23/07/2017 - 15:37

Xúc tiến đầu tư Cần Thơ – Hàn Quốc

Nỗ lực nâng tầm

Quan hệ hợp tác đầu tư giữa Việt Nam và Hàn Quốc ngày càng phát triển. Đặc biệt, khi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Hàn Quốc  (VKFTA) được ký kết, Hàn Quốc được xác định là một trong các đối tác trọng điểm trong đẩy mạnh thu hút đầu tư nước ngoài. Tại TP Cần Thơ, Hàn Quốc đứng đầu trong 20 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư tại thành phố. Cùng với những chính sách thu hút đầu tư, Vườn ươm Công nghệ Công nghiệp Việt Nam- Hàn Quốc (KVIP) tại Cần Thơ được xem là một trong những tiền đề thuận lợi thúc đẩy hợp tác giữa hai bên. 

Chủ tịch UBMTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn (thứ ba từ trái qua) cùng lãnh đạo thành phố tham quan Trung tâm 
thương mại LOTTE Mart Cần Thơ.

 

Đối tác trọng điểm

Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư TP Cần Thơ, tính đến hết tháng 6-2017, trên địa bàn thành phố có 9 dự án có vốn đầu tư từ Hàn Quốc với tổng vốn đầu tư 247 triệu USD, đứng đầu trong 20 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư tại thành phố. Đặc biệt, với hai dự án lớn: Công ty TNHH Trung tâm thương mại LOTTE Mart Việt Nam, Chi nhánh Cần Thơ vốn đầu tư khoảng 62,3 triệu USD và Dự án Nhà máy sản xuất bán thành phẩm giày thể thao do Công ty Tae Kwang Industrial Co., Ltd làm chủ đầu tư với tổng vốn là 171,48 triệu USD đang triển khai xây dựng, sau khi hoàn thành dự kiến sẽ giải quyết một lượng lớn việc làm cho người dân và đẩy mạnh kim ngạch xuất khẩu của thành phố. Ông Hong Won Sik, Tổng Giám đốc LOTTE Mart Việt Nam, nhận định: "TP Cần Thơ được Tập đoàn LOTTE Hàn Quốc đánh giá cao và xác định đây là thị trường trọng điểm của vùng ĐBSCL. Sau 2 năm hoạt động, LOTTE Mart Cần Thơ là một trong những chi nhánh hoạt động khá hiệu quả, được người tiêu dùng địa phương ủng hộ, điều đó chứng minh rằng sự nhận định của doanh nghiệp là đúng. Trong tương lai, chúng tôi sẽ tiếp tục đầu tư cho LOTTE Mart Cần Thơ nhằm mang đến nhiều chính sách ưu đãi cũng như những trải nghiệm cho khách hàng khi mua sắm, vui chơi giải trí tại đây".

Một trong các dự án thể hiện mối quan hệ hợp tác đầu tư giữa TP Cần Thơ và Hàn Quốc góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương là dự án KVIP (hoạt động tháng 12-2015), tổng mức đầu tư hơn 21 triệu USD. Dự án  đã và đang hỗ trợ các doanh nghiệp trong nước nghiên cứu phát triển các ý tưởng, cụ thể hóa thành sản phẩm, hàm lượng công nghệ cao; đồng thời thu hút các doanh nghiệp, bao gồm doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, đặc biệt là doanh nghiệp, nhà đầu tư Hàn Quốc đăng ký tham gia ươm tạo công nghệ. Cuối năm  2016, tại KVIP, Hiệp hội Lương thực lúa gạo Hàn Quốc khánh thành Văn phòng đại diện tại Việt Nam. Ông Kim Nam Doo, Chủ tịch Hiệp hội, cho rằng: Việc đưa vào hoạt động Văn phòng của Hiệp hội tại Việt Nam nhằm thúc đẩy hơn nữa sự hợp tác của những doanh nghiệp gia công thực phẩm Hàn Quốc và Việt Nam. Hy vọng Văn phòng đóng vai trò quan trọng trong phát triển thành công hơn nữa ngành thực phẩm của hai nước. Theo kế hoạch hoạt động, Văn phòng sẽ kết nối, cung cấp thông tin cho các hội viên của Hiệp hội về thị trường, cơ cấu phân phối, thực trạng nông sản nguyên liệu thực phẩm, khuynh hướng công nghiệp thực phẩm tại Việt Nam. Đồng thời, Văn phòng đóng vai trò là cầu nối hợp tác giao thương, tạo phương án hợp tác trên kỹ thuật và vốn giữa doanh nghiệp thực phẩm Hàn Quốc và Việt Nam nói chung, vùng ĐBSCL và TP Cần Thơ nói riêng.

TP Cần Thơ đang trên đà phát triển với tốc độ tăng trưởng kinh tế 12,19%/năm. Năm 2016 doanh thu bán lẻ đạt hơn 95.624 tỉ đồng, tốc độ tăng trưởng bình quân trung bình 9,5%; giá trị sản xuất công nghiệp tốc độ tăng trưởng 10%. Ngoài ra, với các điều kiện tự nhiên thuận lợi cho phát triển nền nông nghiệp nhiệt đới, nông sản hàng hóa chất lượng cao như: lúa gạo, trái cây, gia súc, gia cầm, thủy sản nước ngọt,… có tính cạnh tranh, tạo nguồn nguyên liệu ổn định cho công nghiệp chế biến, nguồn hàng hóa cung cấp cho các chợ, siêu thị và cho xuất khẩu. Từ những lợi thế đó, ông Hwang Eun Sik, Chủ tịch Hiệp hội Thương mại Hàn Quốc (KTC), khẳng định: TP Cần Thơ là thị trường tốt, nhiều tiềm năng để các đối tác Hàn Quốc hợp tác đầu tư. Hy vọng, từ những nỗ lực xúc tiến của hai bên ngày càng có nhiều nhà đầu tư Hàn Quốc đến làm ăn tại đây, cũng như hàng hóa của TP Cần Thơ ngày càng nhiều trên đất nước Hàn Quốc.  

