nghiệp, kinh doanh cá thể và khối tôn giáo, tín ngưỡng (giai đoạn 2). Cục Thống kê thành phố đã chuẩn bị như thế nào, thưa ông?

- Trên cơ sở danh sách nền do BCĐ Trung ương gửi về, kết hợp với các dữ liệu từ cuộc điều tra cá thể 1-10-2011 và điều tra “khắc phục chênh lệch GDP giữa Trung ương và địa phương” cùng các nguồn số liệu khác..., BCĐ thành phố yêu cầu khi kết thúc lớp tập huấn thứ 2 ở quận, huyện (dự kiến ngày 27-4) sẽ tiến hành công tác lập danh sách thực tế tại các địa bàn đảm bảo đúng quy trình lập danh sách. Công việc này phải kết thúc trước ngày 10-5-2012 tại xã, phường; ngày 15-5-2012 tại quận, huyện và trước 25-5-2012 có báo cáo về BCĐ trung ương, phục vụ việc chọn mẫu và dự toán kinh phí giai đoạn 3.

* Ngoài các yếu tố về chuyên môn, nghiệp vụ..., theo ông, còn những yếu tố nào để đảm bảo cuộc Tổng điều tra năm 2012 thành công?

- Cuộc Tổng điều tra này có liên quan đến nhiều lĩnh vực, nhiều ngành. Do đó cần có sự phân công và phối hợp nhịp nhàng, tránh trường hợp chỉ coi đây là công việc của ngành Thống kê. Công tác Tổng điều tra là công tác trọng tâm trong năm và có sự tham gia của cả hệ thống chính trị, của doanh nghiệp và nhân dân, UBND thành phố đã ban hành Chỉ thị số 05/CT-UBND ngày 16 tháng 3 năm 2012 về việc thực hiện cuộc Tổng điều tra để lãnh đạo, chỉ đạo tới các cấp, các ngành, các doanh nghiệp của địa phương. Vì đối tượng của cuộc Tổng điều tra rất đa dạng nên rất cần tăng cường công tác tuyên truyền để các đối tượng được điều tra hiểu rõ mục đích, ý nghĩa của Tổng điều tra mà có sự hợp tác trong cung cấp thông tin chính xác, kịp thời, đầy đủ...

* Xin cảm ơn ông!

THANH LONG (thực hiện)

Chia sẻ bài viết