02/05/2024 - 08:05

Khát vọng hòa bình
Bài cuối: Giữ nước thời bình 

Gần nửa thế kỷ được sống trong hòa bình, no ấm, các thế hệ kế thừa càng trân trọng giá trị của hòa bình, tri ân những thế hệ đi trước và càng nhận thức rõ trách nhiệm của mình trong công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước. Cùng với thế hệ trẻ, những “Bộ đội Cụ Hồ” năm xưa tiếp tục hành trình giúp đỡ đồng đội, “truyền lửa”, hun đúc lòng yêu nước, giáo dục truyền thống cách mạng cho đời sau... Ðó cũng là quyết tâm thực hiện mong muốn của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “...Ðến ngày thắng lợi, nhân dân ta sẽ xây dựng lại đất nước ta đàng hoàng hơn, to đẹp hơn!”.

Đồng chí Nguyễn Văn Hiếu (thứ hai từ phải sang), Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy Cần Thơ
dự lễ giỗ lần thứ 15 của cán bộ, chiến sĩ Biệt động thành phố hy sinh trong thời kỳ kháng chiến chống đế quốc Mỹ.

Giữ trọn lời thề

Ðầu tháng 3-2024, Ban Liên lạc (BLL) Truyền thống cựu chiến binh Biệt động TP Cần Thơ phối hợp tổ chức họp mặt kỷ niệm 59 năm Ngày thành lập Biệt động TP Cần Thơ (3/2/1965-3/2/2024) và lễ giỗ lần thứ 15 cho tập thể cán bộ, chiến sĩ Biệt động thành phố, tại Khu Di tích lịch sử - văn hóa Vườn Mận, quận Bình Thủy. Trong vòng tay ấm áp của đồng chí, đồng đội và gia đình, các cựu chiến binh ôn lại truyền thống hào hùng, kỷ niệm những ngày bám trụ vùng ven Cần Thơ, Lộ Vòng Cung, được nhân dân cưu mang, che chở trong thời kỳ kháng chiến… Ðại tá Võ Tấn Dũng (Tư Dũng), nguyên Phó Chỉ huy trưởng - Tham mưu trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Cần Thơ, kể: “Trong những ngày khó khăn, gian khổ, ác liệt của chiến tranh, chúng tôi luôn động viên nhau, chia nhau từng miếng cơm, điếu thuốc. Ngày đó, chúng tôi hứa với nhau sau này hòa bình lập lại, đứa nào còn sống sẽ hương khói cho những người ngã xuống vì độc lập, tự do”.

Trong 10 năm kháng chiến (1965-1975), 207 cán bộ, chiến sĩ Biệt động thành phố đã hy sinh. Bằng tình cảm, trách nhiệm của người còn sống, ông Tư Dũng và các đồng đội đã vận động thực hiện tập ảnh “Biệt động TP Cần Thơ 1954-1976”; sưu tầm được 679 trường hợp, 305 hình ảnh lãnh đạo, chỉ huy, cán bộ, chiến sĩ các đơn vị, gia đình có công nuôi chứa cách mạng tiêu biểu; vận động tặng 10 căn nhà Ðồng đội, trị giá khoảng 350 triệu đồng… Riêng ông Tư Dũng tham gia tổ chức 156 cuộc giáo dục truyền thống cách mạng cho đoàn viên, thanh niên, học sinh. BLL đang phối hợp, tham mưu Bộ Chỉ huy Quân sự thành phố và các cơ quan, đơn vị có liên quan nghiên cứu, đề xuất trùng tu, tôn tạo, nâng cấp Khu Di tích lịch sử - văn hóa Vườn Mận; xây dựng nhà truyền thống lực lượng vũ trang thành phố, trong đó có Biệt động Cần Thơ để lưu giữ các kỷ vật, góp phần giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ...

Sống trong hòa bình, an hưởng tuổi già, Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân, Thiếu tướng Lê Thanh Sơn (Ba Ngay), nguyên Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Cần Thơ, luôn nhớ những đồng đội sống chết có nhau trong kháng chiến nhưng cuộc sống vẫn còn khó khăn sau ngày giải phóng. Vì vậy, năm 2002, ông Ba Ngay và các cựu chiến binh Tiểu đoàn Tây Ðô (TÐTÐ) đã thành lập BLL Cựu chiến binh TÐTÐ. Trong lần họp mặt đầu tiên, lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh Cần Thơ đã hỗ trợ BLL một khoản tiền. Sau đó, BLL cất căn nhà đầu tiên cho ông Tư Nhâm ở xã Phú Hữu, huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang, trị giá khoảng 7 triệu đồng. 20 năm sau đó, ông Ba Ngay và BLL Cựu chiến binh TÐTÐ đã vận động cất hơn 1.200 căn nhà, trị giá từ 10-50 triệu đồng/căn, tặng đồng đội. Nay tuổi cao, sức yếu, ông Ba Ngay không trực tiếp phụ trách BLL, nhưng luôn tham gia các hoạt động hỗ trợ BLL để chăm lo đồng đội.

