13/02/2008 - 22:21

Trung tâm Nghiên cứu-thực nghiệm, đa dạng sinh học (Trường Đại học Cần Thơ)

Người bạn thân thiết của nông dân

Cứ vào buổi chiều, rất đông bà con nông dân đến Trung tâm Nghiên cứu-Thực nghiệm, Đa dạng sinh học (NC-TN, ĐDSH), thuộc Trường Đại học Cần Thơ (ĐHCT)- xã Hòa An (huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang) để trao đổi với các kỹ sư về kỹ thuật chọn giống, chọn phân bón... Những buổi nói chuyện hữu ích này đã có từ năm 1993 và những kỹ thuật canh tác mới nhất được các kỹ sư ở Trung tâm chuyển giao cho nông dân.

Giúp nông dân thoát nghèo

Khu ký túc xá ở Trung tâm NC-TN, ĐDSH. 

Tiến sĩ Dương Văn Ni, Giám đốc Trung tâm NC-TN, ĐDSH kể lại: “Năm 1993, khi mới đến Trung tâm nhận công tác, nhận thấy đất ở khu vực này toàn đất phèn, trồng trọt cây trái không trúng mùa nên đời sống của bà con rất khó khăn. Vì vậy, Trung tâm phát động bà con chăn nuôi lấy phân bón cho đất, làm túi biogas... vừa tận dụng được nguồn thức ăn tại chỗ, cải thiện đời sống nông dân vừa cải tạo đất”.

Nhưng khi cán bộ Trung tâm vận động người dân nuôi heo, bà con ai cũng ngán dội vì heo ở đây nuôi không được. Trung tâm đã nuôi heo thí điểm và phát hiện đối với vùng đất phèn phải gia tăng lượng thức ăn cung cấp canxi để tránh heo bị gãy chân. Kỹ sư Ngô Thanh Bình, Phó Giám đốc Trung tâm NC-TN, ĐDSH cho biết: “Chúng tôi tập huấn kỹ thuật và theo sát hỗ trợ bà con trong quá trình chăn nuôi, có gì khó khăn là tìm cách giải quyết ngay. Ban đầu chỉ một vài hộ làm, sau đó lan dần ra nhiều hộ khác, hộ này chỉ dẫn lại hộ kia”.

Đến nay, ở những ấp lân cận Trung tâm này, con heo đã thành con vật chăn nuôi chủ lực. Nhiều nông dân sau quá trình tập huấn chăn nuôi trở thành các “chuyên gia” trị bệnh, đỡ đẻ heo cho các hộ chăn nuôi khác như trường hợp ông Tám Tượng. Sau khi được các kỹ sư chỉ dẫn, ông Tám Tượng về nhà nuôi thử ít con heo. Heo mau lớn, bán lại có giá, càng nuôi càng hăng, ông nhân đàn heo của mình có lúc lên đến hơn chục con. Nhờ chịu khó học hỏi, cần cù, ông trở thành “chuyên gia” về heo ở xã Hòa An và các xã lân cận. Ngoài chăn nuôi heo, Trung tâm cũng hỗ trợ kỹ thuật, vốn cho bà con phát triển thủy sản, trồng trọt, làm các mặt hàng thủ công mỹ nghệ...

Tiến sĩ Dương Văn Ni giải thích thêm: “Việc chuyển giao kỹ thuật của nông dân chỉ là một phần của công tác phát triển cộng đồng. Thông qua chuyển giao kỹ thuật khơi gợi ý chí cầu tiến, ham học hỏi của người dân, tạo mối thân thiện tình làng nghĩa xóm, tình nghĩa vợ chồng”. Chính vì thế mà có chuyện thay vì chuyển giao kỹ thuật chăn nuôi cho các bà vợ (việc chăn nuôi trong gia đình vốn là của phụ nữ), Trung tâm lại chuyển giao kỹ thuật và hình thành các tổ nhóm chăn nuôi cho các ông chồng (để giảm gánh nặng cho các bà vợ); thành lập tổ nhóm tín dụng giao cho phụ nữ quản lý; vận động hộ có con giống cho hộ khác mượn để phát triển chăn nuôi...

Mới đây, Trung tâm cùng các nông hộ tổ chức phiên chợ cuối tuần. Đây là nơi các nông dân đem các sản phẩm rau quả đến. Họ gặp gỡ nhau, cùng nhau tính toán xem nên trồng cái gì và trồng như thế nào để không “đụng” hàng, sản phẩm đảm bảo chất lượng “rau an toàn”. Trung tâm cũng đứng ra “mai mối” cho các doanh nghiệp ở TP Cần Thơ đến tìm hiểu và hợp đồng trực tiếp với nông dân.

 Ông Tám Tượng (bên phải) hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi heo cho hộ bà Hồ Thị Sáu, ấp Hòa Đức.

Ông Trần Khánh Dũng, nông dân ấp Hòa Đức, xã Hòa An nói: “Buổi chiều, lu bu cỡ nào tui cũng tranh thủ ghé Trung tâm uống trà, nghe thông tin bổ ích về kỹ thuật từ các nông dân khác và kỹ sư ở Trung tâm. Trước đây ấp này nghèo nhất xã, nhà cửa xập xệ. Nhờ các kỹ sư chuyển giao kỹ thuật, phát triển chăn nuôi mà đời sống bà con khấm khá hẳn lên. Gia đình tui và nhiều gia đình khác cất được nhà tường là cũng nhờ các kỹ sư chỉ dẫn”.

