14/09/2015 - 21:35

Kỳ vọng sự sáng tạo từ Câu lạc bộ doanh nghiệp dẫn đầu

Câu lạc bộ doanh nghiệp dẫn đầu (LBC) Cần Thơ vừa ra mắt, bước đầu có 7 doanh nghiệp (DN) tham gia là thành viên. Mặc dù số lượng DN tham gia LBC Cần Thơ còn khiêm tốn so với số DN đang hoạt động, nhưng lãnh đạo thành phố, cùng các DN đặt nhiều kỳ vọng vào LBC Cần Thơ, với mong muốn thổi một luồng gió mới cho sự phát triển của cộng đồng DN thành phố.

Xây dựng nền tảng

Thống kê của Sở Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) TP Cần Thơ, thành phố hiện có trên 7.832 DN, vốn đầu tư trên 81.847 tỉ đồng và 65 dự án đầu tư nước ngoài (FDI) còn hiệu lực, vốn đăng ký 925,5 triệu USD. Đa số DN đang hoạt động có quy mô vừa và nhỏ, khả năng quản trị DN yếu và thiếu lao động bậc trung, bậc cao; vốn kinh doanh phụ thuộc vào vốn vay từ ngân hàng. Theo đánh giá của ngành chức năng, đại bộ phận DN trên địa bàn thành phố chưa quan tâm đến xây dựng thương hiệu, đổi mới sáng tạo. Đây sẽ là thách thức lớn cho DN khi cánh cửa hội nhập kinh tế quốc tế rộng mở hơn. Đặc biệt khi Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) sẽ hình thành vào cuối năm 2015 và nhiều Hiệp định thương mại tự do (FTA) chính thức có hiệu lực. Từ năm 2016 trở đi sẽ là thế giới phẳng, không có rào chắn, DN nếu không có sự chuẩn bị tốt sẽ rơi vào bẫy hội nhập và rời cuộc chơi.

Ra mắt LBC Cần Thơ. Ảnh: THU HÀ

Trong sân chơi hội nhập, để ứng phó với cuộc cạnh tranh bình đẳng và sòng phẳng với các DN trình độ cao về công nghệ, quản trị của các quốc gia phát triển hàng đầu thế giới, các chuyên gia khuyên DN Việt cần xích lại với nhau, cùng liên kết lại để xây dựng rào chắn. Tuy nhiên, liên kết phát triển là vấn đề rất khó luận bàn trong bối cảnh hiện nay, bởi triết lý kinh doanh, cách quản trị của DN đều khác nhau và thói quen "giấu bí quyết kinh doanh" đã "ăn sâu" vào nếp nghĩ cũng khiến DN khó chia sẻ kế hoạch phát triển với nhau. Trong buổi làm việc với các DN để chuẩn bị ra mắt Câu lạc bộ DN dẫn đầu Cần Thơ (LBC Cần Thơ), Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ Trương Quang Hoài Nam, cho biết: "Thời gian qua, lãnh đạo UBND thành phố có 2 buổi tiếp DN/tháng, nhưng chủ yếu là xử lý các vướng mắc, bức xúc cụ thể của từng DN mà chưa có nhiều cuộc họp lắng nghe ý kiến của nhiều DN ở nhiều lĩnh vực khác nhau. Hiện Hiệp hội DN TP Cần Thơ cũng khó tập hợp các DN lại với nhau, do nhiều nguyên nhân. Rõ ràng, để DN ngồi lại với nhau, cùng bàn luận với nhau là cực kỳ khó. DN nhỏ dù dẫn đầu ở lĩnh vực của họ, nhưng cũng ngại ngồi chung với DN lớn, vì sợ bị DN lớn thâu tóm!". Do đó, thành phố rất quan tâm đến việc thành lập LBC của thành phố để kết nối DN dẫn đầu các ngành hàng, phả luồng gió mới giúp cộng đồng DN thành phố tự tin bước vào sân chơi rộng và khắc nghiệt hơn. Bởi các hoạt động hỗ trợ DN thời gian qua của các sở, ngành chức năng dù có nhiều cố gắng nhưng còn rời rạc, chưa tạo lực đẩy tổng hợp nhằm tạo ra một nhóm DN dẫn đầu, tạo đà phát triển chung của nền kinh tế.

Để chuẩn bị bước đi vững chắc hơn cho LBC Cần Thơ, thành phố đã xây dựng Chương trình hợp tác hỗ trợ DN giữa Hội DN hàng Việt Nam chất lượng cao và TP Cần Thơ giai đoạn 2015-2020, giao Trung tâm Xúc tiến Đầu tư Thương mại Du lịch thành phố là đơn vị đầu mối liên kết (Trung tâm XTĐT- TM- DL). Ông Nguyễn Khánh Tùng, Giám đốc Trung tâm XTĐT- TM- DL Cần Thơ, cho biết: "Chương trình sẽ kết nối DN theo hình thức mới, sáng tạo. Trước mắt sẽ thành lập câu lạc bộ đặc sản làng nghề. Hiện đa số thành viên LBC Cần Thơ là những DN hàng Việt Nam chất lượng cao nên các hoạt động kết nối sẽ thuận lợi hơn". Mục tiêu của chương trình là hỗ trợ DN khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, xây dựng thương hiệu và mở rộng thị trường, quảng bá truyền thông… Ngoài ra sẽ kết nối LBC Cần Thơ với các LBC trong nhóm ABCD Mekong (An Giang- Bến Tre- Cần Thơ- Đồng Tháp) để các DN có thể tương tác, chia sẻ kinh nghiệm nhằm nâng cao năng lực quản trị, điều hành, thúc đẩy sự phát triển của DN và mục tiêu cuối cùng là góp phần phát triển kinh tế thành phố.

