28/04/2024 - 08:12

Nhà tù Côn Ðảo - "địa ngục trần gian" 

Tháng Tư về trên Côn Đảo, cội bàng già vừa thay lá mới, mấy hàng phượng vĩ cũng đỏ thắm chào hè. Chuyện về Côn Đảo năm xưa như bản anh hùng ca bất tận, rưng rưng lòng những thế hệ hôm nay. Trong đó, chuyện nhà tù Côn Đảo, nơi "địa ngục trần gian", được kể lại nhiều nhất…

Côn Đảo là nơi lưu giữ dấu tích 113 năm của bao thế hệ chiến sĩ cách mạng kiên trung phải nếm trải cảnh "địa ngục trần gian". Trong phạm vi bài viết này, xin khái quát về Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Nhà tù Côn Đảo. Di tích gồm quần thể 20 di tích, với tổng diện tích bảo vệ là 110,69ha. Hệ thống nhà tù Côn Đảo tồn tại 113 năm, từ năm 1862 đến năm 1975.

Trại Phú Sơn. ​

Năm 1862, thực dân Pháp cho xây Bagne (Banh) I, hay còn được gọi với các tên: Lao I, Trại Cộng hòa, Trại 2 và đến tháng 11-1974 được gọi là Trại Phú Hải. Trại Phú Hải có diện tích khoảng 12.000m2, bao gồm 10 phòng giam tập thể, chia làm 2 dãy, 5 phòng/dãy, 1 phòng giam tù đặc biệt, 20 xà lim (hầm đá), 1 hầm xay lúa (thời Mỹ ngụy chuyển thành bệnh xá), 1 khu đập đá (khổ sai trong Banh) cùng một số công trình phụ. Đây là trại giam lớn và cổ nhất ở Côn Đảo, mang đậm dấu tích của các thời kỳ lịch sử.

Banh II hay còn gọi là Lao II, Trại Nhân Vị, Trại 3, và tên gọi sau cùng là trại Phú Sơn, được xây dựng năm 1916, tọa lạc cạnh Banh I. Trại Phú Sơn có diện tích 13.228m², gồm 13 phòng giam tập thể, 1 khu biệt lập có 14 xà lim, 1 phòng tối và các công trình phụ.

Banh III còn gọi với các tên là Lao IV, Trại Bác Ái, Trại 1, và tên gọi sau cùng là trại Phú Thọ, xây dựng vào năm 1928, cách Banh I và Banh II khoảng 1km. Với diện tích 12.700m², thời Pháp, Banh III có 3 dãy phòng giam, trong đó có 2 dãy phòng giam tập thể và 1 dãy biệt lập, 1 khu nhà bếp và 1 khu bệnh xá (dành để cách ly bệnh kiết lỵ). Sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, Banh III được chỉnh trang lại còn 2 dãy phòng giam (theo số thứ tự từ phòng 1-8). Thời Mỹ - ngụy, chúng cho xây thêm 2 phòng 9 và 10 phía sau bệnh xá. Ở phòng 10, chúng dùng làm khu biệt lập để bổ sung cho khu chuồng cọp, nên ngăn ra 15 khu biệt giam, trên trần không có song sắt như chuồng cọp, chỉ đan bằng kẽm gai chằng chịt.

Banh III phụ hay là Lao III, Trại phụ Bác Ái, Trại 4 và tên gọi cuối cùng là Trại Phú Tường, thực dân Pháp xây dựng từ năm 1941 trên diện tích 5.804m². Trại Phú Tường gồm 8 phòng giam tập thể (chia làm 2 dãy, mỗi dãy 4 phòng), các công trình phụ.

