28/04/2024 - 08:13

Ông Út Lơ và hành trình bứt phá vươn lên làm giàu 

Đến ấp Nhơn Phú 1, xã Nhơn Nghĩa, huyện Phong Điền hỏi về ông Phạm Văn Lơ (tên thân mật là Út Lơ), ai cũng biết tiếng. Bởi ông Út Lơ không chỉ người tiên phong canh tác nhãn Ido theo tiêu chuẩn VietGAP đạt năng suất cao mà còn là “cầu nối” giúp nhiều nông dân sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, có thu nhập ổn định, vươn lên khá giàu. Ông Út Lơ được Trung ương Hội Nông dân Việt Nam vinh danh “Nông dân Việt Nam xuất sắc 2023”.

Ông Phạm Văn Lơ, Giám đốc HTX Nhãn Nhơn Nghĩa (người bên phải) tận tình chia sẻ kỹ thuật trồng nhãn Ido đạt hiệu quả cao.

Chủ vựa trái cây 2.000 tấn/năm

Những ngày tháng 4, khi miền Tây bắt đầu vào vụ trái cây chín rộ, không khí lao động tại vựa thu mua trái cây của gia đình ông Út Lơ thêm rộn ràng. Hàng chục nhân công tất bật phân loại trái cây, đóng gói giao hàng theo yêu cầu phục vụ nội địa, chế biến, xuất khẩu… Ông Út Lơ kể: “Là nông dân, tôi luôn nung nấu quyết tâm làm giàu bằng chính mặt hàng nông sản của quê hương. Từ năm 2017, tôi nảy ra ý định thu mua trái cây, vừa giúp nông dân địa phương tiêu thụ nông sản, tăng thu nhập cho gia đình. Ban đầu, tôi chỉ mua bán nhỏ lẻ. Dần dà, nhờ làm ăn uy tín, khách hàng đông hơn”.

Với phương châm kinh doanh phải lấy chữ tín làm đầu, ông Út Lơ luôn chú trọng lựa chọn trái cây đạt chất lượng, đến tận vườn kiểm tra và thu mua. Trung bình mỗi năm, vựa trái cây của ông thu mua, cung ứng khoảng 2.000 tấn trái cây các loại cho doanh nghiệp ở nhiều tỉnh, thành phố, thu lợi nhuận khoảng 1,5-2 tỉ đồng. Đồng thời, tạo việc làm thường xuyên cho 10-20 lao động tại địa phương.

 Trồng nhãn theo tiêu chuẩn VietGAP

Trước khi trở thành “cầu nối” tiêu thụ các mặt hàng trái cây cho bà con nông dân địa phương, ông Út Lơ nổi tiếng bởi sự năng động, bứt phá, vươn lên làm giàu nhờ trồng nhãn Ido và “dẫn dắt” hàng chục nông dân cùng làm giàu. Nhiều năm trước, cũng như nhiều nông dân ở ấp Nhơn Phú 1, gia đình ông Lơ chọn giống nhãn tiêu da bò làm loại cây trồng chủ lực. Đến năm 2012, nhãn bị dịch chổi rồng tấn công, năng suất giảm hơn 50%, kinh tế gia đình ông rơi vào cảnh lao đao.

Mặc dù thua lỗ, ông Út Lơ quyết tâm nghiên cứu, học hỏi các mô hình thành công để tìm hướng đi mới. Năm 2014, ông Út Lơ chuyển đổi sang trồng giống nhãn Ido. Đây là giống nhãn có nguồn gốc từ Thái Lan, vỏ trái mỏng, hạt nhỏ, cơm dày, vị ngọt, thơm và có khả năng kháng bệnh chổi rồng. Sau 3 năm chăm sóc, vụ đầu tiên ông thu hoạch được 5 tấn trái. Ông mày mò nghiên cứu, rút tỉa kinh nghiệm xử lý ra hoa và kỹ thuật chăm sóc vườn cây, sản lượng trái thu hoạch ngày càng cao.