Theo ông Lê Minh Phụng, Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh huyện Phong Ðiền, Phó Trưởng BLL Cựu chiến binh TÐTÐ, sau khi kiện toàn BLL, từ tháng 4-2020 đến nay, BLL đã vận động xây dựng trên 130 căn nhà tặng các cựu chiến binh có hoàn cảnh khó khăn, mỗi căn nhà trị giá từ 50-80 triệu đồng; thăm và tặng 3.000 phần quà các gia đình chính sách, cựu chiến binh với số tiền 3 tỉ đồng... Ðặc biệt, BLL vận động thực hiện 6 công trình bia kỷ niệm chiến thắng của TÐTÐ; xây dựng trụ sở BLL; làm đường giao thông ở các địa phương TÐTÐ từng chiến đấu thuộc huyện Phong Ðiền (TP Cần Thơ), huyện Long Mỹ (tỉnh Hậu Giang), thị xã Tân Châu (tỉnh An Giang), huyện Giồng Riềng, huyện Tân Hiệp (tỉnh Kiên Giang)… Tổng số tiền các công trình hơn 21 tỉ đồng.

Tiếp nối truyền thống anh hùng

Thượng tá Nguyễn Minh Phong, Giám đốc Bệnh viện Quân Dân y TP Cần Thơ (huyện Cờ Ðỏ), luôn nhớ lời cha là Thầy thuốc Nhân dân, Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân Nguyễn Văn Út (Bảy Ðồng Minh) dạy: “Bác sĩ phải luôn tận tâm phục vụ người bệnh, nhất là bà con ở vùng sâu, vùng xa”. Hơn 30 năm công tác trong ngành Quân y, ở vị trí công tác nào anh Phong cũng luôn tận tụy, hết lòng vì người bệnh. Tháng 4-2017, anh Phong được biệt phái từ Bệnh viện Quân y 121 (Quân khu 9) về Bệnh viện Quân Dân y TP Cần Thơ. Anh Phong đã tham mưu, đề xuất xây dựng bệnh viện thành nơi tin cậy của nhân dân; chăm lo tốt đời sống y, bác sĩ, người lao động.

Anh Minh Phong đã có 10 đề tài nghiên cứu khoa học được Hội đồng Khoa học cấp cơ sở thông qua. Trong đó, nhiều kỹ thuật đang được ứng dụng tại bệnh viện, như: phẫu thuật chuyển gân điều trị liệt thấp thần kinh quay; điều trị gãy thân xương đòn; điều trị gãy thân xương bánh chè… Nhiều người bệnh trong và ngoài thành phố tìm đến Bệnh viện Quân Dân y thành phố để điều trị các bệnh lý về xương, khớp và thực hiện vi phẫu với bác sĩ Phong. Anh Lê Văn Thành ở xã Thạnh Phú, huyện Cờ Ðỏ kể: “Năm 2019, tôi đang lắp mái che thì bị té vô hàng rào chì gai, thủng cùi chỏ. Tôi đến một số bệnh viện để điều trị, nhưng tay không cử động được. Tôi nghe giới thiệu và tìm đến nhờ anh Phong phẫu thuật. Hơn 1 tháng sau, tay tôi đã vận động bình thường. Sau ca phẫu thuật, anh Phong còn xin số điện để hỏi thăm sức khỏe của tôi”.

PGS.TS Huỳnh Trọng Phước (thứ ba từ trái sang) đang trao đổi với các sinh viên, học viên cao học.

Anh Phong thường xuyên động viên, nhắc nhở các bác sĩ khám bệnh tỉ mỉ, không bỏ sót bệnh lý để chữa trị dứt điểm; tư vấn tận tình cho người bệnh về cách dùng thuốc, thời gian điều trị. Anh Phong còn vận động, tổ chức các đợt khám bệnh và cấp thuốc miễn phí, tặng quà người dân địa phương vào dịp Tết Nguyên đán, Chôl Chnăm Thmây… với tổng số tiền khoảng 200 triệu đồng/năm. Anh Phong chia sẻ: “Bây giờ, bác sĩ có điều kiện làm việc tốt hơn trong kháng chiến. Tôi thường nhắc nhở, động viên các đồng nghiệp chung sức, đồng lòng, đoàn kết; không chủ quan vì có thiết bị hiện đại và cần phải thường xuyên nâng cao trình độ chuyên môn. Sắp tới, chúng tôi sẽ triển khai nhiều kỹ thuật mới trong khám, chữa bệnh để góp phần chăm sóc tốt hơn sức khỏe cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang thành phố và nhân dân”.

