19/04/2024 - 14:58

Tin tức thế giới ngày 19-4 

Nhật Bản xả nước thải đợt thứ 5 từ nhà máy điện hạt nhân Fukushima

Ngày 19-4, Công ty Điện lực Tokyo (TEPCO) của Nhật Bản thông báo bắt đầu đợt xả thứ 5 lượng nước nhiễm phóng xạ đã qua xử lý từ nhà máy điện hạt nhân Fukushima số 1 ra biển.

Trong đợt xả lần này, kéo dài đến ngày 7-5, 7.800 tấn nước sẽ được xả. Trước khi xả nước, TEPCO đảm bảo nồng độ phóng xạ đạt tiêu chuẩn an toàn đặt ra. Nước được xử lý qua hệ thống ALPS tiến tiến, loại bỏ hầu hết các chất gây ô nhiễm ngoại trừ tritium tương đối không độc hại. Trong 4 đợt xả trước, TEPCO cho biết lượng phóng xạ tritium được ghi nhận là 22 becquerel trên mỗi lít nước biển, trong các mẫu lấy từ các khu vực gần nhà máy. Con số này thấp hơn nhiều so với giới hạn của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) là 10.000 becquerel/lít đối với nước uống.

Việc xả nước thải nhiễm phóng xạ đã qua xử lý là bước quan trọng nhằm giải quyết hậu quả của cuộc khủng hoảng hạt nhân tại nhà máy Fukushima số 1, sau trận động đất và sóng thần lớn vào năm 2011. Kể từ khi bắt đầu xả nước thải vào ngày 24-8-2023 đến nay TEPCO đã xả khoảng 31.200 tấn nước ra biển. Công ty có kế hoạch xả tổng cộng khoảng 54.600 tấn trong 7 đợt xả trong tài khóa hiện nay (tính đến hết tháng 3-2025).

Nhân viên của nhà máy điện Fukushima Daiichi rời đi sau khi kiểm tra đường ống xả nước thải. Ảnh: Reuters


UAE bắt tay vào dọn dẹp sau trận lụt lịch sử

Dubai, một thành phố trên sa mạc tự hào về độ hiện đại và sạch đẹp của Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE), đang bắt tay vào dọn sạch những con đường và ngôi nhà bị ngập nước, hai ngày sau khi một cơn bão gây ra trận lụt lịch sử hôm 16-4.

Tổng thống UAE Sheikh Mohammed bin Zayed Al Nahyan đã chỉ đạo các cơ quan chức năng đánh giá thiệt hại và cung cấp hỗ trợ cho các gia đình bị ảnh hưởng của bão. Thái tử Dubai Sheikh Hamdan bin Rashid Al Maktoum nhấn mạnh sự an toàn của người dân và du khách là ưu tiên hàng đầu.

Đây là trận mưa lớn nhất mà UAE phải trải qua trong 75 năm qua, khiến phần lớn đất nước bị tê liệt và gây ra thiệt hại đáng kể. Tại Dubai, tiểu vương quốc đông dân nhất UAE, giao thông vẫn bị gián đoạn ngay cả khi các dịch vụ giao thông công cộng hoạt động trở lại. Sân bay Dubai vẫn chưa hoạt động như bình thường sau khi cơn bão làm ngập các đường băng, buộc các chuyến bay phải chuyển hướng, hoãn và hủy. Sân bay cũng đang gặp khó khăn trong việc cung cấp thức ăn cho những hành khách mắc kẹt vì những con đường gần đó bị ngập lụt. Tại Abu Dhabi, một số siêu thị và nhà hàng phải đối mặt với tình trạng thiếu sản phẩm, do không thể nhận hàng từ Dubai.

Mưa rất hiếm ở UAE và những nơi khác trên Bán đảo Arab, nơi thường được biết đến với khí hậu sa mạc khô hạn, nhiệt độ không khí mùa Hè có thể lên tới trên 50oC.

Các chuyên gia khí hậu giải thích sự nóng lên toàn cầu là nguyên nhân gây ra những hiện tượng thời tiết khắc nghiệt như trận lụt lịch sử vừa qua. Họ dự đoán biến đổi khí hậu sẽ khiến nhiệt độ tăng cao, độ ẩm tăng và nguy cơ lũ lụt cao hơn ở các vùng của vùng Vịnh. Các quốc gia như UAE, nơi thiếu cơ sở hạ tầng thoát nước để đối phó với mưa lớn có thể bị ảnh hưởng nặng nề nhất.

Ảnh: CNN

PV (TTXVN)

Chia sẻ bài viết