25/03/2024 - 17:54

Nâng cấp liên minh an ninh Mỹ - Nhật 

Trong động thái đối phó với Trung Quốc, Mỹ và Nhật Bản đang lên kế hoạch nâng cấp lớn nhất cho liên minh an ninh của họ kể từ khi hai nước ký hiệp ước phòng thủ chung vào năm 1960.

Binh sĩ Mỹ và Nhật Bản trong cuộc tập trận chung ở Kisarazu, Nhật Bản năm 2022. Ảnh: Getty Images

Tổng thống Mỹ Joe Biden và Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida sẽ công bố kế hoạch tái cơ cấu Bộ chỉ huy quân sự Mỹ tại Nhật để tăng cường công tác lập kế hoạch hoạt động và tập trận giữa hai quốc gia, theo các nguồn thạo tin. Kế hoạch sẽ được tiết lộ khi Tổng thống Biden tiếp đón ông Kishida tại Nhà Trắng vào ngày 10-4.

Hai quốc gia đồng minh này muốn tăng cường quan hệ an ninh để ứng phó với “mối đe dọa ngày càng lớn” từ Trung Quốc và điều này đòi hỏi lực lượng vũ trang hai nước phải hợp tác cũng như lên kế hoạch trơn tru hơn, đặc biệt là trong một cuộc khủng hoảng như xung đột liên quan Đài Loan. Nhật Bản gần đây gọi sức mạnh quân sự đang mở rộng rất nhanh của Trung Quốc là “mối lo ngại nghiêm trọng” đối với Tokyo và cộng đồng quốc tế.

Trong vài năm qua, Nhật Bản đã tăng cường đáng kể năng lực an ninh, chi tiêu nhiều hơn cho quốc phòng, bao gồm kế hoạch mua tên lửa hành trình Tomahawk của Mỹ. Hơn một năm trước, Nhật Bản cam kết tăng gấp đôi chi tiêu quốc phòng lên 2% GDP và mua hàng loạt tên lửa có thể tấn công tàu hoặc các mục tiêu trên đất liền cách xa 1.000km. Nhật cũng sẽ thành lập “Bộ chỉ huy tác chiến chung” vào năm tới để cải thiện sự phối hợp giữa các nhánh của Lực lượng Phòng vệ (SDF).

Tuy nhiên, sự phối hợp giữa hai đồng minh này bị cản trở vì Lực lượng Mỹ tại Nhật Bản (USFJ) đến nay thay đổi rất ít so với thời mà quân đội hai nước ít hợp tác với nhau và quyền chỉ huy, kiểm soát bị hạn chế. Nhật Bản phải thảo luận nhiều với Bộ chỉ huy Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của Mỹ (USINDOPACOM) ở Hawaii, nơi chậm hơn Tokyo tới 19 giờ và cách xa 6.200km.

Do vậy, Tokyo từ lâu đã kêu gọi Washington trao thêm quyền hành cho chỉ huy của USFJ, đồng thời nhấn mạnh cần phối hợp chặt chẽ hơn trên thực địa.

Một chất xúc tác cho sự thay đổi là trận động đất và sóng thần năm 2011 khi các binh sĩ Mỹ và Nhật Bản tiến hành chiến dịch cứu hộ chung. Mặc dù chiến dịch thành công nhưng Ryoichi Oriki, lúc đó là tham mưu trưởng liên quân SDF, thừa nhận sự bất tiện khi phải phối hợp với USINDOPACOM ở Hawaii thay vì tư lệnh USFJ.

Tokyo cho biết nhu cầu cấp thiết phải đưa một sĩ quan cấp cao hơn của Mỹ tới Nhật Bản khi nước này đảm nhận vai trò quốc phòng lớn hơn trong khu vực. “Động thái này sẽ gửi một tín hiệu chiến lược mạnh mẽ tới Trung Quốc và Triều Tiên và sẽ có ý nghĩa từ quan điểm răn đe khi nói rằng Mỹ sẽ củng cố cơ cấu chỉ huy ở Nhật”, ông Oriki nói với tờ Financial Times.

HẠNH NGUYÊN

Chia sẻ bài viết