13/12/2015 - 15:44

Không khí ô nhiễm khiến chúng ta dễ mập và bệnh

Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng những phân tử nhỏ xíu trong không khí mà chúng ta hít thở có thể góp phần dẫn tới béo phì, tiểu đường và bệnh tim. Bài phân tích do hãng tin Anh BBC đăng tải mới đây dẫn nhiều bằng chứng cho thấy ô nhiễm không khí là nguyên nhân khiến cơ thể chúng ta mất cân đối và dễ mắc bệnh.

Tại sao khí ô nhiễm làm tăng cân và rối loạn chuyển hóa?

Ý tưởng cho rằng "không khí có thể làm bạn béo phì" nghe có vẻ vô lý, nhưng các nghiên cứu cho thấy điều đó là có thể. Hai người ăn cùng loại thức ăn, chọn bài tập thể dục giống nhau nhưng sau vài năm, người này có thể tăng cân nhiều hơn người kia và bị rối loạn chuyển hóa, chỉ vì bầu không khí xung quanh nhà họ.

Ảnh: Getty Images

Khí thải xe cộ và khói thuốc lá là những mối lo chủ chốt, bởi những phân tử bụi trong khí thải gây nên tình trạng viêm nhiễm lan rộng và phá vỡ cơ chế đốt cháy năng lượng của cơ thể. Tuy tác hại trước mắt không nhiều nhưng xét về lâu dài, nó có thể dẫn đến những bệnh nghiêm trọng, bên cạnh các bệnh hô hấp thường liên quan đến khói bụi. "Chúng tôi bắt đầu hiểu rằng việc hít vào và lưu thông không khí ô nhiễm trong cơ thể ảnh hưởng nhiều hơn tới sức khỏe chứ không chỉ là phổi" – nhà nghiên cứu Hong Chen tại Đại học Toronto (Canada) cho biết. Vậy bằng chứng khoa học mạnh mẽ tới đâu?

Chuột thí nghiệm là đối tượng cung cấp bằng chứng cụ thể sớm nhất cho thấy tác động của ô nhiễm không khí vượt ngoài phạm vi lá phổi. Trong quá trình tìm hiểu vì sao cư dân thành thị có nguy cơ mắc bệnh tim đặc biệt cao hơn người dân nông thôn, nhà nghiên cứu Qinghua Sun tại Đại học bang Ohio (Mỹ) phát hiện lối sống là một nguyên nhân, khi mà hệ thống cửa hàng thức ăn nhanh khắp các thành phố góp phần khuyến khích thói quen ăn uống không lành mạnh. Nhưng ông Sun cũng tự hỏi liệu không khí chúng ta hít thở có ảnh hưởng gì hay không.

Để tìm hiểu thêm, nhóm của ông tiến hành một thử nghiệm bằng cách cho một nhóm chuột hít thở không khí đã lọc sạch trong khi nhóm đối chứng tiếp xúc với bầu không khí giống như ở gần đường cao tốc hoặc trung tâm thành phố. Song song đó, các chuyên gia cũng xem xét cân nặng và thực hiện các xét nghiệm khác nhau nhằm đánh giá chức năng chuyển hóa của chuột. Sau 10 tuần, tác động của không khí đối với sức khỏe chuột biểu hiện rất rõ. Theo đó, nhóm chuột tiếp xúc với khí ô nhiễm có lượng mỡ trong cơ thể nhiều hơn, cả quanh bụng lẫn các nội tạng. Ở cấp độ vi mô, các tế bào mỡ của chúng cũng lớn hơn 20% so với bình thường. Không chỉ vậy, cơ thể chúng còn trở nên ít nhạy cảm với insulin (hoóc-môn giúp chuyển hóa đường trong máu thành năng lượng) – một dấu hiệu nguy cơ của bệnh tiểu đường.

Hạt bụi nhỏ, tác hại lớn

Cơ chế chính xác gây ra tình trạng trên vẫn chưa rõ, nhưng các thí nghiệm trên động vật sau đó cho thấy ô nhiễm không khí gây ra một loạt phản ứng trong cơ thể, trong đó, các hạt bụi có đường kính dưới 2,5 micromét (PM2.5) được cho là nguyên nhân chủ yếu.

Khi chúng ta hít vào, chất ô nhiễm kích hoạt các túi khí ẩm nhỏ vốn có chức năng dẫn ôxy vào máu, khiến màng phổi gia tăng phản ứng căng thẳng, đẩy hệ thần kinh vào trạng thái quá tải. Điều này kích thích giải phóng các hoóc-môn làm giảm hiệu quả của insulin và rút máu khỏi các mô cơ nhạy cảm với insulin, ngăn cơ thể kiểm soát chặt lượng đường trong máu. Các hạt bụi nhỏ còn giải phóng hàng loạt phân tử gây viêm nhiễm gọi là cytokine vào máu, từ đó xâm nhập các mô khỏe mạnh. Không chỉ cản trở mô đáp ứng insulin, tình trạng viêm sau đó còn ảnh hưởng tới các hoóc-môn và qui trình kiểm soát sự thèm ăn trong não – chuyên gia Michael Jerrett tại Đại học California cho biết.

