20/07/2025 - 12:03

Gò Công
“Địa linh nhân kiệt” 

Gò Công, tên chữ Khổng Tước Nguyên, là vùng đất lâu đời, giàu truyền thống lịch sử, văn hóa ở miền Tây Nam Bộ. Từ bao đời qua, Gò Công trứ danh “địa linh nhân kiệt”, quê hương của nhiều bậc hào kiệt, trâm anh; giữ thế đất vượng khí, đất lành, đất phước. Vùng đất Gò Công nay thuộc tỉnh Đồng Tháp.

Gian thờ Anh hùng dân tộc Trương Định bên trong Đền thờ.

“Ông Trương “đám lá tối trời” đánh Tây”

Ở Gò Công, dân gian truyền tụng câu ca rằng:

“Gò Công anh dũng tuyệt vời

Ông Trương “Đám lá tối trời” đánh Tây”

Hay là:

“Tiếng đồn Đám lá tối trời

Có ông Trương Định trải phơi gan vàng”

Đó là lời ngợi ca sự uy dũng của Anh hùng dân tộc Trương Định trên đất Gò Công, với cuộc khởi nghĩa chống thực dân Pháp rất sớm và có sức ảnh hưởng lớn. Về vùng đất này, dễ dàng bắt gặp nhiều di tích liên quan đến cuộc Khởi nghĩa Trương Định. Với người dân bản xứ, Anh hùng Trương Định như một vị Linh Thần, bảo an, hộ mệnh. Đặc biệt, năm 2024, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định xếp hạng Di tích Quốc gia đặc biệt Các địa điểm Khởi nghĩa Trương Định tại tỉnh Tiền Giang (nay là tỉnh Đồng Tháp).

Tiêu biểu là di tích Mộ và Đền thờ Trương Định ở phường Gò Công. Khu di tích rất khang trang, cổ kính, tọa lạc giữa đô thị Gò Công trầm mặc, khói hương nghi ngút quanh năm, thu hút rất đông khách viếng. Sau khi Anh hùng Trương Định tuẫn tiết vào năm 1864, người vợ thứ của ông là bà Trần Thị Sanh tổ chức tang lễ, xây mộ phần bằng đá ong, nghiêm cẩn lập bia mộ “Bình Tây Đại Tướng quân, Trương Công Định chi mộ”. Tuy nhiên, Pháp chướng mắt nên cho đục dòng chữ “Bình Tây Đại Tướng quân”. Đến khoảng năm 1930, gia đình ông Đốc Phủ Hải, là cháu ngoại rể của bà Trần Thị Sanh, gọi Anh hùng Trương Định là ông ngoại dượng, đã trùng tu ngôi mộ, cho xây thêm vòng thành đá, thay bia mới với nội dung “Đại Nam - Phần Dũng Đại Tướng quân, truy tặng Ngũ quân Quận công, Trương Công Định chi mộ”, phần lạc khoản ghi ngày ông tuẫn tiết (20-8-1964) và đề “Trần Thị Sanh lập thạch”.

Đến năm 1973, nhân dân địa phương tổ chức xây ngôi đền thờ khang trang với chân dung Anh hùng dân tộc đặt ngay chính điện, bên trong sau chân dung là tượng đồng nguyên khối của ông. Hai bên thờ “tả văn ban, hữu võ bá”. Đền thờ có nhiều câu đối do nhân dân địa phương viết để thờ các vị quan văn và quan võ của ông. Hai bên vách đền còn có nhiều bia khắc các câu nói lẫm liệt của Anh hùng Trương Định, đơn cử như: “Chúng ta thề sẽ đánh mãi và đánh không ngừng. Khi ta thiếu tất cả sẽ bẻ nhánh cây làm cờ, lấy gậy gộc làm võ khí, cho quân lính ta”.