Năm 1962, thời Mỹ - ngụy, chúng cho xây Trại 5, hay còn gọi là Trại Phú Phong. Banh III cùng với Banh III phụ và Trại Phú Phong tạo thành một cụm bao quanh khu biệt lập khét tiếng "Chuồng cọp Pháp". "Chuồng cọp Pháp" được xây dựng vào năm 1940 gồm 120 phòng biệt giam (chia làm 2 khu, mỗi khu 60 phòng). Bên trên mỗi phòng có song sắt kiên cố và có hành lang ở giữa dành cho cai ngục, trật tự đi lại kiểm soát, hành hạ người tù (ném vôi bột, dội nước bẩn, dùng gậy đâm thẳng vào người). Ngoài ra, khu này còn có 60 phòng không có mái che được gọi với cái tên "mỹ miều" là "Phòng tắm nắng". Thực chất, đây là nơi chúng dùng để phơi nắng, phơi mưa người tù hoặc là lôi người tù ra đó để đánh đập tra tấn. Cuối năm 1970, Mỹ - Thiệu ra lệnh giải tỏa chuồng cọp để xoa dịu làn sóng đấu tranh của tù nhân cũng như phong trào yêu nước ở miền Nam Việt Nam và dư luận quốc tế.

Khu Biệt lập Chuồng Bò được Pháp xây dựng từ năm 1930, thời Mỹ - ngụy còn gọi là Trại An Ninh Chuồng Bò. Khu này bao gồm 9 phòng biệt giam, 24 hộc chứa heo, 2 chuồng nhốt bò, một hầm chứa phân bò. Năm 1963, để mở rộng nhà tù, Mỹ - ngụy sửa 24 hộc nuôi heo thành 24 phòng giam. Hầm phân bò sâu 3m, chia làm 2 ngăn có hệ thống cống ngầm từ chuồng nuôi bò dẫn sang. Địch sử dụng hầm phân bò này để ngâm người tù xuống đó tra tấn hành hạ cực kỳ dã man và bí mật. Do các vết thương hở lại bị ngâm mình xuống hầm phân bò nên rất dễ bị hoại tử, người tù phải chịu đựng, chứng kiến cảnh xương thịt mình bị chết từng giờ, từng phút, trong sự đau đớn.

Với các trại giam thời Mỹ - ngụy, như đã trình bày, Trại Phú Phong được xây dựng năm 1962, có 12 phòng giam tập thể, chia làm 3 dãy và 1 khu nhà bếp.

Trại 6 hay còn gọi là Trại Phú An, được xây dựng năm 1968, với tổng diện tích 42.140m², gồm 20 phòng giam và 8 xà lim, được chia làm 2 khu A và B (mỗi khu có 10 phòng giam và 4 xà lim).

Trại 7 hay là Trại Phú Bình, cũng được gọi là "Chuồng cọp kiểu Mỹ", xây dựng xong năm 1971. Nơi đây có 384 phòng biệt giam, chia ra làm 4 khu: AB-CD-EF-GH. Mỗi khu có 2 dãy, mỗi dãy có 48 phòng. Đây là kiểu nhà giam đặc biệt bằng bê-tông không có bệ nằm, người tù phải nằm dưới nền xi măng ẩm thấp. Trại Phú Bình chính là nơi nổi dậy đầu tiên, lúc 12 giờ đêm 30-4, rạng sáng 1-5-1975, tại khu GH, giải phóng Nhà tù Côn Đảo thoát khỏi cảnh "Địa ngục trần gian" suốt 113 năm.

Trại 8, hay Trại Phú Hưng, xây dựng năm 1971, thiết kế gồm 20 phòng giam và 8 xà lim, chia ra làm 2 khu, mỗi khu 10 phòng và 4 xà lim. Nhưng chúng chỉ hoàn tất được 10 phòng giam, còn 10 phòng và 8 xà lim đang xây dang dở thì Hiệp định Paris được ký kết nên bỏ dở.

Trại 9 là nơi Mỹ - ngụy đang cho đổ bê-tông, đúc cột, nền thì bỏ dở do Hiệp định Paris được ký kết.

Bên cạnh hệ thống nhà tù, Côn Đảo còn có các sở tù để đày ải người tù làm lao dịch khổ sai nhằm giết dần, giết mòn sinh mạng người tù. Đồng thời, địch muốn người tù phải phục vụ toàn diện các mặt đời sống cho bộ máy hành chính của chúng.

