30/05/2016 - 20:38

Hiểu đúng về bệnh hen phế quản

Hen phế quản (suyễn) là một bệnh viêm mạn tính của đường thở. Theo ước lượng của Bộ Y tế, tỷ lệ trẻ bị hen suyễn khoảng 10%, gấp đôi người lớn. Tuy nhiên trên thực tế, việc chẩn đoán hen phế quản ở trẻ em thường chậm trễ, nhất là trẻ dưới 2 tuổi. Điều này hạn chế hiệu quả điều trị, trẻ thường xuyên bị lên cơn, phải nhập viện, thậm chí có thể nguy hiểm tính mạng. Bác sĩ chuyên khoa II Đặng Thị Kim Huyên, Khoa Thăm dò chức năng, Bệnh viện (BV) Đại học Y Dược TP Hồ Chí Minh, cho biết:

- Hen phế quản hay còn gọi là suyễn đặc trưng với 2 hiện tượng chính là viêm và co thắt đường thở, hay tái đi tái lại nhưng phục hồi tự nhiên hoặc qua điều trị. Viêm đường thở mạn tính, nghĩa là sưng viêm lâu dài. Tình trạng viêm này làm đường thở trở nên rất nhạy cảm với các chất kích ứng khác nhau, gây ra những đợt co thắt phế quản, biểu hiện qua những triệu chứng: ho, khò khè, khó thở… thường xảy ra vào đêm và gần sáng. Khi tiếp xúc với các yếu tố kích ứng (gọi là yếu tố khởi phát) như: thời tiết thay đổi trở trời, bụi, lông thú hoặc khi gắng sức (trẻ chơi đùa)... Những người viêm đường thở sẽ dễ khởi phát cơn hen hơn những người không bị viêm đường thở.

Khi tiếp xúc với các yếu tố khởi phát hoặc còn gọi là yếu tố thúc đẩy này, đường thở sẽ phù nề, co thắt, chứa đầy chất nhầy nên lòng đường thở (phế quản) càng nhỏ lại gây tắc nghẽn, khiến người bệnh có cơn ho, khò khè, khó thở. Hen phế quản (suyễn) không lây lan, truyền nhiễm, có tính chất gia đình, di truyền.

* Cách gì phân biệt các triệu chứng ban đầu của hen suyễn với các bệnh hô hấp, tai mũi họng khác?

 Bác sĩ Đặng Thị Kim Huyên khám bệnh cho trẻ. Ảnh: CTV

- Triệu chứng hen suyễn là khò khè, ho, có đàm, khó thở, tái đi tái lại, có khi biến mất tạm thời rồi bị lại (thành đợt). Trẻ có thể có một hoặc tất cả triệu chứng trên, khó chẩn đoán và dễ nhầm nhất là trong trường hợp trẻ chỉ bị ho. Hiện nay, có bình xịt cắt cơn hen, sử dụng rất đơn giản. Khi trẻ có cơn hen, chỉ cần xịt thuốc vào đường thở làm lòng phế quản giãn ra, trẻ sẽ dễ thở hơn. Điều quan trọng là khi trẻ có các triệu chứng trên, cha mẹ nhanh chóng đưa trẻ đến bác sĩ để có kế hoạch điều trị phù hợp, đồng thời được hướng dẫn cách xử trí kịp thời khi trẻ có cơn hen, cách sử dụng bình xịt... và điều trị dự phòng, nghĩa là phòng ngừa làm giảm số lần lên cơn hen.

* Nếu không chữa trị kịp thời, biến chứng của hen suyễn nặng tới đâu, thưa bác sĩ ?

- Nếu là đợt cấp cứu, không chữa trị kịp thời có thể dẫn đến nguy hiểm tính mạng. Nếu không tuân thủ điều trị lâu dài, đều đặn và đúng cách, để lâu dài sẽ gây tắc nghẽn đường dẫn khí cố định (không gỡ ra được), làm giảm khả năng hoạt động (gây khó thở kinh niên). Nếu trẻ được điều trị kịp thời, sẽ ít lên cơn hen, có giấc ngủ bình yên, được đến trường, vui chơi như bao trẻ khác, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống. Điều trị đúng còn giảm chi phí điều trị và giảm gánh nặng cho gia đình và xã hội.

* Có thể điều trị dứt bệnh hen suyễn không? BV có chương trình điều trị miễn phí cho trẻ em nghèo trong 2 năm?

- Hiện nay, dù chưa có cách chữa dứt nhưng có thể kiểm soát bệnh hen suyễn. Chúng tôi đang thực hiện chương trình: Hỗ trợ tiền thuốc trong 2 năm cho bệnh nhi hen, sẽ đủ để kiểm soát bệnh hen nhưng sau đó nên tiếp tục đưa trẻ tái khám mỗi năm 1 lần. Qua điều trị ở BV chúng tôi, nhiều trẻ kiểm soát được cơn hen và có cuộc sống bình thường như bao trẻ khác.

* Có phải khi lớn lên trẻ sẽ hết bị hen suyễn, thưa bác sĩ?

- Trẻ bị bệnh hen suyễn khi lớn lên, cứ 4 trẻ, có 1 trẻ hết bệnh hoàn toàn; 1 trẻ tiếp tục dùng thuốc cả đời và 2 trẻ dứt tạm thời, đến tuổi trung niên có thể bị lại.

* Thưa bác sĩ, những yếu tố nào làm trẻ khởi phát cơn hen?

- Người bệnh hen có cơ địa bị viêm sẵn và làm hẹp lòng phế quản. Khi thay đổi thời tiết, hoạt động gắng sức, khói thuốc, bụi... là các yếu tố khởi phát cơn hen, gây kích ứng phế quản, làm lòng phế quản vốn bị sưng hẹp nay càng hẹp hơn. Vì thế, cha mẹ nên giữ ấm cho trẻ, tránh hoạt động gắng sức, xúc động mạnh; tránh khói (thuốc lá, bếp, nhang, nhà máy); bụi (trong nhà, trên đường, vải, phấn); phấn hoa; các loại mùi (nồng, nước hoa, các loại thuốc xịt, hóa chất); nấm mốc; thú nuôi có lông (chó, mèo)…; con gián và các chất tiết của gián; con mạt nhà trên giường, gối. Vì trẻ nhỏ cần chế độ ăn phù hợp sự phát triển cơ thể, do đó chỉ kiêng cử đúng thức ăn trẻ có thể bị dị ứng. Ví dụ, khi ăn gà, trẻ xuất hiện cơn hen; sau khi xác định nguyên nhân do gà thì cha mẹ sẽ tránh cho ăn nhưng các món khác vẫn ăn bình thường. Hay một số thức ăn hoặc các chất kích ứng thường gặp như: đồ biển, bò, gà, mắm, chao...; rượu, bia; thuốc Aspirin, giảm đau, kháng viêm... Bệnh nhi cần được tăng sức đề kháng bằng cách uống sữa, nước cam, chanh, quýt, bưởi; tập thể dục; phơi nắng sáng. Gia đình nên vệ sinh nhà cửa 1 lần/ngày tránh bụi; mùng, mền, chiếu giặt nước sôi hoặc phơi nắng mỗi tuần 1 lần và dùng thuốc đúng hướng dẫn của bác sĩ.

* Xin cảm ơn bác sĩ!

H.HOA (thực hiện)

Chia sẻ bài viết