28/07/2017 - 15:45

Kết nối thực 

Công nghệ phát triển, ngày nay, điện thoại thông minh trở thành phần quan trọng trong đời sống sinh hoạt mỗi người, nhất là đối với các bạn trẻ. Thế nhưng, việc lạm dụng công nghệ khiến người trẻ đang dần xa rời những kết nối thực trong đời sống.

    Các bạn trẻ TP Cần Thơ tình nguyện đến sửa chữa các vật dụng phục vụ việc chăm sóc trẻ em Mái ấm Thiên Ân (quận Bình Thủy).

Ngày cuối tuần vừa qua, 12 sinh viên Trường Đại học Cần Thơ có buổi sinh hoạt nhóm với chủ đề “Bạn sử dụng điện thoại di động như thế nào?”. Hầu hết bạn trẻ cho rằng, điện thoại thông minh giúp ích việc học, giải trí, đặc biệt những kết nối xung quanh. Thanh Hùng, sinh viên năm 2 ngành Công nghệ thông tin, cho rằng: “Với smartphone, dù đang ở nhà, bạn có thể biết thông tin, sự kiện đang diễn ra trên trái đất”. Còn Ngọc Lam, Cử nhân Anh văn tương lai hỏi các bạn trong nhóm: “Chúng ta sẽ như thế nào nếu không sử dụng điện thoại thông minh?”. Sau hơn 90 phút trao đổi, bày tỏ suy nghĩ về nội dung liên quan chủ dề sinh hoạt, các bạn trong nhóm đúc kết rằng, khi có thời gian, mỗi người đều tập trung cho… điện thoại.

Không khó để bắt gặp hình ảnh bạn trẻ mải mê với điện thoại trong khi ngồi chung với bạn bè. Ai cũng có việc quan trọng và “dán mắt” vào màn hình điện thoại thay vì trò chuyện với người đối diện. Tuy nhiên, vấn đề là không ai lên tiếng phản đối việc sử dụng điện thoại của người đối diện.

Bạn Nguyễn Quốc Dân, 23 tuổi, chuyên kinh doanh lĩnh vực công nghệ ở quận Ninh Kiều, chia sẻ: “Trong những cuộc hẹn, nếu bạn bè quá “nghiện” điện thoại, tôi sẽ chào ra về trước, dù câu chuyện chưa kết thúc. Tôi cảm giác bị xúc phạm khi người đối diện mải mê lướt mạng, không quan tâm mọi việc xung quanh”. Cách nay khoảng 1 năm, Dân gần như nghiện điện thoại đến mức vào nhà vệ sinh cũng mang theo. Dân kể: “Thật ra, tôi sử dụng điện thoại để phục vụ việc kinh doanh, nhưng mục đích này cũng chỉ chiếm khoảng 50% thời gian. Phần còn lại tôi vào mạng xã hội, xem thông tin, clip, phim… Dạo đó, ngón tay trỏ và ngón tay cái của tôi thường trong trạng thái tê cứng, có lúc gần như không cử động được. Việc làm ăn thuận lợi, nhưng lúc nào tôi cũng cảm giác mệt mỏi, lo lắng”. Khi biết được nguyên nhân dẫn đến tình trạng của mình, Dân bán hết các thiết bị công nghệ liên quan internet thường sử dụng, giữ lại điện thoại và truy cập mạng để tiện việc mua bán. Dân chia sẻ thêm: “Tôi dành thời gian đọc sách, gặp gỡ và trò chuyện với những người quen biết có nhiều kinh nghiệm lĩnh vực kinh doanh công nghệ. Tôi dành thời gian tham gia nhóm tình nguyện một lần mỗi tháng. Hiện tôi học tiếng Ý và tìm hiểu về văn hóa, con người nơi đây, chuẩn bị sẵn sàng chuyến đi du lịch nước Ý tháng 12 tới. Tôi có suy nghĩ, hành động tích cực hơn khi “bỏ” điện thoại để tiếp xúc với thế giới thực xung quanh”.

Theo nhiếp ảnh gia người Anh nổi tiếng Babycakes Romero, đa phần người trẻ dùng điện thoại để chờ những thông báo, sự kết nối nhưng quên rằng, có những liên kết chặt chẽ hơn đang bên cạnh. Có câu chuyện dí dỏm, hai cô bạn hẹn nhau ở quán nước. Từ khi vào quán, cả hai mỗi người cầm một điện thoại. Hồi lâu, một trong 2 người lên tiếng: “Người trẻ tuổi rồi đây sẽ mất hết dấu vân tay”. Hai cô gái trẻ cùng cười thích thú trước câu nói đùa rồi tiếp tục quay lại “thế giới” trong điện thoại.

Đặt điện thoại xuống hay để sang bên khi đang bên cạnh người thân, bạn bè. Khi đó, các bạn trẻ sẽ học được nhiều kiến thức, trải nghiệm thực tế, làm hành trang dấn bước, hướng đến thành công trong tương lai.

Bài, ảnh: THẢO MỘC

Chia sẻ bài viết