25/03/2024 - 08:23

Kỷ nguyên thống trị tàu ngầm của Mỹ bị đe dọa 

Trước tin Lầu Năm Góc giảm số lượng tàu ngầm được đóng mới do vấn đề tài chính, nhiều nghị sĩ cảnh báo hạn chế này có thể ảnh hưởng chiến lược của Washington ở Thái Bình Dương trong bối cảnh đối thủ Trung Quốc được dự đoán vượt hạm đội tàu ngầm hiện tại của Mỹ về số lượng vào năm 2035.

Tàu ngầm tấn công lớp Virginia USS Hawaii tại Trân Châu Cảng. Ảnh: US Navy

Trong nỗ lực tái trang bị quy mô lớn cho lực lượng tàu ngầm hạt nhân, Hải quân Mỹ nhiều năm qua thiết lập mục tiêu mua thêm 2 tàu ngầm tấn công mỗi năm. Nhưng theo Văn phòng Ngân sách Quốc hội Mỹ (CBO), ngành công nghiệp đóng tàu ngầm trong nước đang chật vật đáp ứng nhu cầu trên do thiếu nhân công và gián đoạn chuỗi cung ứng. Để nâng cao năng lực tổng thể, hải quân từng cho biết sẽ bơm hàng tỉ USD hỗ trợ các cơ sở công nghiệp, hướng tới mục đích đóng mới ít nhất 2,3 chiếc tàu ngầm/năm.

Tuy nhiên, trong yêu cầu ngân sách cho năm tài chính 2025, Lầu Năm Góc chỉ có đủ kinh phí chế tạo mới một chiếc tàu ngầm lớp Virginia. Tại phiên điều trần của Ủy ban Quân lực Thượng viện mới đây, Thượng nghị sĩ Richard Blumenthal xác định hạm đội tàu ngầm là nền tảng quan trọng đối với khả năng phòng thủ và chiến lược răn đe. Việc Mỹ không đáp ứng số lượng tàu ngầm như mục tiêu đề ra sẽ phát sai tín hiệu đến đối tác và đồng minh trong khu vực, đặc biệt hai thành viên Anh và Úc trong thỏa thuận hợp tác quốc phòng 3 bên (AUKUS).

Hải quân Mỹ hiện vận hành 67 tàu ngầm, bao gồm các tàu tấn công chạy bằng năng lượng hạt nhân thuộc lớp Seawolf, Los Angeles và Virgina. Nhưng chỉ một số trong đó hoạt động ở Thái Bình Dương. Trung Quốc vốn được coi là đối thủ chính của Washington ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, vẫn đang tìm cách vượt qua Mỹ để trở thành siêu cường hải quân có năng lực nhất thế giới. Theo ước tính của Lầu Năm Góc, Trung Quốc có thể mở rộng hạm đội tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân và diesel lên 65 tàu vào năm 2025 và tới 80 tàu vào năm 2035. Trong một bình luận, người đứng đầu Bộ Tư lệnh Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của Mỹ, Đô đốc John Aquilino tin rằng Trung Quốc chi cho quốc phòng nhiều hơn những gì họ công bố. Bắc Kinh cũng ngày càng tỏ ra cứng rắn khi mở rộng năng lực quân sự và hiện diện trong khu vực. Trong bối cảnh đó, Đô đốc Aquilino xác định tăng cường khả năng quân sự của lực lượng Mỹ trên tất cả lĩnh vực là cần thiết, nhất là năng lực tác chiến dưới biển mà Mỹ vốn có lợi thế đáng kể.

“Gia công” đóng tàu làm suy yếu nước Mỹ

Cũng tại phiên điều trần, Thượng nghị sĩ Blumenthal và đồng nghiệp Chris Murphy quan ngại việc hủy bỏ kế hoạch sắm tàu ​​ngầm trong năm tài chính 2025 sẽ làm chậm tiến độ cải thiện nguồn nhân lực và cơ sở ngành công nghiệp đóng tàu trong nước. Sự mạo hiểm này về lâu dài có thể trì hoãn nỗ lực của hải quân nâng cấp hạm đội tàu ngầm, khó đáp ứng các yêu cầu về an ninh quốc gia trước các mối đe dọa toàn cầu đang gia tăng.

Trên phạm vi rộng hơn, có ý kiến cho rằng chiến lược hàng hải của Mỹ nên tập trung nhiều hơn vào các xưởng đang hoạt động trong nước. Hồi tháng 1, Lầu Năm Góc công bố “Chiến lược công nghiệp quốc phòng” đầu tiên nhằm khôi phục sức mạnh kinh tế Mỹ. Chiến lược có đề cập tình trạng suy giảm của ngành đóng tàu, nhưng thay vì tìm cách đầu tư cải thiện năng lực các xưởng trong nước, các nhà hoạch định quân sự đề xuất thuê cơ sở ngoài. Theo Hội đồng các công ty đóng tàu Mỹ, cách tiếp cận “thiển cận” này có thể gây bất ổn cho thị trường, làm phức tạp thêm các nỗ lực phục hồi cơ sở công nghiệp; thậm chí làm suy yếu năng lực cạnh tranh và chủ quyền quốc gia.

MAI QUYÊN (Theo Business Insider, Defence News)

 

Chia sẻ bài viết