Tìm tiếng nói chung

Trong khuôn khổ Mekong connect- CEO Forum vừa diễn ra tại TP Cần Thơ, 7 DN đi tiên phong đã ra mắt LBC Cần Thơ, gồm: Công ty cổ phần Dược Hậu Giang, Công ty cổ phần Gentraco, Công ty ADC, Công ty Vemedim, Công ty TNHH Trái cây Mekong, Công ty cổ phần đầu tư xây dựng Mùa Xuân, Công ty TNHH Đào tạo và tư vấn Thành công. Lãnh đạo các DN LBC Cần Thơ đều khẳng định: Liên kết là điều kiện tiên quyết để hội nhập và cũng thẳng thắn chia sẻ cách nghĩ, cách làm của DN mình.

Ông Nguyễn Thanh Bình, Giám đốc ngành dược và thực phẩm của Công ty ADC, cho biết: "Doanh thu hằng năm của công ty khoảng 3.000 tỉ đồng. Mong muốn của ADC là liên kết cùng nông dân để mua và bán sản phẩm. Công ty còn bao tiêu và đầu tư vùng trồng lúa chất lượng cao cho nông dân. Đồng thời thu mua nhiều sản phẩm nông sản để chiết xuất các nguyên liệu và chế biến thành phẩm nhiều sản phẩm ngành dược. ADC có 1.600 lao động nếu kết nối với DN LBC Cần Thơ, chúng ta có thể cam kết cùng hỗ trợ nhau bằng cách mua sản phẩm của nhau chẳng hạn". Còn theo vị lãnh đạo của Công ty cổ phần Gentraco, trong kinh doanh, Gentraco mong muốn mang hạt gạo đến mọi nhà và ra thế giới, nhưng khi tiếp cận hệ thống siêu thị trên địa bàn TP HCM, công ty gặp nhiều khó khăn khi đưa gạo vào siêu thị ở TP HCM. Do đó, Gentraco cũng mong muốn kết nối các DN với nhau để cùng chia sẻ kinh nghiệm, cùng hợp tác kinh doanh. Theo ông Phạm Mạnh Hùng, Giám đốc kinh doanh của Vemedim Cần Thơ, công ty tham gia hàng Việt Nam chất lượng cao 10 năm qua. Trong tốp đầu cả nước về lĩnh vực thuốc thú y, thủy sản và xuất khẩu ra 26 thị trường thế giới. Thương hiệu là vấn đề sống còn của DN, do đó, để phát triển vững chắc, các DN cần quan tâm xây dựng thương hiệu.

Chia sẻ về liên kết DN, bà Phạm Thị Việt Nga, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Dược Hậu Giang, nói: "Tôi rất mong có liên kết giữa các DN. Liên kết rất cần sự ủng hộ của địa phương, các bộ chứ không chỉ có DN cùng liên kết với nhau là đã thành công. Chẳng hạn nhiều sản phẩm của ngành dược cần liên kết với ngành nông sản để cung ứng nguyên liệu đầu vào cho ngành dược. Từ nguồn này, ngành dược mới chiết xuất, sản xuất dược liệu. Vấn đề là trong chuỗi liên kết này có sự liên kết của nhiều người, nhiều tuyến, để kiểm soát chất lượng từ gốc rất cần sự giúp đỡ của nhà nước trong quy hoạch vùng nguyên liệu, hỗ trợ DN…". Theo bà Phạm Thị Việt Nga, nhiều ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học khuyến cáo DN cần ứng dụng công nghệ vào sản xuất, vấn đề này rất khó và bản thân DN không làm được. Việt Nam có Viện công nghệ sinh học chuyên về công tác nghiên cứu, Viện cũng cần phải liên kết với các DN để đưa công trình nghiên cứu của mình ra ứng dụng tại DN. Bởi có nhiều nghiên cứu để trong ngăn kéo mà không đưa ra DN. Nếu không liên kết mà để DN tự mài mò đi nghiên cứu thì khi hội nhập, DN nước ngoài vào công nghệ mạnh sẽ thâu tóm DN Việt tiềm lực yếu.

Thực tế nhu cầu liên kết phát triển giữa các DN rất lớn. Những người đứng đầu DN cũng khẳng định rằng, sẽ cùng nhau chia sẻ, tạo nên làn gió mới, cùng cộng đồng DN thành phố tự tin đi vào sân chơi hội nhập. Song, họ vẫn cần bệ đỡ từ cơ quan hành chính công.

Gia Bảo

Chia sẻ bài viết