Với kinh nghiệm hơn 20 năm gắn bó với cây nhãn, ông Út Lơ không cho nhãn Ido ra trái chính vụ (từ tháng 9-12 hằng năm) mà tập trung xử lý nhãn ra trái nghịch vụ (từ tháng 2-5 hằng năm) để tránh tình trạng “dội chợ”, “được mùa, mất giá”. Theo ông Út Lơ, muốn xử lý cho nhãn ra trái nghịch vụ thành công, nhà vườn phải nắm vững kỹ thuật. Do thời điểm xử lý ra hoa nghịch vụ thường rơi vào mùa mưa, nếu vườn không có đê bao khép kín, việc xử lý xem như thất bại. Lúc nhãn ra hoa, nếu gặp mưa bão thường xuyên, hoa không thụ phấn được, trái non rụng, sẽ giảm năng suất. Toàn bộ 1ha vườn nhãn của ông Út Lơ được trồng theo hướng sử dụng phân bón hữu cơ, thuốc bảo vệ thực vật sinh học nhằm đưa ra thị trường sản phẩm an toàn. Ông Út Lơ chia sẻ: “Nhiều năm qua, tôi trồng nhãn theo tiêu chuẩn VietGAP. Nhất là giai đoạn năm 2022 đến nay, tôi hướng đến canh tác hữu cơ, giảm 50% lượng phân hóa học, thuốc bảo vệ thực vật. Thay vào đó, tôi tăng lượng phân và thuốc trừ sâu sinh học. Từ đó, hạn chế được sâu bệnh, tạo ra chất lượng trái thơm, ngon đặc trưng, đáp ứng được tiêu chuẩn xuất khẩu. Nhãn trồng theo hướng hữu cơ lại nghịch vụ nên hầu hết đều được thương lái thu mua giá cao. Trung bình 1ha nhãn Ido cho năng suất bình quân 20 tấn/vụ. Mỗi năm, sau khi trừ chi phí, huê lợi thu từ vườn nhãn Ido khoảng 250-450 triệu đồng”.

Giúp nhiều nông dân cùng làm giàu

Năm 2018, với sự hỗ trợ của Hội Nông dân xã Nhơn Nghĩa, ông Út Lơ liên kết các nhà vườn trồng nhãn ở địa bàn thành lập Hợp tác xã (HTX) Nhãn Nhơn Nghĩa. HTX có 29 thành viên, trồng nhãn theo tiêu chuẩn VietGAP, với diện tích 22,5ha. Những năm qua, ông Lơ luôn sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm, nhiệt tình hướng dẫn thành viên kỹ thuật canh tác đạt hiệu quả cao... Từ năm 2022, HTX đã đăng ký nhãn hiệu nhãn Thanh Trí. Năm 2023, nhãn Ido của HTX được công nhận sản phẩm OCOP 4 sao cấp thành phố và đã được cấp mã số vùng trồng, đáp ứng yêu cầu xuất khẩu. Hiện nay, đa số thành viên HTX đều sản xuất theo hướng sạch, chuyển đổi dần sang việc bón phân hữu cơ và sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật sinh học. Trong đó, có khoảng 20-30% thành viên HTX xử lý nhãn Ido ra hoa nghịch vụ, năng suất trung bình của HTX đạt 20 tấn/ha, giá bán từ 15.000-25.000 đồng/kg.

Kể về những đóng góp tích cực của ông Phạm Văn Lơ trong phong trào nông dân sản xuất kinh doanh giỏi tại địa phương, ông Huỳnh Thanh Hiếu, Chủ tịch Hội Nông dân xã Nhơn Nghĩa, huyện Phong Ðiền, trân trọng nói: “Với vai trò giám đốc HTX Nhãn Nhơn Nghĩa, ông Út Lơ thường xuyên hỗ trợ, sẵn lòng chia sẻ kinh nghiệm, kỹ thuật canh tác nhãn Ido cho các thành viên HTX. Nhờ đó, hoạt động của HTX đạt hiệu quả cao, các thành viên đoàn kết, nỗ lực làm ăn kinh tế. Bên cạnh đó, ông Út Lơ còn nhiệt tình trong công tác an sinh xã hội. Mỗi năm, ông đóng góp hàng trăm triệu đồng vào công tác phúc lợi xã hội, xây dựng cầu đường... Qua đó, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương phát triển”.

Bài, ảnh: KIẾN QUỐC

Chia sẻ bài viết