Di tích thành phần thứ hai là Lũy Pháo đài của nghĩa quân Trương Định (xã Tân Phú Đông, tỉnh Đồng Tháp). Đây vốn là bảo (hiểu là đồn, thành nhưng quy mô khác) do triều vua Minh Mạng xây dựng, gọi là Đồn Từ Linh. Sau khi thành Định Tường thất thủ, tháng 4-1861, Anh hùng Trương Định về Tân Hòa xây dựng căn cứ kháng Pháp và dùng đồn Từ Linh làm chiến lũy, gọi là Lũy Pháo đài, có trang bị súng thần công. Hiện nay, Lũy pháo đài vẫn còn nhiều di tích quan trọng như hào nước, thành lũy và các công trình bên trong thành lũy…

Tại xã Gia Thuận, tỉnh Đồng Tháp, hiện có di tích Đền thờ Trương Định. Sau khi Anh hùng Trương Định tuẫn tiết, nhân dân Gia Thuận đã lập đền thờ, dù trong vùng giặc bao vây, kiểm soát, cấm đoán gắt gao. Đền thờ lúc đầu chỉ bằng tre lá đơn sơ, với vỏ bọc Đình Gia Thuận. Đầu thế kỷ XX, Đền thờ được dựng lại khang trang bằng gỗ quý, lợp ngói. Thời kháng chiến chống Pháp, giặc lấy đền làm đồn, sau khì phá tan tành. Năm 1956, nhân dân Gia Thuận xây dựng lại Đền thờ trên nền đất cũ và được gìn giữ, trùng tu tôn tạo đến hôm nay.

Di tích nổi tiếng bậc nhất liên quan đến Khởi nghĩa Trương Định là Đám lá tối trời ở làng Gia Thuận (nay là xã Gia Thuận, tỉnh Đồng Tháp). Những năm 60 của thế kỷ XIX, đây là vùng đất hoang vu, lá dừa nước um tùm, tối tăm, dân trong vùng gọi là “Đám là tối trời”. Thấy được địa thế quân sự có lợi tại đây, nghĩa quân Trương Định đã chọn lập căn cứ địa. Chính nơi đây, ông đã viết Hịch kêu gọi các tầng lớp nhân dân và sĩ phu Nam kỳ lục tỉnh đứng lên chống lại ách xâm lược của giặc Pháp. Lời Hịch có đoạn: “Lòng dân đã muốn ta lên làm Nguyên nhung ba tỉnh. Ta trông vào lòng yêu thương không phai lạt của mọi người đối với ta. Thế là xong bất dung tha giặc cướp”. Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ, “Đám lá tối trời” cũng được chọn làm nơi đóng nhiều cơ quan của cách mạng như công binh xưởng, trạm y tế...

Di tích quan trọng nữa là Ao Dinh (nay thuộc xã Tân Đông, tỉnh Đồng Tháp). Chính nơi đây, đêm 19 rạng ngày 20-8-1864, tay sai Huỳnh Văn Tấn đã dẫn quân Pháp bao vây nơi Anh hùng Trương Định và nghĩa quân đóng trú. Mở vòng vây quân thù, Anh hùng Trương Định đã trúng đạn và tuẫn tiết tại Ao Dinh.

Hằng năm, vào các ngày 18, 19, 20 tháng 8 (dương lịch), Lễ hội Trương Định được tổ chức ở nhiều địa phương của xứ Gò Công, nay được đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Gò Rùa - đất Hoàng Gia

Giữa tháng 6 âm lịch vừa qua, phường Sơn Qui, tỉnh Đồng Tháp đã long trọng tổ chức Lễ giỗ 200 năm Đức Quốc Công Phạm Đăng Hưng (1825-2025) tại Di tích Lăng Hoàng Gia.

Bên trong Lăng Hoàng Gia.

Sơn Qui, tục gọi Gò Rùa, là vùng đất vượng khí, địa linh, nơi sinh của bậc mẫu nghi thiên hạ. Lăng Hoàng gia được xây dựng năm 1826, gồm lăng thờ dòng họ Phạm Đăng và khu mộ Đức Quốc Công Phạm Đăng Hưng. Dòng họ Phạm Đăng 5 đời làm quan lớn trong triều, học rộng tài cao, người người ngưỡng vọng. Trong Lăng Hoàng Gia thờ phượng 5 bậc công thần triều Nguyễn của dòng họ Phạm Đăng. Chính vị là Lễ Bộ Thượng thư - Đức Quốc Công Phạm Đăng Hưng; hai ngai bên phải (từ ngoài nhìn vào) thờ Phúc An Hầu Phạm Đăng Long (cha của ông), Mỵ Khánh Tử Phạm Đăng Tiên (ông cố của ông); bên trái thờ Bình Thạnh Bá Phạm Đăng Dinh (ông nội của ông), Thiềm Sự Phủ - Phạm Đăng Khoa (ông sơ của ông). Cách nay vài năm, trước ngai thờ Đức Quốc Công Phạm Đăng Hưng có đặt ban thờ và tượng đồng Đức Thái hậu Từ Dũ, con gái của Đức Quốc Công.