Với tấm lòng hướng về nông dân và cộng đồng, nhiều dự án ở Trung tâm đem lại rất nhiều lợi ích cho bà con nông dân không chỉ ở vùng Hòa An, mà còn cho các tỉnh lân cận trong vùng ĐBSCL. Đơn cử như các dự án: OXFAM (tổ chức Phi chính phủ - NGO) tài trợ, vốn của dự án 50 triệu đồng để hỗ trợ cho phụ nữ nghèo chăn nuôi; CTU-MSU (hợp tác giữa Trường Đại học Cần Thơ và Trường Đại học bang Michigan - Mỹ) với tên gọi: “Cải tiến phương pháp giảng dạy, bảo tồn tài nguyên thiên nhiên kết hợp xóa đói giảm nghèo”; RHIER - (hợp tác với Viện Nghiên cứu môi trường - Trường Đại học Luân Đôn (Anh quốc) để nghiên cứu quản lí nước trong sản xuất nông nghiệp và sinh hoạt ở nông thôn; VIE/020 - Bèo Lục Bình; Sansed (Đức) về xử lý môi trường...

Nghiên cứu khoa học, bảo tồn thiên nhiên

Song song với các dự án hỗ trợ nông dân, Trung tâm cũng tập trung nghiên cứu hệ thống canh tác trên đất phèn bằng việc xây dựng 7 mô hình, mỗi mô hình 1 ha (gồm ruộng, rẫy, tràm, chăn nuôi (heo, dê, cá) làm túi ủ biogas...). Trên vùng đất phèn vốn chỉ có tràm, tre, năng mọc đầy, nhân viên, cán bộ Trung tâm và nông dân đã nghiên cứu xây dựng thành công thêm 3 chữ R nữa là ruộng-rẫy-rừng. Mô hình đã được Trung tâm xây dựng gần 10 năm và hiệu quả đạt được rất đáng khích lệ. Với 7 hộ dân không đất đai sản xuất, sát cánh cùng Trung tâm, đến nay mô hình vườn-ao-chuồng-biogas-ruộng-rẫy-rừng trừ mọi chi phí, 1 ha đất đem về lãi ròng 30 triệu đồng/năm. Không những thế, mô hình này cũng là lời giải cho bài toán môi trường. Trước nay, tập quán của bà con nông dân là nước chăn nuôi, trồng trọt, ruộng đồng... thải thẳng ra sông làm ô nhiễm môi trường. Với mô hình này, trước khi nước thải ra sông sẽ qua hệ thống lọc lắng bằng những cây tràm, chính những bã tràm giúp giữ lại cặn bã sắt, nhôm, duy trì và giữ cân bằng độ pH trong nước.

Hơn nữa, Trung tâm còn quan tâm bảo tồn sinh thái đặc thù của đất phèn thiên nhiên độc đáo nơi đây. Như khu lung bào dự kiến làm nơi bảo tồn các động vật hoang dã: rắn, rùa, trăn...; khu bảo tồn tập đoàn lúa địa phương, từ đó cung cấp nhiều chủng gien quý cho Viện lúa quốc tế; khu giữ lại đất phèn tự nhiên...

Hướng tới tương lai

Đầu năm 2004, Tiến sĩ Lê Quang Minh (lúc đó là Hiệu trưởng Trường ĐHCT) đã đến khảo sát và quyết định chuyển đổi Trung tâm Nghiên cứu hệ thống canh tác thành Trung tâm Nghiên cứu- Thực nghiệm, Đa dạng sinh học. Hiện Trường ĐHCT đã đầu tư xây dựng xong khu ký túc xá cho giáo viên và sinh viên với sức chứa khoảng 100 người, hai con đường nhựa dài hơn 2km, rộng 6m. Khu chăn nuôi (với gần 100 con heo), cơ sở thí nghiệm của Viện nghiên cứu phát triển ĐBSCL đã chuyển 1 phần từ Trường ĐHCT về trung tâm.

Trung tâm Nghiên cứu đất phèn được thành lập từ năm 1982, trên diện tích hơn 112 ha lung bào nhiễm phèn nặng. Sau đó, Trung tâm này được đổi tên thành Trung tâm Nghiên cứu hệ thống canh tác và năm 2004 là Trung tâm Nghiên cứu thực nghiệm, Đa dạng sinh học, trực thuộc Trường ĐHCT.

 Trung tâm tiến hành giai đoạn xây dựng và đầu tư trang thiết bị từ năm 2004-2010 với tổng giá trị 60 tỉ đồng. Tuy nhiên, số tiền này chủ yếu dành cho phần xây dựng cơ bản. Còn các phòng thí nghiệm, các trang thiết bị..., Trường ĐHCT sẽ xin tài trợ từ các tổ chức nước ngoài.

Kỹ sư Ngô Thanh Bình chỉ vào bản đồ của trung tâm, say sưa nói: Đây là trại thực nghiệm chăn nuôi rộng gần 55.000 m2; khu thực nghiệm công nghệ sinh học (rộng 11.000 m2); khu hợp tác với nông dân nghiên cứu về hệ thống canh tác... trong tương lai đây sẽ là Trung tâm NC-TN, ĐDSH lớn nhất của khu vực; cung cấp công ăn việc làm cho nhiều lao động và các giống lúa, giống heo... cho nông dân trong vùng. Hàng loạt các dự định đang được mở ra với những nhà khoa học yêu nông dân và gắn bó mật thiết với mảnh đất này.

Bài, ảnh: HUỆ HOA

Chia sẻ bài viết