Giữa cái nắng tháng Tư gay gắt, chúng tôi gặp PGS.TS Huỳnh Trọng Phước, Trưởng Phòng Thí nghiệm kết cấu công trình, Trường Ðại học Cần Thơ, khi anh đang hướng dẫn sinh viên, học viên cao học chế tạo các mẫu bê tông. Ðây là phần việc trong đề tài “Nghiên cứu cấp phối bê tông cho công trình đường nông thôn sử dụng làm lượng tro bay cao”. Bốn tháng nay, các thầy trò dành mỗi tuần 3-4 buổi để chế tạo hàng trăm mẫu bê tông phục vụ nghiên cứu, đánh giá hiệu quả. Buổi trưa, anh Phước đặt cơm cùng ăn với sinh viên, học viên tại khu vực nghiên cứu để tiện trao đổi thêm các vấn đề. Anh Lâm Trí Khang, cựu sinh viên ngành Kỹ thuật xây dựng khóa 42, đang học cao học, cho biết: “Tôi tham gia nghiên cứu nhiều công trình khoa học với thầy Phước khi còn là sinh viên, nay tiếp tục được làm việc với thầy. Trong công việc, thầy là người tận tâm, luôn hướng dẫn chúng tôi khám phá những kiến thức mới, bám sát xu hướng phát triển của ngành xây dựng trên thế giới”.

36 tuổi, anh Phước là một trong những PGS.TS trẻ nhất của Trường Ðại học Cần Thơ. Từ năm 2018 đến nay, anh Phước đã hướng dẫn hàng trăm sinh viên, học viên cao học thực hiện nghiên cứu khoa học; hỗ trợ hướng dẫn chuyên đề cho các nghiên cứu sinh... Anh Phước đã công bố khoảng 90 bài báo khoa học chuyên ngành trên các tạp chí khoa học uy tín quốc tế và trong nước. Các nghiên cứu phần nhiều xoay quanh mảng vật liệu xây dựng mới, sản xuất vật liệu thân thiện với môi trường trên cơ sở sử dụng có hiệu quả nguồn tài nguyên thiên nhiên, tận dụng tối đa nguồn phụ, phế phẩm từ các hoạt động công nghiệp, nông nghiệp theo xu thế phát triển bền vững. Cuối năm 2023, anh Phước là 1 trong 10 cá nhân được Trung ương Ðoàn TNCS Hồ Chí Minh và Bộ Khoa học và Công nghệ trao tặng Giải thưởng khoa học công nghệ Quả Cầu vàng năm 2023 vì có nhiều đóng góp nổi bật trong nghiên cứu ở lĩnh vực công nghệ vật liệu mới.

Trong chiến tranh, ông bà nội của anh Phước là cơ sở nuôi chứa cách mạng. Truyền thống gia đình, tình yêu quê hương thôi thúc anh nỗ lực cống hiến, kế thừa xứng đáng sự nghiệp của thế hệ đi trước. Hiện nay, anh Phước đã tìm được những nguồn vật liệu mới để chế tạo gạch không nung, vữa xây dựng; các loại bê tông, vật liệu san lấp... Các vật liệu được anh phát triển đều đáp ứng các tiêu chuẩn kỹ thuật. Một số công trình nghiên cứu của anh Phước liên quan đến việc sử dụng tro xỉ từ nhà máy nhiệt điện than để chế tạo bê tông và gạch lát bê tông đã được ứng dụng làm tuyến đường bê tông dài 140m và lát gạch ở một trường học thuộc địa bàn tỉnh Hậu Giang.

Sắp tới, anh Phước sẽ phối hợp Sở Khoa học và Công nghệ TP Cần Thơ triển khai thực hiện đề tài nghiên cứu sản xuất và lát thử nghiệm gạch bê tông chế tạo từ tro xỉ nhà máy đốt rác phát điện. “Tôi mong muốn góp phần giúp thành phố sạch, xanh hơn thông qua việc chế tạo và ứng dụng các loại vật liệu mới trong xây dựng bền vững các công trình. Hiện nay, tôi đang tìm hiểu, nghiên cứu thêm một số dạng vật liệu mới từ rác thải thủy tinh tái chế, bã mía, rơm rạ… vì thành phố và các khu vực lân cận đang rất dồi dào nguồn nguyên liệu này” - anh Phước chia sẻ.

* * *

Tháng Tư, cờ đỏ sao vàng rợp bóng trên phố phường. Sống giữa bình yên và hạnh phúc, thế hệ trẻ kế thừa càng trân quý giá trị của hòa bình, càng thấy rõ trách nhiệm góp phần xây quê hương, bảo vệ Tổ quốc, tiếp nối xứng đáng truyền thống cách mạng, khát vọng hòa bình của ông cha…

Bài, ảnh: PHẠM TRUNG

Chia sẻ bài viết