Nhân vật được nhiều người nhắc ở Lăng Hoàng Gia là ông Phạm Đăng Long, người khai phá vùng đất này và chính ông đã đặt tên vùng đất là Sơn Qui. Còn ông Phạm Đăng Hưng là con trai thứ 3 của ông Phạm Đăng Long, sinh năm 1764, văn võ song toàn, làm đến chức Lễ bộ Thượng thư triều Nguyễn và từng được giao giữ Kinh thành Huế. Ông Phạm Đăng Hưng còn là thông gia 2 lần với vua Minh Mạng. Đó là con trai ông - ông Phạm Đăng Thuật làm quan đến chức Lang trung Bộ Lễ, cưới công chúa Nguyệt Đình, được ban chức Phò mã Đô úy. Hoàng tử Miên Tông (con vua Minh Mạng) - sau này là vua Thiệu Trị, cưới con gái của ông Phạm Đăng Hưng là Phạm Thị Hằng. Bà Phạm Thị Hằng sau này là bậc mẫu nghi thiên hạ - Đức Thái hậu Từ Dũ.

Một chi tiết hay về Gò Rùa là một trong những đại bản doanh của nghĩa quân Trương Định, với sự hậu thuẫn của Đức Thái hậu Từ Dũ. Bà lấy cớ “long mạch bị động” nên ra lệnh cho đắp lũy thành ở Gò Rùa nhưng thực chất là giúp nghĩa quân Trương Định đắp lũy chống giặc. Sự kiện này được nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu nhắc tới khi làm bài “Điếu Trương Định”:

“Mây giăng Truông Cóc đường quan vắng

Trăng xế Gò Rùa tiếng đẩu tan”

Trong khuôn viên Lăng Hoàng Gia có giếng nước cổ, do ông Phạm Đăng Long đào, để lấy nước xài, vì đây là vùng gần biển, hay khô hạn và hiếm mạch nước ngọt. Với tài địa lý, phong thủy, ông Phạm Đăng Long đã đào trúng mạch nước. Dân gian còn truyền nhau chuyện lạ khi vợ ông Phạm Đăng Hưng hạ sinh con gái Phạm Thị Hằng, các giếng nước trong vùng lúc này cạn khô, chỉ riêng giếng nước của gia tộc Phạm Đăng là đầy nước ngọt, mát lạnh ngay khi đã múc lên bờ. Nhờ giếng này mà dân trong vùng được cứu khỏi nạn khô hạn. Ai nấy đều biết ơn gia tộc Phạm Đăng. Chuyện nữa là khi vợ ông Phạm Đăng Hưng sinh con gái, xuất hiện vầng trăng sáng soi Gò Rùa. Thấy vậy, ông đặt tên con là Hằng, mong con làm nên nghiệp lớn. Quả nhiên, người con gái đất Gò Công ấy sau xứng danh bậc mẫu nghi thiên hạ. Trong “Nam kỳ phong tục nhân vật diễn ca”, tác giả Nguyễn Liên Phong đã hết lòng ca ngợi:

“Thiệt là một chỗ địa linh

Phát Hoàng Thái hậu hiển vinh họ hàng”

Năm 1992, Lăng Hoàng Gia được Bộ Văn hóa - Thông tin xếp hạng Di tích Lịch sử - Văn hóa cấp quốc gia.

*   *   *

Về Gò Công bây giờ, nhiều huyền tích xưa về vùng đất địa “linh nhân kiệt” vẫn được người dân nhắc nhớ bằng niềm tự hào và lòng tri ân tiền nhân.

Bài, ảnh: DUY KHÔI

Chia sẻ bài viết