Để thu hút nhiều nhà đầu tư Hàn Quốc

Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư TP Cần Thơ, nhằm thu hút nhà đầu tư Hàn Quốc, TP Cần Thơ đang áp dụng 2 chính sách ưu đãi gồm: Quyết định số 07/2014/QĐ-UBND bao gồm hỗ trợ về thuê đất, hỗ trợ lãi suất sau đầu tư và hỗ trợ công tác bồi thường và tái định cư; và Quyết định 22/2016/QĐ- UBND ngày 18 tháng 7 năm 2016 về việc ban hành chính sách khuyến khích xã hội hóa giảm tiền thuê đất đối với các hoạt động trong lĩnh vực giáo dục, y tế, văn hóa, thể thao, môi trường và giám định tư pháp.

Doanh nghiệp Hàn Quốc giới thiệu sản phẩm tại Hội thảo Xúc tiến đầu tư vào TP Cần Thơ và Giao lưu kết nối doanh nghiệp Việt Nam – Hàn Quốc do Hiệp hội Doanh nghiệp TP Cần Thơ phối hợp với KTC tổ chức tại TP Cần Thơ.

 

Ông Nguyễn Minh Toại, Giám đốc Sở Công thương TP Cần Thơ, cho rằng: Trong lĩnh vực công thương, các doanh nghiệp của hai địa phương chưa khai thác hết tiềm năng và thế mạnh của nhau, còn chênh lệch cán cân thương mại quá cao. Do đó, để tăng cường quan hệ thương mại giữa doanh nghiệp TP Cần Thơ và Hàn Quốc thời gian tới, cần khai thác hiệu quả KVFTA. Theo đó, các doanh nghiệp cần chủ động và tích cực hơn trong tìm kiếm thông tin về thị trường Hàn Quốc để sản xuất các sản phẩm chế biến, sản phẩm công nghiệp đáp ứng yêu cầu của Hàn Quốc. Bên cạnh đó, cần tìm hiểu đối với các thiết bị, công nghệ, sản phẩm công nghiệp của Hàn Quốc có thế mạnh, giá cạnh tranh để trang bị đầu tư đổi mới công nghệ sản xuất, góp phần giảm chi phí, nâng cao cạnh tranh và góp phần cân bằng cán cân thương mại. Đối với doanh nghiệp Hàn Quốc, cần có chiến lược tìm hiểu, thâm nhập thị trường và xây dựng thương hiệu lâu dài để cạnh tranh với các mặt hàng đã được ưa chuộng từ các quốc gia khác trên địa bàn thành phố. Đặc biệt, TP Cần Thơ rất có tiềm năng trong việc đầu tư các hệ thống, trung tâm thương mại đa chức năng, đáp ứng nhu cầu mua sắm, vui chơi của người dân.

 

6 tháng đầu năm 2017, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của TP Cần Thơ vào Hàn Quốc đạt 4,2 triệu USD. Kim ngạch nhập khẩu hàng hóa Hàn Quốc vào TP Cần Thơ đạt 2,1 triệu USD. Hiện có 15 doanh nghiệp của TP Cần Thơ có quan hệ xuất nhập khẩu với thị trường Hàn Quốc. Các mặt hàng xuất khẩu chủ lực là thủy sản, may mặc, thuốc thú y, nông dược; các mặt hàng nhập khẩu chủ yếu là nguyên liệu dược, phân bón, vải, phụ liệu may, dây cáp và các thiết bị ngành điện.

TP Cần Thơ đang tập trung cho phát triển ngành công nghiệp theo hướng bền vững. Vì vậy, thành phố đang đẩy mạnh kêu gọi, thu hút đầu tư nước ngoài cho các ngành công nghiệp hỗ trợ; hạ tầng các cụm công nghiệp, công nghiệp chế tạo. Đặc biệt, các lĩnh vực chế biến xuất khẩu rất cần đầu tư nhà máy với công nghệ mới, tiên tiến để khai thác có hiệu quả các ngành hàng có thế mạnh và tiềm năng của Cần Thơ như: gạo, thủy sản, nông sản, may mặc, giày dép. Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ Trương Quang Hoài Nam, cho rằng, với tiềm năng, thế mạnh và mối quan hệ hợp tác của 2 bên, TP Cần Thơ xác định Hàn Quốc là đối tác quan trọng trong thu hút đầu tư ở các ngành công nghệ cao, công nghiệp điện tử, nông nghiệp, chế biến thực phẩm, y tế và du lịch. Chính quyền TP Cần Thơ sẽ hỗ trợ cho doanh nghiệp Việt Nam tìm hiểu cơ hội hợp tác tại thị trường Hàn Quốc cũng như tạo thuận lợi nhất cho doanh nghiệp Hàn Quốc khi đến Cần Thơ tìm cơ hội hợp tác, đầu tư. 

 

Bài, ảnh: Khánh Nam

Chia sẻ bài viết