16/08/2014 - 21:40

Những vấn đề sức khỏe ảnh hưởng tới năng lực trí tuệ

Một nghiên cứu vừa công bố trên tạp chí JAMA Neurology (thuộc Hiệp hội Y khoa Mỹ) cho thấy huyết áp cao có thể làm giảm sút năng lực trí tuệ. Kết luận này được các chuyên gia rút ra sau khi tiến hành đo huyết áp, kiểm tra khả năng ghi nhớ, kỹ năng toán học và ngôn ngữ của 14.000 người lớn tuổi trong suốt 20 năm. Tuy nhiên, huyết áp cao không phải là yếu tố nguy cơ duy nhất ảnh hưởng tới khả năng nhận thức mà những vấn đề sức khỏe khác cũng tạo ra tác động tương tự, chẳng hạn như:

1. Giảm thính lực

Các chuyên gia thuộc Trung tâm Lão hóa và Sức khỏe Johns Hopkins ở Baltimore (Mỹ) phát hiện những người giảm thính lực có nguy cơ suy giảm nhận thức cao hơn từ 30-40% so với người bình thường. Chuyên gia Jyoti Bhayani giải thích tiếng ồn quá lớn sẽ giết chết các tế bào lông và các đầu dây thần kinh ở tai trong, do đó cũng ảnh hưởng đến trí não.

Người giảm thính lực có nguy cơ bị suy giảm khả năng nhận thức cao hơn 30-40% so với người bình thường. Ảnh: Huffington post

Giải pháp: Tránh tiếp xúc với các tiếng ồn có cường độ âm thanh trên 80 decibel (db), hay đơn giản là tìm cách bịt lỗ tai khi nghe thấy âm thanh quá lớn. Cường độ âm thanh của một cuộc nói chuyện khoảng 60 db, tàu điện ngầm 90 db, một buổi hòa nhạc và tiếng còi xe là 115 db.

2. Thiếu ngủ

Thiếu ngủ không chỉ khiến bạn hay cau có mà nó còn ảnh hưởng nghiêm trọng tới kỹ năng nhận thức. Theo một nghiên cứu đăng trên tạp chí Sleep, những người lớn tuổi thường ngủ không ngon giấc (hoặc gặp ác mộng) dễ bị suy giảm khả năng nhận thức hơn. Nghiên cứu khác công bố trên Tạp chí Y học Lâm sàng về Giấc ngủ cũng cho thấy những người ngủ ít hơn 6 tiếng (hoặc nhiều hơn 9 tiếng) mỗi đêm có điểm số kiểm tra năng lực trí tuệ thấp hơn so với người ngủ từ 6-9 tiếng/đêm.

Giải pháp: Tạo môi trường ngủ lý tưởng (như ánh sáng vừa phải, nhiệt độ phòng mát mẻ) và nằm ngửa khi ngủ, vừa giúp bạn ngủ ngon vừa ngăn ngừa đau nhức cơ bắp.

3. Béo phì

Trong nghiên cứu được đăng trên tạp chí Thần kinh học (Mỹ), các nhà khoa học đã quan sát 6.000 người (trong đó có 38% bị béo phì) có độ tuổi trung bình 50 tuổi. Họ phát hiện nhóm thừa cân giảm tới 22% điểm số trong các bài kiểm tra trí não vào thời điểm 10 năm sau, so với nhóm có thân hình cân đối. Nhiều bằng chứng khoa học trước đó cũng chỉ ra rằng việc dung nạp quá mức các thực phẩm như bánh kẹo, nước ngọt, cà phê và bia rượu có thể tổn hại đến sức khỏe tâm thần.

Giải pháp: Áp dụng thói quen ăn uống lành mạnh, chẳng hạn tăng cường khẩu phần rau quả tươi và hạn chế tiêu thụ thức ăn chế biến sẵn ở hàng quán vốn chứa nhiều dầu mỡ.

4. Đi chậm

Kết quả nghiên cứu của Bệnh viện Mayo (Mỹ) cho biết tốc độ đi của một người, chẳng hạn số bước chân trong một phút giảm dần theo thời gian, có liên quan tới khả năng phát triển tình trạng suy giảm nhận thức. Một nghiên cứu khác cũng cho thấy những người bước đi chậm có gấp đôi nguy cơ phát triển bệnh mất trí nhớ trong vòng 12 năm.

Giải pháp: Điều chỉnh tốc độ bước đi cho phù hợp. Không chỉ tốt cho bộ não, tốc độ bước đi vừa phải còn giúp giảm thiểu chấn thương khi đi hoặc chạy bộ.

5. Sống cô lập

Sau khi đánh giá mức độ tham gia các hoạt động xã hội của hơn 1.000 người lớn tuổi, các chuyên gia thuộc Trung tâm Y tế Đại học Rush (Mỹ) nhận thấy những người ít hòa nhập xã hội nhất bị suy giảm trí tuệ nhiều nhất. Điều đáng nói là cả nhóm yêu thích hoạt động xã hội và nhóm cô lập với xã hội đều không có bất kỳ dấu hiệu suy giảm nhận thức nào lúc bắt đầu nghiên cứu.

Giải pháp: Cố gắng dành ra ít nhất một lần mỗi tuần để trò chuyện, họp mặt ăn uống cùng gia đình hoặc bạn bè và luôn nhắc nhở bản thân về tầm quan trọng của việc duy trì sự kết nối với gia đình và bè bạn.

6. Thiếu vitamin D

Theo nghiên cứu đăng trên Tạp chí Y học Nội khoa (Archives of Internal Medicine), những người có hàm lượng vitamin D thấp có 60% khả năng bị suy giảm nhận thức.

Giải pháp: Phơi nắng sớm để bổ sung vitamin D hoặc tăng cường các loại thực phẩm giàu sinh tố này như sữa, trứng, nấm, cá hồi…vào chế độ ăn uống thường ngày.

NGUYỆT CÁT (Theo Medical Daily)

Chia sẻ bài viết