Tất cả nguyên nhân kể trên làm đảo lộn sự cân bằng năng lượng của cơ thể, dẫn đến một loạt rối loạn chuyển hóa, bao gồm bệnh tiểu đường, béo phì và các vấn đề về tim mạch như cao huyết áp. Bằng chứng chính là những nghiên cứu lớn của giới khoa học tại các thành phố trên khắp thế giới. Ví dụ, nhà nghiên cứu Chen ở Canada đã kiểm tra hồ sơ y tế của 62.000 người ở Ontario trong khoảng 14 năm và thấy rằng nguy cơ phát triển bệnh tiểu đường tăng khoảng 11% cho mỗi 10 mcg PM2.5/1m3 không khí. Số liệu này rất đáng lo ngại khi tình trạng ô nhiễm tại một số thành phố châu Á hiện ở mức ít nhất 500 mcg PM2.5/1m3 không khí. Hay nghiên cứu của các nhà khoa học Thụy Sĩ cho thấy tình trạng tăng đề kháng insulin, tăng huyết áp và tăng số đo vòng eo cũng xuất hiện trong một cộng đồng gần 4.000 người sống trong bầu không khí ô nhiễm nặng. Trong khi đó, nghiên cứu kéo dài 2 năm của chuyên gia Robert Brook tại Đại học Michigan và các đồng nghiệp ở Trung Quốc phát hiện bất cứ khi nào thành phố Bắc Kinh bị bao trùm bởi khói mù, các vấn đề như kháng insulin và tăng huyết áp trong các đối tượng nghiên cứu đều tăng đỉnh điểm – minh chứng cụ thể cho thấy chất lượng không khí thực sự ảnh hưởng đến sự trao đổi chất.

Ảnh hưởng đến thai phụ và em bé

Có thể nói, điều mà các nhà khoa học đặc biệt quan ngại là ảnh hưởng của khí ô nhiễm đối với trẻ nhỏ, khi một số nghiên cứu cho rằng thai phụ hít thở khí ô nhiễm có thể làm thay đổi sự trao đổi chất của bé và khiến bé dễ bị béo phì về sau. Điển hình là nghiên cứu của chuyên gia Andrew Rundle tại Đại học Columbia, người đã theo dõi sức khỏe của trẻ em lớn lên ở quận Bronx (New York-Mỹ) từ lúc còn trong bụng mẹ đến khi được 7 tuổi. Các bà mẹ lúc mang thai được đeo dụng cụ đo chất lượng không khí xung quanh họ. Sau khi loại trừ các yếu tố khác (như gia cảnh và chế độ ăn uống), ông Rundle phát hiện những trẻ sinh ra tại các khu vực bị ô nhiễm nhiều nhất có nguy cơ béo phì cao gấp 2,3 lần so với trẻ sống ở khu phố sạch hơn.

Mặc dù khuyên mọi người đừng quá hoang mang, song chuyên gia Abby Fleisch tại Trường Y Harvard cho biết nghiên cứu của bà cũng đồng tình với xu hướng chung. Đó là trong 6 tháng đầu thai kỳ, em bé của các thai phụ sống ở các khu vực bị ô nhiễm dường như tăng cân nhanh hơn so với con của những người sống ở vùng có không khí trong lành hơn. Tuy vậy, bà vẫn cho rằng còn nhiều yếu tố khác tác động đến việc tăng cân, chứ không chỉ do ô nhiễm không khí.

Hệ lụy lâu dài và giải pháp hạn chế ô nhiễm không khí

Bình luận về hậu quả của mối quan hệ giữa ô nhiễm không khí với nguy cơ béo phì và những bệnh liên quan, các nhà khoa học cho biết trong ngắn hạn thì tác động không nhiều, nhưng về lâu dài thì có thể gây ra hệ lụy lớn trong bối cảnh số người sống ở các thành phố bị ô nhiễm cao không ngừng tăng lên. Nói cách khác, dân số đô thị càng tăng thì tỷ lệ bệnh tật liên quan đến ô nhiễm không khí cũng gia tăng.

Loại bỏ khói xe có thể cứu hàng triệu người khỏi bệnh tật. Ảnh: Telegraph

Theo các chuyên gia, giải pháp giảm thiểu nguy cơ nói trên bao gồm hạn chế ô nhiễm từ các phương tiện giao thông bằng cách khuyến khích dùng xe điện và xe lai (hybrid – dùng xăng và điện), thiết kế lại đường sá nhằm giúp khách bộ hành và người đi xe đạp giảm tiếp xúc với khói thải. Trong ngắn hạn, chuyên gia Jerrett khuyến nghị tăng cường máy lọc không khí trong nhà, trường học và văn phòng để bảo vệ khí thở. Chuyên gia Brook cho rằng hành động này cần được thực thi ở tầm quốc tế, cả các nước đang phát triển và phát triển như Anh và Pháp, những nơi tưởng chừng kiểm soát được ô nhiễm nhưng không hẳn vậy. "Từ quan điểm muốn cải thiện sức khỏe con người trên toàn thế giới, ô nhiễm không khí nên là 1 trong 10 nỗi lo hàng đầu của chúng ta" – ông Brook cảnh báo.

HOÀNG ĐIỂU (Theo BBC)

Chia sẻ bài viết