Theo các tài liệu, tính đến khoảng năm 1930, có ít nhất 18 sở tù đã đi vào hoạt động. Sở Lưới là nơi chuyên đánh bắt hải sản, quản lý ghe xuồng, khi cần thì truy bắt tù vượt ngục trên biển. Sở Ruộng chuyên đóng cày bừa, sản xuất dụng cụ canh tác và làm ruộng. Sở Làm Đá chuyên khai thác đá, dưới chân núi Chúa. Sở Kéo Cây chuyên khai thác gỗ lớn, Sở Chuồng Bò thực hiện việc chăn nuôi bò, heo và kiếm củi dùng vào: nhà máy nhiệt điện, hầm than, nung vôi và nấu bếp. Sở Lò Gạch sản xuất gạch xây dựng các nhà ở và trại giam. Cùng với các sở tù gắn liền với công việc đặc thù như Sở Lò Vôi, Sở Muối, Sở Bản Chế (tiểu thủ công nghiệp), Sở Tiêu, Sở Rẫy An Hải, Sở Cỏ Ống, Sở Hòa Ni (trồng cây va-ni), Sở Bông Hồng, Sở Rẫy Ông Lớn, Sở Ông Dụng (trồng hoa màu), Sở Vệ Sinh, Sở Đất Dốc.

Khu nhà chúa Đảo, là nơi ở và làm việc của 53 tên chúa Đảo trải 113 năm (1862-1975).

Ngoài ra, ở Côn Đảo còn có nhiều di tích lưu dấu những tội ác dã man, khủng khiếp của địch đối với các thế hệ người tù. Đơn cử là cầu Ma Thiên Lãnh. Từ năm 1930-1945, thực dân Pháp mở nhánh đến Sở Ông Câu để tiện việc kiểm soát tù vượt ngục. Bọn chúa ngục bắt tù nhân khiêng đá xây trên đèo Ông Đụng một cây cầu. Do địa thế núi cheo leo, hiểm trở, lao dịch nặng nhọc quá sức, đã có đến 356 người tù bị chết (theo người tù nhẩm tính) mà chỉ mới xây được 2 mố cầu, mỗi mố cao khoảng 8m. Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, công trình này bỏ dở dang.

Cầu tàu lịch sử 914 cũng là chứng tích về tội ác của địch. Cầu tàu nằm tại khu trung tâm bãi biển chính của Côn Đảo, phía trước nhà chúa Đảo, được khởi sự xây dựng từ năm 1873. Đây là nơi chứng kiến nỗi cực nhục của những người tù bị đày ra đảo. Nhiều người chỉ qua cầu có một lần rồi vĩnh viễn yên nghỉ tại Côn Đảo. Con số 914 được đặt tên cho cầu là do người tù nhẩm tính số người tù ngã xuống vì lao dịch, tai nạn trong quá trình khổ sai xây cầu.

*

*   *

Những câu chuyện ở Côn Đảo, về Nhà tù Côn Đảo, càng nghe lại càng thấy giá trị của hòa bình hôm nay vô giá đến dường nào!

Ðôi nét về Côn Ðảo

Côn Ðảo là quần đảo tiền tiêu nằm ở Ðông Nam nước ta, gồm 16 hòn đảo lớn nhỏ, tổng diện tích cả quần đảo là 76km2. Ngày 1-5-1975, Côn Ðảo hoàn toàn giải phóng, thoát khỏi cảnh "địa ngục trần gian" suốt 113 năm. Tháng 5-1975, Côn Ðảo được gọi là tỉnh Côn Ðảo. Tháng 1-1977, Côn Ðảo là huyện, thuộc tỉnh Hậu Giang. Tháng 5-1979, thành lập quận Côn Ðảo, thuộc Ðặc khu Vũng Tàu - Côn Ðảo. Từ tháng 10-1991 đến nay, huyện Côn Ðảo thuộc tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.

Bài, ảnh: ĐĂNG HUỲNH

 

Bài viết có tham khảo một số tư liệu do Ban Quản lý Di tích Côn Đảo biên soạn)

 
Chia sẻ bài viết